Bên dòng Đak H'Way

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một ngày cuối năm 2017, tôi tranh thủ về thăm anh chị em, bạn bè một thời trong căn cứ K8 (An Khê) trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà: 30-4-1975. Các anh Huỳnh Văn Vang và Đinh Văn Niềm đưa tôi vào thăm lại làng Bung (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ ngày nay). Khu vực làng Bung định cư bây giờ là một trong những điểm đầu nguồn con nước H’Way, nơi không xa lạ với chúng tôi, những người chiến sĩ năm xưa, nhưng lại có bao điều bất ngờ khiến tôi cứ ngơ ngác nhìn, âm thầm suy nghĩ, lặng lẽ lục vấn trong ký ức của mình về vùng đất chúng tôi đã từng sống một thời bom đạn...
Một góc xã Ya Hội, huyện Đak Pơ ngày nay. Ảnh: Đức Thụy
Một góc xã Ya Hội, huyện Đak Pơ ngày nay. Ảnh: Đức Thụy
Ngày trước, chúng tôi gọi Đak H’Way là sông. Đak H’Way được hình thành bởi một số dòng suối xuất phát từ những khe, những hóc vùng Nam đỉnh đèo An Khê, phía Tây Bắc huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Mùa không mưa lũ, dòng nước trong xanh, ẩn mình uốn lượn dưới những tán rừng già quanh năm xanh biếc và chứa trong mình nhiều loại gỗ và sản vật, chim muông dưới tán cây rất quý hiếm. Mùa lũ, con nước lớn mang phù sa bồi đắp cho hai bờ dọc theo những triền núi chạy dài cho đến khi tụ vào dòng sông Ba, đổ ra biển Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Mùa khô, con nước hiền từ lững lờ trôi, mang trong mình biết bao nhiêu loài hải sản, kể cả rùa, ba ba, đặc biệt là cua đinh, có những con cua đinh to như nong phơi lúa dưới miền xuôi. Các cộng đồng Bahnar từ bao đời, dẫu có du canh du cư nhưng vẫn gắn bó với dòng Đak H’Way này. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, bộ đội ta có những thời gian chọn vùng đất dọc con sông ấy để đứng chân, dẫu được bà con Bahnar trong vùng cưu mang, đùm bọc, che chở, nhưng dòng H’Way này vẫn là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm và thực hiện “sứ mệnh”: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.
Anh Vang đưa tay khoanh một vùng về hướng trước mặt chúng tôi và nói: “Khu vực ruộng, rẫy, vườn, nhà... phía đó, trước đây là Hố Đak”. Tôi còn nhớ như in, vùng Hố Đak là rừng nguyên sinh, ở đó rất nhiều gỗ quý như: cà te, giáng hương và các loại cây cho quả có giá trị, trong đó có cây đak (còn gọi là cây đak toac, cây đoac). Phải chăng vì vùng rừng này có nhiều cây đak mà người xưa đặt tên Hố Đak? Sau Hiệp định Paris (năm 1973), cơ quan Huyện ủy K8 chuyển về ở bên bờ sông H’Way. Quanh khu vực chúng tôi ở khi ấy có rất nhiều cây cà te, một trong những loại gỗ quý. Cạnh đó là một hồ nước, tựa như cái “bùng binh” to, rộng và sâu, mùa khô nước vẫn đầy ắp và trong veo. Quanh hồ này là những cây cổ thụ, có hình dạng như... bonsai, oằn mình ra giữa lòng hồ, là nơi anh em chúng tôi thả sức bơi lội, vùng vẫy hàng ngày và đặc biệt hơn, hồ gần như một vựa cá mà tự nhiên ban tặng cho chúng tôi. Ở quanh khu vực này còn có rất nhiều cây dầu rái cổ thụ. Dầu của nó là một trong những nguyên liệu để chúng tôi chế ra một loại mực in tuyệt hảo dùng để in truyền đơn, tài liệu trên bảng đá viết chữ ngược.
Phía thượng nguồn H’Way, rừng núi ở khu vực ấy gần như bao đời chưa có người khai phá. Chim, thú ở đây nhiều vô kể, khỉ, voọc, vượn từng đàn; heo, gấu, nai... đến mùa lửa rừng, chúng tập hợp từng bầy gặm tro tàn từ tranh ở những điểm vừa cháy. Đặc biệt là voi, có một hôm lính Mỹ phát hiện một đàn voi, có lẽ chúng nhầm tưởng voi vận tải của ta nên đã huy động hàng chục chiếc máy bay trực thăng “chiến đấu” với voi cả ngày. Tôi còn nghe đồn từ các chiến sĩ Trung đoàn 12 Quân giải phóng đứng chân ở vùng rừng này, rằng họ đã từng gặp... dấu chân của người rừng. Sau này, có người của làng Bung giải thích, đó là dấu chân của loài đười ươi.
Xin kể thêm một chút về anh Vang. Anh cùng quê với chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, vùng đất nằm về phía Tây Bắc Bình Định, cũng là nơi địa linh nhân kiệt. Một ngày nọ, đâu khoảng giữa năm 1972, lãnh đạo gọi tôi và giao nhiệm vụ “đào tạo” anh ấy để trở thành người thay tôi làm các công việc liên quan đến đánh máy chữ, ghi tin chậm, viết chữ ngược lên bảng đá, in ấn truyền đơn, tài liệu, kẻ vẽ pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền... Vốn cũng là xứ nẫu, anh em chúng tôi nhanh chóng kết thân. Anh chăm chỉ làm việc theo sự hướng dẫn của tôi. 
Anh Vang nhớ rất kỹ và nhiều về vùng Hố Đak, Đak Pơ, An Khê là bởi lẽ, anh “bám trụ” ở vùng đất này cho đến bây giờ. Còn tôi, sau Hiệp định Paris theo sự điều động của cấp trên, tôi đã phải chia tay với đồng đội, với nơi đầy ắp kỷ niệm một thời... Trước khi nghỉ hưu, anh là Bí thư của một phường thuộc thị xã An Khê. Vốn có tính cách cần cù, chịu khó học hỏi, nên ở cương vị công tác nào anh cũng hoàn thành.
Mỗi lần trở lại xã Ya Hội, tôi thêm vui mừng vì bà con ta, Bahnar cũng như các dân tộc khác có cuộc sống đổi thay, no ấm và yên bình. Cùng với “sự vui mừng” là ký ức một thời lửa đạn ùa về, bao đồng đội, đồng chí, đồng bào nằm lại trên mảnh đất này; vốn là nơi đã từng “rừng xanh, nước biếc”, giờ còn lại chỉ là những đồi cây công nghiệp và cây nguyên liệu. Dòng nước biếc năm xưa từ con sông H’Way, giờ chỉ còn lại là một khe suối nhỏ, con nước mùa chúng tôi về chỉ là những con lạch ẩn mình trong những ghềnh đá, bờ tre... Hai anh  Vang và Niềm cùng có chung câu trả lời khi tôi hỏi về những loài cây quý, những đàn chim, thú hiếm vốn đã từng tồn tại ở những cánh rừng bạt ngàn bao đời nay: “Giờ tìm đâu ra những thứ cây quý và chim thú hiếm như anh hỏi, nó đã thành dĩ vãng rồi”. Cho nên, H’Way giờ trở thành... dòng sông khô là điều không khó hiểu!
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.