Du lịch hồi ức ở Gia Lai: Nhiều tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là vùng đất có nhiều di tích lịch sử gắn với các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Gia Lai có nhiều địa điểm phù hợp để phát triển du lịch hồi ức-loại hình du lịch về thăm lại chiến trường xưa.
Những năm gần đây, được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo các cấp, Gia Lai đã phục dựng nhiều di tích có ý nghĩa lịch sử to lớn gắn với công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước như: Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang; Di tích Đền tưởng niệm và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ; Di tích Nhà lao Pleiku; Di tích chiến thắng Plei Me, huyện Chư Prông; Di tích lịch sử căn cứ địa cách mạng Khu 9, xã Gào, TP. Pleiku; Di tích vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, huyện Kbang...
 Đoàn cán bộ, viên chức Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm trong chuyến về thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: K.N.B
Đoàn cán bộ, viên chức Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm trong chuyến về thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang).
Với mong muốn được cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa, ông Nay Hứ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh-tâm sự: “Chúng tôi rất mong hàng năm được về thăm lại những địa điểm kháng chiến xưa. Vừa qua, được sự tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi đã về thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong. Chuyến đi ấy đã giúp tái hiện một thời tôi từng sống trong khu căn cứ. Mỗi lần được đến những địa điểm ấy, mọi người đều xúc động, ký ức xưa cứ thế ùa về, nhớ về một thời đã qua, một thời chiến đấu gian khổ”.
Bên cạnh những di tích cụ thể gắn liền với các địa danh nổi tiếng của tỉnh nhà, việc tái hiện những ngày tháng gian khổ trong thời chiến cũng được Ban Liên lạc những người kháng chiến tỉnh quan tâm. “Phiên chợ chiến khu xưa” do Ban Liên lạc những người kháng chiến tỉnh phối hợp với quán Nhà Tôi (xã Trà Đa, TP. Pleiku) tổ chức mới đây đã đưa các chiến sĩ ngày ấy trở về với những năm tháng nằm rừng thông qua vô số món ăn đặc trưng một thuở; đây cũng là dịp hội ngộ của những chiến sĩ xưa để cùng nhau ôn lại một thời gian khó nhưng đầy vẻ vang. Ông Quỳnh Hội-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, chủ quán Nhà Tôi-cho biết: “Bản thân tôi luôn mong muốn phối hợp tổ chức nhiều hơn nữa những hoạt động như “Phiên chợ chiến khu xưa”. Lợi thế của quán Nhà Tôi là không gian rộng rãi; hơn thế tôi cũng đã cố gắng tìm kiếm tất cả các nguyên liệu ẩm thực đặc trưng của thời kháng chiến như măng rừng, cá suối, rau dớn... giúp những người từng tham gia kháng chiến tìm về ký ức một thời”. Ngoài những cựu binh từng tham gia chiến đấu, chương trình này cũng thu hút sự quan tâm của giới trẻ, đơn giản là vì họ muốn biết được ông cha trong thời kỳ kháng chiến đã ăn những món như thế nào, đã trải qua gian khổ ra sao?
Chia sẻ về cơ hội khai thác và phát triển loại hình du lịch hồi ức tại Gia Lai, bà Trương Thị Phương Nga (Công ty Du lịch Sinh thái Gia Lai) cho biết: Đây là loại hình du lịch không mới, là một hình thức về nguồn, thăm lại chiến trường xưa... với mục đích đưa cựu chiến binh về thăm lại nơi họ đã từng chiến đấu, đồng thời giới thiệu sự thay đổi mạnh mẽ của đất nước sau chiến tranh. “Khi chứng kiến sự thay da đổi thịt của vùng đất khó khổ một thời, các bác rất xúc động. Thời gian tới, Công ty sẽ mở rộng tour về nguồn tại các trường học trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các em học sinh, sinh viên hiểu rõ giá trị sự hy sinh của các thế hệ đi trước để phấn đấu học tập”-bà Nga cho hay.
 MINH THI

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.