Gương sáng làng Mơ Hra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Uy tín và nhiệt tình là điều mà dân làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) thường nhắc đến khi nói về già làng Đinh Hmưnh. Dù đã 70 tuổi nhưng ông vẫn luôn có những đóng góp tích cực trong việc giữ gìn bản sắc truyền thống Bahnar, nhất là văn hóa cồng chiêng, đồng thời tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. 
Già làng Đinh Hmưnh. Ảnh: Hà Duyệt
Già làng Đinh Hmưnh. Ảnh: Hà Duyệt
Những năm gần đây, làng Mơ Hra được nhiều người biết đến bởi hoạt động biểu diễn cồng chiêng nổi bật. Năm 2004, đội chiêng của làng-dưới sự dẫn dắt của già làng Đinh Hmưnh và một số già làng tiêu biểu khác-đã đại diện cho đồng bào các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên biểu diễn tại Hà Nội để UNESCO thẩm định, công nhận “Cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Phong trào biểu diễn cồng chiêng trong làng từ đó ngày càng lớn mạnh. Năm 2012, già Hmưnh đã vận động thành lập đội chiêng thanh-thiếu niên đầu tiên của làng. Năm 2014, làng có thêm đội chiêng nữ, nâng số đội cồng chiêng của làng Mơ Hra lên 3 đội. Năm 2018, đội chiêng làng Mơ Hra vinh dự được chọn biểu diễn, phục dựng lễ hội mừng nhà rông mới tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Già làng Hmưnh chia sẻ: “Thời gian qua, tôi luôn cố gắng tổ chức cho dân làng luyện tập cồng chiêng, xây dựng làng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nhờ vậy, đến nay, thanh-thiếu niên trong làng đều biết đánh chiêng thành thạo. Tôi cũng vận động dân làng duy trì nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm...”.  
Với ông Đinh Dũng-nghệ nhân chỉnh chiêng được nhiều người biết tiếng của làng Mơ Hra, già làng Đinh Hmưnh chính là một trong những người thầy đầu tiên. Ông Dũng cho biết: “Bok Hmưnh là già làng uy tín. Chính bok đã dạy cho mình những bài chiêng truyền thống, giúp mình biết yêu tiếng cồng, tiếng chiêng. Bok Hmưnh đã lớn tuổi rồi nhưng luôn động viên dân làng tập đánh chiêng, tuyên truyền các em nhỏ tập múa xoang”. 
Đã qua 70 mùa rẫy nhưng lúc nào già làng Đinh Hmưnh cũng nhanh nhẹn và theo sát các hoạt động của làng, từ hội họp đến sinh hoạt văn hóa-văn nghệ. Là người có uy tín, già luôn tích cực vận động dân làng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, làng Mơ Hra đang được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện dự án “Di sản kết nối” nhằm phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Chung tay góp phần thực hiện dự án, già Hmưnh đã tự nguyện hiến trên 3 sào đất sản xuất của gia đình để mở rộng khu nhà rông làng; tham gia đóng góp các hiện vật cho nhà rông truyền thống. Già Hmưnh tâm sự: “Tôi luôn nhắc nhở dân làng sống đúng theo phong tục, tập quán của dân tộc, phấn đấu làm ăn để xóa đói giảm nghèo, không có ai đói khổ. Ngoài ra, phải cố gắng học tập theo lời Bác Hồ đã dạy, đó là đồng bào phải đoàn kết, thương yêu lẫn nhau, bảo ban nhau làm ăn. Riêng bản thân tôi có 3 sào đất trước đây trồng bắp nhưng tôi đã tự nguyện hiến cho làng để mở rộng khu nhà rông”.
Ngoài ra, thời gian qua, già Hmưnh còn phối hợp với Ban Nhân dân, Ban Công tác Mặt trận và các hội, đoàn thể vận động nhiều hộ tham gia thực hiện cánh đồng mía lớn với diện tích 11 ha; trong đó, già làm gương với việc tham gia 2 ha. Từ khi làng triển khai xây dựng làng nông thôn mới, già Hmưnh cũng tích cực vận động gia đình và dân làng thường xuyên vệ sinh đường làng ngõ xóm, khuôn viên nhà rông, làm hàng rào cổng ngõ...
Ông Đinh Choai-Bí thư Đảng ủy xã Kông Lơng Khơng: “Thời gian qua, nhận thức được ý nghĩa của chủ trương xây dựng cánh đồng mía lớn, ông Đinh Hmưnh đã làm gương và vận động dân làng Mơ Hra làm theo. Trên cơ sở đó, Đảng ủy xã đã lựa chọn ông Đinh Hmưnh là đại diện tiêu biểu của xã Kông Lơng Khơng trong việc thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Hà Duyệt

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.