Krông Pa khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn huyện Krông Pa đang từng ngày khởi sắc.
Xã đầu tiên đạt 19 tiêu chí NTM
Phú Cần là xã đầu tiên của huyện Krông Pa đạt 19/19 tiêu chí NTM. Ông Nguyễn Khắc Dưng-Chủ tịch UBND xã Phú Cần-chia sẻ: Năm 2010, khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bắt đầu triển khai, xã Phú Cần còn 607 hộ thuộc diện nghèo (chiếm tỷ lệ 52,83%), thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5,5 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm… còn nhiều thiếu thốn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ năm 2010 đến nay, xã Phú Cần đã huy động gần 97 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng NTM. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương 54,9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 8,5 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 3,2 tỷ đồng, vốn vay tín dụng gần 24 tỷ đồng… Từ các nguồn lực này, địa phương đã dành trên 40 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng giao thông, đầu tư 9,3 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống kênh mương với chiều dài 57 km để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Xã còn đầu tư trên 2,6 tỷ đồng nâng cấp các công trình cơ sở vật chất văn hóa…
Ngoài sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, xã Phú Cần còn kêu gọi nhân dân chung tay góp sức để xây dựng NTM. “Trên địa bàn xã có những gia đình hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường. Điển hình như hộ ông Lê Đấy hiến 500 m2 đất, hộ ông Rơ Châm Jé hiến 1.400 m2 đất, bà Ksor HDư hiến 630 m2 đất... Hay 13 hộ dân có rẫy sản xuất tại cánh đồng Phú Cần đã hiến 5.850 m2 đất để phóng tuyến định hình đường vành đai; 33 hộ dân thôn Hưng Hà hiến đất làm đường nội thôn trị giá khoảng 200 triệu đồng… Trong hơn 8 năm qua, nhân dân Phú Cần đã đóng góp gần 5,8 tỷ đồng để chung tay cùng địa phương xây dựng NTM”-bà Nguyễn Thị Minh-cán bộ Địa chính-nông nghiệp xã Phú Cần-cho biết.
  Học sinh ở xã Phú Cần (huyện Krông Pa) đến trường trên những con đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi.                             Ảnh: l.h
Học sinh ở xã Phú Cần (huyện Krông Pa) đến trường trên những con đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi. Ảnh: Lê Hòa
Nhờ kết hợp giữa nguồn lực nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, đến nay, xã Phú Cần đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. “Hiện toàn xã chỉ còn 93 hộ nghèo (chiếm 6,09%), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/năm. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh, khang trang, xã không còn hộ nào nhà ở tạm bợ, dột nát”-Chủ tịch UBND xã Phú Cần thông tin.
Mỗi xã phấn đấu hoàn thành thêm 2 tiêu chí/năm
Huyện Krông Pa có 13 xã và 1 thị trấn. Năm 2018, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn huyện là hơn 280,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương trên 70,3 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 51 tỷ đồng, vốn lồng ghép trên 48,7 tỷ đồng, vốn tín dụng 110,8 tỷ đồng… Theo thống kê, ngoài xã Phú Cần đã hoàn thành 19/19 tiêu chí thì các xã khác của huyện Krông Pa cũng đều đạt trên 10 tiêu chí. Trong đó, các tiêu chí có tỷ lệ hoàn thành cao như: giao thông, điện, hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, giáo dục, y tế, cơ sở vật chất văn hóa… Toàn huyện còn 3.579 hộ nghèo (chiếm 22,65%), thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 29 triệu đồng/năm.
Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Krông Pa: Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Krông Pa luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng NTM. Chương trình đã đem lại sự thay đổi tích cực cho từng thôn, buôn, giúp nhiều gia đình vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, ở các xã, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với những loại cây trồng chủ lực như: mì, thuốc lá, bắp, lúa… nên thu nhập không cao, lại bấp bênh. Trong khi đó, số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn chưa nhiều, quy mô còn khiêm tốn. Do đó, công tác huy động nguồn lực trong dân để xây dựng NTM còn rất hạn chế.
Cũng theo ông Duyên, đứng đầu trong các tiêu chí khó thực hiện đối với các xã hiện nay là tiêu chí hộ nghèo và tiêu chí môi trường. Về 2 tiêu chí này, trên địa bàn huyện, ngoài xã Phú Cần thì chưa có xã nào đạt. Tiếp đến là tiêu chí thu nhập và tiêu chí văn hóa (2 xã hoàn thành), tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật (3 xã hoàn thành), nhà ở dân cư (5 xã hoàn thành), tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất (6 xã hoàn thành)… Năm 2019, huyện Krông Pa đề ra mục tiêu mỗi xã phải hoàn thành ít nhất 2 tiêu chí trở lên, trong đó, riêng xã Phú Cần phải đảm bảo giữ vững 19/19 tiêu chí. “Xét cho cùng, các tiêu chí chưa hoàn thành phần lớn bắt nguồn từ thu nhập. Vì thu nhập thấp, không đảm bảo cho cuộc sống nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Từ đó kéo theo hàng loạt các yếu tố khác như: nhà ở chưa đảm bảo, sản xuất chưa hiệu quả, các nhu cầu về vệ sinh môi trường, tiếp cận pháp luật còn thấp… Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả thực tiễn của chương trình xây dựng NTM trên địa bàn phải bắt đầu từ việc nâng cao hiệu quả sản xuất, xóa đói giảm nghèo”-ông Duyên nêu quan điểm.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.