Phát triển du lịch nông thôn rút ngắn khoảng cách với đời sống thành thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dịch COVID-19 gây tác động mạnh tới ngành công nghiệp không khói. Trong bối cảnh bị hạn chế đi lại do dịch bệnh, thời gian này, việc tranh thủ đầu tư đón đầu là cơ hội tốt cho ngành du lịch. Đặc biệt đối với du lịch nông thôn đang là giải pháp góp phần phát triển giá trị nông nghiệp, nông thôn, đưa đời sống khu vực nông thôn tiến sát thành thị.

Du lịch nông thôn, du lịch sinh thái đang là trải nghiệm hấp dẫn của nhiều người thành phố. Ảnh minh họa: Thanh Tùng
Du lịch nông thôn, du lịch sinh thái đang là trải nghiệm hấp dẫn của nhiều người thành phố. Ảnh minh họa: Thanh Tùng
Biến nét đặc trưng của nông thôn thành điểm khám phá hấp dẫn
Theo Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình, với dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú, nhiều năm gần đây, mỗi năm huyện Hoa Lư đã thu hút hàng triệu du khách đến tham quan. Từ năm 2019, một số diện tích đất trồng lúa bạc màu, cho năng suất thấp đã được huyện Hoa Lư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển 6,2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây sen Nhật kết hợp thả cá, gắn với phát triển du lịch sinh thái tại các xã Ninh Hải, Ninh Xuân và Trường Yên... thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp ảnh, mang lại thu nhập cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa đơn thuần.
Đến nay, huyện Hoa Lư đang tiếp tục triển khai mô hình này và mở rộng diện tích lên 42ha tại các xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh Thắng, Trường Yên…
Tại nhiều tỉnh, thành phố, du lịch nông thôn đang là một kênh quản bá, tạo đầu ra cho nông sản, đặc biệt là tại các địa phương có đời sống văn hóa có nhiều nét đặc trưng, chưa bị "cơn lốc đô thị hóa" khỏa lấp.
Tỉnh Lai Châu là một trong những tỉnh đang tận dụng lợi thế mang bản sắc văn hóa riêng vùng miền núi phía Bắc để tập trung xây dựng bản Nà Ún (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên) thành bản nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch, thu hút khách tham quan.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu cũng là khu vực có sức hấp dẫn mãnh liệt về du lịch nông thôn. Trong đó, tỉnh Tiền Giang có trên 16 điểm du lịch nông nghiệp, đã cho ra đời những mô hình trải nghiệm mới như mô hình Eco-homestay với những nét nông nghiệp nổi trội, hấp dẫn tại vùng sông nước Tiền Giang có nhiều cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, hấp dẫn.

Nét thanh bình của nhiều vùng quê thu hút khách du lịch trải nghiệm, tham quan. Ảnh: Vũ Long
Nét thanh bình của nhiều vùng quê thu hút khách du lịch trải nghiệm, tham quan. Ảnh: Vũ Long
Xóa bỏ tự phát, xây dựng hướng đi bài bản, quy mô
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, hiện cả nước có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn.
TS Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho rằng, để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn bền vững, phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận, hình thành được chuỗi giá trị, xác nhận được vai trò, các tác nhân của toàn bộ chuỗi giá trị, bỏ những hoạt động manh mún, mang tính tự phát như hiện nay.
Các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Phần lớn sản phẩm du lịch nông thôn hiện đang khai thác tập trung vào giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao…
Hiện nay, mô hình tổ chức du lịch nông thôn chủ yếu mang tính chất tự phát và chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia. Các chính sách phát triển chủ yếu hiện nay lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của từng địa phương.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Trần Thanh Nam cũng khẳng định: Trong 5 năm qua, vai trò của du lịch nông thôn thể hiện rõ trên ba khía cạnh: Góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và phát huy giá trị văn hóa của các vùng miền.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông thôn vẫn tồn tại một số hạn chế, cần điều chỉnh để du lịch nông thôn phát triển theo hướng bài bản, bền vững, mang lại giá trị cao hơn nữa.
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
VŨ LONG (LĐO)

https://laodong.vn/kinh-te/phat-trien-du-lich-nong-thon-rut-ngan-khoang-cach-voi-doi-song-thanh-thi-912222.ldo

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.