Đêm đông không nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đất trời giao mùa, người người hân hoan nhưng trong đêm lạnh giữa phố phường đô hội vẫn còn không ít phận người côi cút mơ về một mái nhà, ngóng vọng cố hương, nhớ một vòng tay ấm.
Những ngày cuối năm, trời TP HCM trở lạnh. Lang thang khắp các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, 3 Tháng 2, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Trần Hưng Đạo… và bên các dạ cầu, chúng tôi bắt gặp nhiều người không chốn để về. Với bao người, đây là dịp đầm ấm dưới mái nhà. Còn họ, se sắt nỗi chạnh lòng trong những ngày sắp Tết.
Ở góc đường Lý Thái Tổ (quận 5, TP HCM) chúng tôi gặp ông Thành (60 tuổi) đang đợi những chuyến xe từ thiện ngang qua. Đây là chỗ quen thuộc của ông vào mỗi tối. Ông Thành bị thoái hóa xương khớp. Sương đêm lạnh buốt, phong phanh trong chiếc áo mỏng, ông vặn mình với những cơn đau.
Ông kể ở nhà còn một ông chú năm nay đã hơn 80 tuổi. Hai ông già còm cõi, sống nương tựa vào nhau. "Tui cũng có hoa tay lắm. Hồi trước có nhận cắt, dán đề-can "biển quảng cáo" cho mấy bà bán nước, sinh tố, trà tắc ở gần nhà. Khi họ cho 50.000, lúc cho 100.000 đồng. Mà mấy nay dịch bệnh, người ta nghỉ bán, tui cũng "thất nghiệp" luôn" - ông Thành thở dài.
TP đêm cận Tết, nhiều người vẫn tất tả chở hoa kiểng, quà, bánh, ngược xuôi trên đường. Thi thoảng có người ghé lại tặng ông chiếc bánh bao, chai nước suối, khi thì chiếc bánh mì. Được hai phần, ông dành một phần mang về nhà. Nhưng cũng không thiếu những hôm, hai chú cháu ôm bụng rỗng qua ngày.
Đến 22 giờ, đi ngang đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP HCM), chúng tôi gặp 2 người già ngồi nói chuyện với nhau trước cổng chùa Lâm Tế. Kế bên là một chiếc xe ba bánh và một chiếc xe đạp lỉnh kỉnh đồ đạc. Bà Hải, 74 tuổi, người nhỏ nhắn, da nhăn nheo sạm đen. Ban ngày, bà đạp chiếc xe ba bánh của mình đi khắp các ngõ ngách từ quận 3, 5, 10, nhặt nhạnh những chai, lọ, thùng giấy… người ta bỏ đi, bán lại kiếm sống qua ngày. Đêm, bà trở về bên mái hiên chùa Lâm Tế để ngả lưng.
"Đồng nghiệp" của bà Hải, ông Vũ (68 tuổi), già khọm, móm mém cất tiếng hát, không rõ lời, lè nhè như người say rượu. Bà Hải quay sang nói nhỏ: "Đầu óc ổng không bình thường lắm đâu. Lúc tỉnh lúc mơ. Tui thấy ổng lang thang khắp nơi, tội quá nên chỉ về chỗ này ngủ. Đêm lỡ có mưa cũng có mái hiên chùa để trú".
26 Tết, một người không nhà tìm chỗ qua đêm ở một công viên tại TP HCM.
26 Tết, một người không nhà tìm chỗ qua đêm ở một công viên tại TP HCM.
0 giờ, ở một con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, khi mọi người đều chìm vào giấc ngủ thì vẫn còn cụ già lủi thủi nhặt ve chai. Chúng tôi tiến lại để lì xì cho cụ thì mới nhận ra cụ là nhân vật chúng tôi từng làm phóng sự ảnh "Những người vô gia cư" cách đây đã 4 năm.
Cụ tên Sáu (73 tuổi), không còn gia đình và người thân. Nay trông cụ ốm yếu, còn mang trong mình nhiều bệnh tật. Sáng sớm đi nhặt ve chai, khuya về nằm ngủ ở hàng ghế đá trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3). Cụ bảo: "Cả đời tôi chưa từng biết đến Tết. Tôi chỉ cảm nhận được khi có người đến lì xì và chúc Tết. Tết đến, tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì được lì xì, được quan tâm, buồn vì không còn nơi nào để nương tựa. Tết năm nay vẫn vậy. Tôi đi lượm ve chai để bán kiếm tiền sống qua ngày. Tôi cầu chúc mọi người khỏe mạnh, yên vui trong ngày Tết" - cụ Sáu rơm rớm nước mắt.
Tại chân cầu Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), về đêm nhiều người vẫn nằm vật vờ tâm sự về ngày hết Tết đến. Chị Nguyễn Thị Tâm (49 tuổi, quê Bến Tre) kể lên TP HCM tìm việc mấy tháng nay. Ban ngày chị dắt đứa con trai mới 8 tuổi đi lang thang khắp nơi xin việc, ai gọi gì làm nấy, kiếm được khoảng 50.000 đồng để chi tiêu qua ngày; ban đêm, chị đến ngủ ở gầm cầu Điện Biên Phủ. Mấy tháng trước, chị đi tìm người chồng "biệt vô âm tín" 2 năm nay nhưng bất lực. Con chị, cháu Đạt (8 tuổi), phải nghỉ học ở quê lên TP HCM đi theo mẹ. Hai mẹ con sống lang thang nay đây mai đó, nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người.
Trong màn đêm dần khuya, tiếng hát Xuân dập dìu vang trên phố. Bên những tòa nhà cao tầng sáng choang ánh đèn, vẫn lẻ loi những phận người lặng lẽ. Bóng họ trải dài, lẻ loi bên hè phố... 
Ý Linh - Sỹ Hưng (NLĐ)

Có thể bạn quan tâm

Người 39 năm làm già làng

Người 39 năm làm già làng

(GLO)- Ở tuổi 89, ông Han-già làng làng Chăm Nek (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) vẫn siêng năm lao động, truyền dạy những kiến thức, kinh nghiệm cho bà con dân làng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống.

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

(GLO)- Khai trương ngày 24-4 vừa qua, Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy (38 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, đối diện cổng sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã góp phần chia sẻ khó khăn với người nghèo, nhất là bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại các bệnh viện.
Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

(GLO)- Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, phấn đấu không còn hộ nghèo vào năm 2025.
Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

(GLO)- Thời gian đã nhuộm màu mái tóc, song ký ức của một thời xếp bút nghiên lên đường chiến đấu vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính già. Sau 49 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, họ vẫn nhắc nhớ về những tháng ngày gian khổ mà rất đỗi tự hào.

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

(GLO)- Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, bộ mặt thôn làng ở TP. Pleiku đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.