Gia Lai: Chung tay phòng-chống HIV/AIDS

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng Hành động quốc gia phòng-chống HIV/AIDS năm 2018 có chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12. Ngay từ bây giờ, tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai các hoạt động phòng-chống HIV/AIDS nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh, tính từ khi phát hiện ca bệnh HIV đầu tiên đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.056 người mắc HIV/AIDS; trong đó, có 390 bệnh nhân AIDS và đã có 248 người tử vong. Công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn dẫn đến kết quả thực hiện chưa được như mong muốn.  
 Tăng cường truyền thông phòng-chống HIV/AIDS. Ảnh: N.N
Tăng cường truyền thông phòng-chống HIV/AIDS. Ảnh: N.N
Hiện toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS. Dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng chỉ có 1 cơ sở tại Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nên chưa đáp ứng nhu cầu tham gia điều trị. Địa bàn rộng, người nghiện ma túy sống rải rác ở các huyện, thị xã, thành phố nên việc tiếp cận để điều trị bằng Methadone ổn định khó thực hiện dẫn đến số bệnh nhân bỏ điều trị bằng Methadone tại tỉnh còn cao (chiếm khoảng 24%)…
Ngoài ra, việc khó tiếp cận, quản lý, sự kỳ thị đối với bệnh nhân HIV/AIDS cũng gây ảnh hưởng đến công tác phòng-chống HIV/AIDS. Ông Nguyễn Quốc Duy-cán bộ chuyên trách HIV/AIDS (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) chia sẻ: “Đối tượng ngại tiếp xúc ngay cả với cán bộ y tế vì sợ người xung quanh biết, kỳ thị, xa lánh. Có trường hợp còn giấu không cho gia đình biết. Nhiều đối tượng HIV/AIDS mất dấu, không rõ địa chỉ… dẫn đến công tác quản lý bệnh nhân gặp nhiều khó khăn”.
Tháng Hành động quốc gia phòng-chống HIV/AIDS là một điểm nhấn quan trọng trong năm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với việc chung tay phòng-chống HIV/AIDS. Tháng hành động năm 2018 đưa ra con số 90-90-90 nhằm hướng tới các mục tiêu: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút; 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Trong số các mục tiêu trên, mục tiêu đầu tiên là hết sức quan trọng, làm tiền đề để thực hiện 2 mục tiêu còn lại.
Ông Bá Tường Đăng Phong-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh-cho biết: Trong tháng hành động, Trung tâm sẽ tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm, người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV cũng như tham gia các hoạt động phòng-chống HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Đặc biệt, mở rộng xét nghiệm HIV sớm để phát hiện người nhiễm mới HIV nhằm đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.
Thành phố Pleiku là một trong những địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất trong tỉnh, do đó việc triển khai tháng hành động được địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Đặng Phước Toàn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku-cho biết: Tính đến nay, TP. Pleiku có 315 người nhiễm HIV/AIDS; trong đó, 200 trường hợp chuyển sang AIDS và đã có 70 trường hợp tử vong. Hiện số bệnh nhân HIV/AIDS đang quản lý và điều trị ARV có 45 người; số còn lại mất dấu, không rõ địa chỉ. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng nhiễm HIV đã được triển khai, 14 người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố đã được cấp thẻ, số còn lại thẻ bảo hiểm y tế mua trước đó vẫn còn hạn sử dụng.
Theo ông Đặng Phước Toàn, Trung tâm Y tế TP. Pleiku đã chỉ đạo các trạm y tế xã, phường triển khai Tháng Hành động quốc gia phòng-chống HIV/AIDS năm 2018; kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kịp thời các hoạt động triển khai tại xã, phường; cấp phát tài liệu truyền thông cho các trạm y tế xã, phường...; giới thiệu chuyển tiếp các trường hợp nhiễm HIV tới các dịch vụ phù hợp về dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ liên quan đến HIV/AIDS; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền kiến thức phòng-chống HIV/AIDS. Tại Khoa Sản (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) tập trung cao điểm tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai và chuyển dạ, đồng thời giới thiệu chuyển tiếp các trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS đến Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) để nhận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Ngoài lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng-chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng-chống AIDS cấp tỉnh tổ chức tại huyện Chư Pah vào ngày 1-12-2018, các huyện, thị xã, thành phố còn lại cũng đều tổ chức lễ mít tinh và diễu hành. Trong tháng hành động, hoạt động truyền thông được chú trọng trước tiên và bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để thông điệp tuyên truyền được phổ biến rộng khắp trên toàn tỉnh.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao, béo phì và căng thẳng. Để tránh rắc rối trong “chuyện ấy“, nam giới cần duy trì một lối sống lành mạnh bên cạnh chế độ ăn uống khoa học.