Về vùng…"tứ biên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng tôi quyết định đi… Điện Biên! Xin thưa, kẻo nhầm: “Điện Biên” ở đây là làng Điện Biên, góc tận cùng Đông Bắc Gia Lai, thuộc xã Sơn Lang, huyện Kbang, là điểm giáp biên giữa 4 tỉnh Gia Lai-Kon Tum-Quảng Ngãi-Bình Định. Thế cho nên chúng tôi còn gọi vui đây là vùng… “tứ biên”.
Cái tên “Điện Biên” gợi ngạc nhiên, tò mò: Tại sao một làng vùng đồng bào Bahnar Tây Nguyên lại mang cái tên dễ khiến liên tưởng đến địa danh lịch sử Điện Biên Phủ tận ngoài Tây Bắc? Thế là, trong một buổi giao mùa, chúng tôi tìm đến đây, cũng là cái cớ làm chuyến “du ngoạn” về miệt Trường Sơn Đông, miền đất giao thoa 2 miền xuôi-ngược.
Từ trung tâm thị trấn Kbang, theo cung đường Trường Sơn Đông đẹp như tranh và mềm như lụa về hướng Bắc chừng 40 cây số, đến trụ sở UBND xã Sơn Lang, chúng tôi được ông Đinh Xuân Phiết-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, đồng thời là công dân “chính hiệu” của làng Điện Biên dẫn về làng. Tiếp tục theo đường Trường Sơn Đông về hướng Bắc chừng 20 cây số, đến vùng đệm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng thì rẽ vào làng Điện Biên.
 Nhà Văn hóa-Khu Thể thao làng Điện Biên (xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: T.V.S
Nhà Văn hóa-Khu Thể thao làng Điện Biên (xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: T.V.S
Ông Phiết kể lại: Khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, một đơn vị quân đội Khu V đóng quân ở đây, có một người tên Biên, là Đại đội trưởng Đại đội hậu cần, đã hướng dẫn bà con tại chỗ đào đắp rẻo đất bồi dọc hai bờ con suối nhỏ Đak Pling thành một “cánh đồng” và chỉ bày cách gieo cấy lúa nước. Gọi “cánh đồng” là vào lúc ấy, chứ so với những cánh đồng được khai hoang bằng cơ giới và theo quy hoạch bây giờ thì nó đúng chỉ bằng… bàn tay! Giữa núi thẳm rừng xanh bao đời nay chỉ là những vạt nương rẫy chênh vênh nơi sườn đồi vách núi, lúa bắp năng suất thấp, bỗng dưng có được vùng ruộng nước xanh mát, cho năng suất cao thì bà con vui lắm. Ghi nhớ công lao người tên Biên ấy, họ bèn gọi luôn là “cánh đồng ông Biên”.
Từ tên gọi ấy, đến năm 2012, một làng mới được lập ngay bên cánh đồng xưa. Sau khi bàn bạc chọn tên làng để vừa giữ nét riêng tại chỗ, vừa mang ý nghĩa lịch sử chung, chính quyền địa phương và bà con nhất trí đổi từ “ông Biên” thành “Điện Biên”! Với tên gọi này, bà con vẫn thể hiện được sự tri ân với người xưa, vừa nhằm giáo dục cho các thế hệ công dân của làng luôn nhớ về sự kiện lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Làng Điện Biên gồm 120 hộ đồng bào Bahnar và Kinh, cảnh sắc phong quang sạch đẹp. Khu vực làng Điện Biên thuộc “vùng lõi” miệt Trường Sơn Đông, là điểm giao thoa giữa 2 vùng tiểu khí hậu Tây Nguyên (phía Tây) và đồng bằng Nam Trung bộ (phía Đông), hình thành một chế độ thời tiết, khí hậu rất riêng biệt, chịu ảnh hưởng, tác động nắng-mưa, nóng-lạnh ở cả 2 bên.
Vì vậy, khi chúng tôi đến Điện Biên, đúng vào thời điểm ở phía Đông chuẩn bị vào mùa hè nắng nôi khô hạn thì phía Tây lại bắt đầu bước vào mùa mưa mù mịt. Thế cho nên đất trời ở khoảng giữa này có kiểu thời tiết “Trời không nắng cũng không mưa/Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung!” (thơ Hồ Dzếnh). Đứng ở làng, hay nhẩn nha trên đường Trường Sơn Đông, khách lữ hành cảm nhận từng đợt gió rừng thổi lộng đại ngàn giữa cảnh sắc thiên nhiên tĩnh lặng trong lành. Bà con cho biết chỉ vài tháng nữa thôi, nơi đây sẽ ảnh hưởng mùa mưa từ Trường Sơn Tây dạt đến, rồi tiếp tục ảnh hưởng mùa mưa từ đồng bằng Nam Trung bộ đẩy sang. Cả khu vực chỉ tạnh ráo vài ba tháng từ trước Tết đến khoảng tháng 3 Âm lịch. Thảo nào năm trước, vì nôn nả tìm đến Điện Biên, mới tháng 11 Âm lịch, từ Kon Tum khô ráo (Trường Sơn Tây) xuống đến xã Hiếu (giao lộ đường 24 với đường Trường Sơn Đông) chúng tôi đã phải vội quay về vì mưa phùn giá buốt tái tê và đường trơn ẩm ướt làm nhụt chí… “dế mèn phiêu lưu ký”!
Chỉ là “sơ khảo” bước đầu như vậy. Vùng “tứ biên” này chắc chắn còn nhiều điều thú vị nữa để giới thiệu cùng khách du lãm.
TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.