Chỗ dựa tin cậy của nông dân xã Tân Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Tân Sơn (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tích cực hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đồng thời, Hội còn tích cực vận động bà con nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Xã Tân Sơn có 3 thôn người Kinh và 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, Hội Nông dân xã đã đề ra nhiều biện pháp hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế.

Trong đó, Hội tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất; thường xuyên vận động gia đình hội viên giúp đỡ nhau về kinh nghiệm sản xuất và đời sống. Hội cũng chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai các chương trình ủy thác cho vay vốn phát triển sản xuất. Hiện tại, Hội đang quản lý 4 tổ tiết kiệm và vay vốn với 177 hộ vay, dư nợ hơn 4,2 tỷ đồng.

Xã Tân Sơn cấp giống bò sinh sản cho các hộ nông dân nghèo. Ảnh: Thanh Nhật
Xã Tân Sơn cấp giống bò sinh sản cho hộ nghèo. Ảnh: Thanh Nhật


Bên cạnh đó, Hội đã xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân cho các hộ khó khăn vay để đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, Hội đã giải ngân nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội cấp trên điều phối về cho 10 hộ vay với số tiền 300 triệu đồng để thực hiện Dự án chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Các chi hội cũng đã vận động hội viên tham gia đóng góp xây dựng quỹ giúp nhau trong phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay, quỹ đã vận động được hơn 40 triệu đồng, giải quyết cho 14 hộ khó khăn vay để phát triển sản xuất.  

Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, hàng năm, 80% số hộ nông dân đăng ký phấn đấu và có 50% trở lên số hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Ông Nguyễn Đình Khánh-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho biết: “Đến nay, toàn xã có 232 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã Tân Sơn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động hội viên, nông dân đóng góp sức người, sức của xây dựng kết cấu hạ tầng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Liệu-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 2-cho hay: “Nông dân trong thôn đã đóng góp gần 50 triệu đồng xây dựng hội trường. Chi hội còn vận động bà con đóng góp kinh phí làm 2 km đường giao thông nông thôn. Chi hội cũng đã phối hợp với các đoàn thể vận động hơn 200 hộ dân tự giải tỏa tường rào, cây cối, hoa màu, đảm bảo theo chỉ giới quy định; vận động người dân chỉnh trang nhà ở, tường rào, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang”.

 Cán bộ Hội Nông dân xã Tân Sơn trao đổi kinh nghiệm sản xuất với hội viên. Ảnh: Thanh Nhật
Cán bộ Hội Nông dân xã Tân Sơn trao đổi kinh nghiệm sản xuất với hội viên. Ảnh: Thanh Nhật


Tại làng Têng 2, Chi hội Nông dân cũng thường xuyên vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, Chi hội đã vận động nông dân tham gia hơn 750 ngày công sửa chữa và làm mới 2,5 km đường giao thông nông thôn, nạo vét mương thoát nước.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã-đánh giá: “Hội Nông dân xã đã tích cực phối hợp với UBND xã, các ban, ngành chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nông dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Ngoài ra, Hội còn vận động nông dân tham gia một số mô hình tổ hợp tác sản xuất, giúp bà con phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có về đất đai, lao động để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,49%, hộ cận nghèo còn 4,94%”.

 

 THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.