Pleiku: Chỉnh trang đô thị đón ngày hội lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 sẽ diễn ra. Công tác chỉnh trang đô thị Pleiku đang được các đơn vị khẩn trương hoàn thành để kịp phục vụ sự kiện văn hóa ý nghĩa này.
Làm ngày, làm đêm
10 giờ đêm, những tuyến đường ở TP. Pleiku đã dần thưa vắng người đi lại. Nhưng gần vòng xoay ngã ba Hoa Lư, dưới những bóng đèn điện công suất lớn được kéo thêm để tăng cường ánh sáng, hàng chục công nhân tham gia thi công cải tạo nâng cấp hệ thống cổng chính, tường rào và vỉa hè quanh khu vực Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum vẫn miệt mài làm việc, khuôn mặt ai cũng lấm tấm mồ hôi dù trời đã trở lạnh. Chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ: “Suốt từ tháng 10 đến nay, các đơn vị thi công tại đây đã tăng ca làm việc từ sáng đến 10 giờ đêm mỗi ngày, thậm chí, có những vị trí phải thức thâu đêm để kịp tiến độ. Bữa trưa và bữa tối, công nhân đều ăn ngay trên công trường”.
Thi công công trình nâng cấp vỉa hè, tường rào, cổng chính Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Lê Hòa
Thi công công trình nâng cấp vỉa hè, tường rào, cổng chính Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Lê Hòa
Trên tuyến đường Phan Đình Phùng, đoạn gần giao với đường Lý Tự Trọng, mặc cho chiều đã muộn, các công nhân vẫn cần mẫn ngồi lát đá vỉa hè. Tiếng máy trộn bê tông, máy cẩu hạ đá ì ầm xen lẫn tiếng công nhân nhắc việc nhau. Dọc tuyến đường Lý Tự Trọng, có đoạn công nhân đang cần mẫn thi công hệ thống cống thoát nước, đoạn khác đã bắt đầu xử lý để lát đá mới. Và tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, nơi diễn ra lễ khai mạc Festival, một tốp thợ đang sơn mới lại Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên… Không khí lao động tại tất cả các công trình đều hết sức khẩn trương, không kể ngày hay đêm.
Để phục vụ Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, nhiều công trình trên địa bàn TP. Pleiku đã được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp như: thi công cổng, tường rào, vỉa hè Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum; tu sửa một số hạng mục công trình tại Quảng trường Đại Đoàn Kết; làm vỉa hè đường đi xuống khu lâm viên Biển Hồ; làm hệ thống thoát nước đường Tôn Đức Thắng, đoạn giao với đường vào làng Brel (xã Biển Hồ); tu sửa Đền tưởng niệm liệt sĩ phường Hội Phú… “Những ngày này, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng TP. Pleiku và Ban chỉ huy công trình đều phải túc trực thường xuyên để theo dõi, giám sát và đốc thúc tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng công trình. Các đơn vị thi công phải huy động tối đa lực lượng tham gia. Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị thi công phải thực hiện cuốn chiếu, làm tới đâu hoàn tất tới đó để đảm bảo nhanh gọn và ít ảnh hưởng nhất đến việc đi lại, kinh doanh của người dân. Các công trình sẽ hoàn tất trước ngày 30-11 theo chỉ đạo của tỉnh, thành phố”-ông Trà Chí Nhất-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng TP. Pleiku-cho biết.
Đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ
Bên cạnh đầu tư nâng cấp, cải tạo một số khu vực diễn ra lễ hội, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Pleiku cũng được đặc biệt chú trọng, đảm bảo cho Phố núi thật sự xanh-sạch-đẹp trước ngày hội lớn. Ngoài ra, để các tuyến phố thêm phần rực rỡ, bắt mắt, Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai cũng tiến hành chỉnh trang cây xanh, thảm cỏ tại tất cả các địa điểm công cộng, đảo giao thông, dải phân cách, hoa viên, công viên trên địa bàn TP. Pleiku. Công ty cũng đặt chậu hoa trang trí tại 7 địa điểm: khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thành ủy Pleiku, UBND TP. Pleiku, Quảng trường Đại Đoàn Kết, đường Trần Hưng Đạo, làng Ốp. Hệ thống điện chiếu sáng, trang trí công cộng, đèn cầu, đèn tín hiệu giao thông bị hỏng cũng đã được kiểm tra, thay thế, đặc biệt là tại các địa điểm diễn ra các hoạt động của lễ hội như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, các tuyến đường nội thành…
 Công nhân Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai chỉnh trang hệ thống cây xanh trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết.          Ảnh: Phương Linh
Công nhân Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai chỉnh trang hệ thống cây xanh trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Phương Linh
Việc chuẩn bị nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách trong dịp Festival cũng được Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai chú trọng. Với lượng khách dự báo sẽ rất đông, số lượng nhà vệ sinh hiện có khó có thể đáp ứng. Vì vậy, Công ty đã tiến hành đặt 4 nhà vệ sinh (8 buồng) tại các khu vực tường rào trụ sở liên cơ quan (đường Lý Tự Trọng), Bảo tàng tỉnh, bãi đậu xe đường Anh hùng Núp để phục vụ du khách đến tham quan, vui chơi, đặc biệt là đêm diễn ra lễ khai mạc, bế mạc.
Nói về yêu cầu tiến độ của công tác chuẩn bị cho Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku, cho biết: “Tất cả công tác chuẩn bị từ chỉnh trang đô thị, cải tạo, nâng cấp một số hạng mục, dọn dẹp vệ sinh, huy động đội nghệ nhân, các gian hàng đặc trưng… đang được TP. Pleiku gấp rút thực hiện để hoàn thành trước ngày 25-11 nhằm phục vụ tốt nhất cho sự kiện văn hóa mang tầm cỡ khu vực này”.     
Hòa Linh

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.