Tự ý cho trẻ dùng thuốc, bệnh nặng thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, thời gian này, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhập khoảng 300 bệnh nhi đến khám bệnh, chủ yếu là các bệnh về hô hấp. Đáng chú ý, nhiều trường hợp trong số này do phụ huynh tự ý dùng thuốc khiến trẻ bệnh nặng thêm.
Phụ huynh chủ quan khi dùng thuốc 
Thấy bệnh con ngày một thêm nặng, chị Kpa HPhen (làng Ngol, xã Ia Kla, huyện Chư Sê) đã đưa đến nhập viện tại Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi tỉnh) để điều trị. Theo hồ sơ bệnh án, con chị bị viêm phế quản, tiêu chảy cấp. Khi được hỏi về tình trạng bệnh của con trai mình, chị HPhen nói: “Con trai tôi 11 tháng tuổi. Trước giờ, cháu đau ốm gì thì tôi đến quầy thuốc kể bệnh và mua thuốc về cho cháu uống. Lần này, thấy cháu ho, sổ mũi, tôi cũng làm như vậy nhưng một tuần mà bệnh không giảm nên phải cho cháu nhập viện”.
Không cần đến bác sĩ thăm khám mà mua thuốc tự điều trị đang là thói quen đáng lo ngại của nhiều gia đình. Đó cũng là trường hợp của chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa). Chị Duyên cho biết: “Trước đó, cháu bị viêm da, tôi cho cháu đi bác sĩ khám và uống thuốc. Nhưng uống thuốc xong cháu tiếp tục bị ho. Tôi mua thuốc Tây cho cháu uống nhưng bệnh không giảm nên nhập viện điều trị. Qua thăm khám, tôi mới biết cháu ngoài bị viêm da còn bị viêm phế quản”.
  Khi trẻ ốm cần đưa đến cơ sở y tế để khám-chữa bệnh. Ảnh: N.N
Khi trẻ ốm cần đưa đến cơ sở y tế để khám-chữa bệnh. Ảnh: N.N
Việc tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ đã gây ra nhiều hệ lụy, nhất là với trẻ em. Không chỉ vậy, có người còn giữ toa thuốc cũ, khi trẻ có biểu hiện bệnh tương tự thì đem đến nhà thuốc mua cho tiện mà không biết rằng tuy cùng triệu chứng nhưng có thể bệnh trẻ mắc lần này không như lần trước.     
Bác sĩ Nguyễn Văn Phú-Trưởng khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi tỉnh) cho hay: “Qua khai thác bệnh sử, chúng tôi thấy có nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Nhiều trường hợp trẻ không khỏi mà bệnh càng thêm nặng. Việc dùng thuốc không đúng liều lượng đối với trẻ sẽ gây ra tình trạng tai biến và kháng kháng sinh rất nguy hiểm. Chúng tôi khuyến cáo, khi trẻ bị bệnh, phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế khám-chữa bệnh để được tư vấn kịp thời, không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ”. 
Tăng cường phòng-chống bệnh cho trẻ
Theo bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh, thời gian này, số lượng trẻ đến khám, nhập viện điều trị các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm hô hấp trên... có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó là một số bệnh khác như sốt phát ban, thủy đậu và tiêu chảy.
Bác sĩ Linh cho biết: Trẻ em chưa phát triển thể chất một cách đầy đủ, sức đề kháng kém nên rất dễ mắc bệnh, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Đặc biệt, những trẻ đã từng mắc hen phế quản thì mùa đông-xuân bệnh rất dễ tái phát nên cần chú ý theo dõi, chăm sóc. Phụ huynh cần ủ ấm cho trẻ, cho bú mẹ đầy đủ đối với trẻ dưới 2 tuổi. Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, ăn chín uống chín, đảm bảo dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước. Đặc biệt, phụ huynh cần chú ý cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
“Khi có biểu hiện ho, sổ mũi, sốt cao co giật… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc, nhất là kháng sinh”-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh khuyến cáo.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Kỷ tử được sử dụng từ rất lâu, tác dụng như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý, tốt cho người tiểu đường.