Nóng trên mạng xã hội: Chàng trai Pháp gốc Việt quyết cả đời đi tìm mẹ ruột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Tôi không muốn đến khi chết đi vẫn không biết được nguồn cội của mình, không biết được người sinh ra mình là ai”, anh Loic Langeard (tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Tân) chia sẻ về quyết tâm tìm lại mẹ ruột của mình.

 Anh Tân cùng gia đình bố mẹ nuôi tại Pháp - ẢNH: NVCC
Anh Tân cùng gia đình bố mẹ nuôi tại Pháp - ẢNH: NVCC


Bị mẹ bỏ rơi khi vừa sinh với lý do “không có chồng”, Nguyễn Văn Tân (nay 27 tuổi, sống tại Pháp) khi đó được đưa đến Nhà nuôi trẻ mồ côi Gò Vấp “Mầm non 4” để nuôi dưỡng. 8 ngày tuổi, anh được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi và có một cuộc sống hạnh phúc tại đất nước này. Tuy nhiên, Tân chưa bao giờ thôi trăn trở về nguồn cội.

“Cảm ơn mẹ vì tất cả”

Đến Pháp ngày 5.12.1993, lớn lên tại xã Athis-Mons yên bình trong vùng đô thị Paris, Tân nhận được tình yêu thương rất lớn từ bố mẹ nuôi. “Thực lòng, tôi biết ơn họ vì đã cho tôi có được một cuộc sống tốt nhất”, anh tâm sự.

 

 Anh Tân lúc vừa chào đời
Anh Tân lúc vừa chào đời


Tuổi thơ của Tân là những ngày anh không ngừng thắc mắc về ngoại hình khác biệt của mình. Anh vẫn thường hỏi bố mẹ tại sao mình không có làn da trắng, tóc vàng hay đôi mắt xanh như các bạn. “Lúc nào cũng vậy, bố mẹ luôn nhắc nhở tôi phải tự hào về vẻ ngoài và kể cho tôi nghe về đất nước nơi tôi sinh ra. Nhờ có bố mẹ, tôi biết đến Việt Nam nhiều hơn và bắt đầu tìm hiểu, khám phá về nó”, Tân kể.

Từng đến Việt Nam hơn 5 lần, Tân xem đó là hành trình “trở về nhà” của mình. Anh hiểu thêm về vẻ đẹp con người, văn hóa Việt và rồi khát khao tìm mẹ ào về. “Đến một lúc nào đó, ai rồi cũng sẽ mong muốn tìm về với nguồn gốc của chính mình. Mẹ tôi trông ra sao? Tại sao bà ấy lại bỏ tôi lại? Bà ấy vẫn còn sống khỏe mạnh chứ? Bà ấy còn nhớ tới tôi không?”, những thắc mắc đó thôi thúc Tân tìm lại mẹ.

Tân chưa bao giờ có suy nghĩ oán trách bố mẹ ruột. Anh tin rằng: “Không có người mẹ nào lại muốn vứt bỏ con mình. Có lẽ mẹ tôi đã gặp phải điều gì đó kinh khủng lắm mới bỏ tôi mà đi. Và có lẽ, bà đã dằn vặt vì điều đó suốt phần đời còn lại của mình. Thực tâm, tôi biết ơn bà đã sinh ra tôi, và nhờ bà ấy mà tôi có được cuộc sống tuyệt vời ở hiện tại. Cảm ơn mẹ vì tất cả”.

Bà Nelly Laneard (61 tuổi, mẹ nuôi Tân) xúc động cho biết: “Loic là một người hiền lành và tử tế, lại rất chăm chỉ”. “Từ ngày nhận nuôi cháu, tôi sinh thêm một đứa con trai. Vì vậy, chúng tôi xem cháu là phước lành mà Chúa ban tặng cho gia đình. Tôi mong cháu tìm được mẹ, để không phải băn khoăn về gốc gác của mình”, bà Nelly Laneard nói.

Dành cả cuộc đời để tìm mẹ

Năm 2018, Tân trở về Việt Nam tìm lại mẹ mình. Trước khi đi, bố mẹ nuôi đã đưa cho anh những thông tin mà họ có. Họ vẫn giữ gìn cẩn thận nó suốt gần 30 năm nay, chỉ chờ đến ngày anh cần. Do khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa cũng như không có người quen tại Việt Nam nên hành trình tìm mẹ của anh không có nhiều kết quả. Anh đã đăng thông báo trên các diễn đàn người Pháp ở Việt Nam nhưng cũng không có phản hồi. “Ngày gặp được mẹ chắc chắn là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Nếu được gặp bà, câu đầu tiên tôi nói với bà ấy sẽ là “Con cảm ơn mẹ vì đã sinh ra con. Mong mẹ đừng cảm thấy tội lỗi, vì cuộc sống của con rất tốt”, Tân nói.

Trên giấy chứng sinh, Nguyễn Văn Tân sinh ngày 12.10.1993 tại BV Hùng Vương (Q.5. TP.HCM), nặng 2,5 kg. Mẹ của anh tên Nguyễn Thị Mai, khi đó 18 tuổi và thường trú tại địa chỉ 341/C Đầm Sen, P.5, Q.11, TP.HCM. PV Thanh Niên theo địa chỉ trên đã tìm đến nhưng người dân ở đây cho biết địa chỉ này khá mơ hồ do không có tên đường, số nhà cụ thể. Bà Ngọc Hoa (50 tuổi) đã sống tại đây hơn 25 năm, cho biết: “Hầu hết những người ở đây đều mới chuyển đến chục năm nay. Không loại trừ trường hợp người mẹ khai thông tin không chính xác để bỏ lại con”.

 


Theo CAO AN BIÊN (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.