Đội mũ bảo hiểm cho trẻ không nên đối phó!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không ít lần, tôi chứng kiến cô bé gần 4 tuổi nhà hàng xóm khóc nằng nặc đòi mẹ đội mũ bảo hiểm cho mình mỗi khi ngồi lên xe máy ra đường. Hôm qua, thấy 2 mẹ con căng thẳng quá, tôi chạy sang hỏi thăm. Cô bé mếu máo nói trong tiếng nấc như mách với tôi: “Bạn YoYo lúc nào ra đường cũng được bố mẹ đội mũ bảo hiểm để bảo vệ đầu khi chẳng may bị ngã. Còn con xin mà mẹ chẳng chịu mua cho con đội”.
Tôi nhìn sang chị L. (mẹ bé) tỏ vẻ thắc mắc. Chị thở dài lý giải: “YoYo là nhân vật hoạt hình trên Youtube đấy em. Bé nó xem rồi bắt chước, cứ đòi mẹ mua. Mà nghe nói trẻ em dưới 5 tuổi không nên đội mũ bảo hiểm vì có thể ảnh hưởng tới cổ và cột sống nên chị đâu dám. Giải thích, dụ dỗ đủ cách bé cũng không chịu, lần nào ra đường cũng khóc lóc như vậy đó”.
Trên thực tế, ở nước ta, pháp luật không quy định trẻ em dưới 6 tuổi phải bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á (AIPF), trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể đội mũ bảo hiểm khi cha mẹ cho lưu thông bằng phương tiện xe máy. Bởi lẽ, phần hộp sọ của trẻ vẫn chưa phát triển cứng cáp như người lớn nên rất dễ bị tổn thương khi chịu tác động của ngoại lực. Vấn đề cần lưu tâm là phải chọn loại mũ với chất liệu và kích cỡ phù hợp, tương ứng với từng độ tuổi của bé để tránh những hệ lụy về sức khỏe. Vậy nên, khi những người làm cha mẹ như chị L. chưa tự tin về kiến thức trong việc lựa chọn mũ cho bé thì thái độ cương quyết không để con đội mũ bảo hiểm cũng là điều không quá khó hiểu. 
Tình trạng phụ huynh chở con trên xe máy không đội mũ bảo hiểm vẫn còn diễn ra hàng ngày tại các địa phương trong tỉnh. Ảnh: Mộc Trà
Tình trạng phụ huynh chở con trên xe máy không đội mũ bảo hiểm vẫn còn diễn ra tại một số địa phương trong tỉnh. Ảnh: Mộc Trà
Ở một phương diện khác, hàng ngày, không ít phụ huynh nhớ đội mũ bảo hiểm cho mình khi ra đường nhưng lại bỏ quên con trẻ, dù các bé đã trên 6 tuổi buộc phải đội mũ theo quy định. Thậm chí, với nhiều người, việc đội mũ bảo hiểm cho con vẫn chỉ là đối phó, nhất là ở vùng nông thôn. Mới đây, trở về sau chuyến công tác đúng vào giờ tan tầm, tôi bắt gặp hình ảnh phụ huynh thản nhiên chở 2-3 bé không đội mũ bảo hiểm hoặc có chăng chỉ là những chiếc mũ vải thời trang. Khi được hỏi, họ hồn nhiên trả lời là “Do khoảng cách di chuyển từ trường về nhà khá gần nên quên, vả lại cũng không thấy Cảnh sát Giao thông phạt hay nhắc nhở”. Có người còn chống chế: “Theo quy định, trẻ dưới 6 tuổi đâu phải đội mũ bảo hiểm”. Liệu có ai trong số họ nghĩ được rằng: Chính sự thờ ơ, vô trách nhiệm của mình có thể sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho con trẻ? Hơn nữa, khi trẻ chưa đủ nhận thức và chịu trách nhiệm về hành vi của mình thì việc không đội mũ bảo hiểm cho trẻ của người lớn phải chăng đã vô tình tạo cho chúng những thói quen xấu trong việc chấp hành pháp luật? 
Theo thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và báo cáo của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 2 ngàn trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, cùng với đó là khoảng 4 ngàn trẻ bị thương. Đây là một con số rất xót xa và cũng đáng báo động. Thiết nghĩ, tất cả chúng ta cần thay đổi nhận thức, tuân thủ pháp luật, chung tay với ngành chức năng và toàn xã hội trong việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an toàn giao thông mà còn bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho những người thân yêu của mình.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.