Nghĩa tình đồng hương trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa những tất bật của cuộc mưu sinh nơi xứ người, ai cũng mong được nghe tiếng cười, giọng nói quê hương. Chính vì vậy, nhiều hội đồng hương đã được thành lập trên vùng đất Gia Lai để những người con xa xứ có dịp gặp gỡ, hỗ trợ nhau vươn lên trong cuộc sống.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ khang trang tại số 30 Trần Phú (thị xã Ayun Pa), ông Lê Tấn Hải (SN 1946) không khỏi xúc động khi được hỏi về quê hương mình. Ông Hải rời Quảng Nam-Đà Nẵng từ những năm 60 của thế kỷ trước nên luôn canh cánh nỗi nhớ quê nhà da diết. Năm 1999, ông cùng 50 hộ đồng hương thành lập Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng tại thị xã Ayun Pa. Sau hơn 20 năm, số hội viên đã tăng lên 260 hộ. Ông Hải được bầu làm Chủ tịch Hội từ đó đến nay. Ông tâm sự: “Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng là nơi tập hợp những con người cùng mảnh đất quê hương, không kể trai gái, dâu rể nhằm hỗ trợ nhau trong cuộc sống, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng quê hương thứ 2 giàu đẹp hơn”.
Trong khi đó, theo ông Trần Đình Tuấn-Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Phú Thiện thì: “Tuy mới được thành lập từ năm 2017 nhưng Hội hoạt động rất sôi nổi với 21 hộ hội viên. Để thuận lợi trong hoạt động, Hội đã thành lập trang Facebook riêng, hễ có sự vụ gì thì gửi thông báo cho tất cả hội viên”.
Ông Nguyễn Xuân An-Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng phấn khởi khi được nhận giấy khen do Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) trao tặng về phong trào khuyến học của Hội. Ảnh: V.C
Ông Nguyễn Xuân An-Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng phấn khởi khi được nhận giấy khen do Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) trao tặng về phong trào khuyến học của Hội. Ảnh: V.C
Để có kinh phí hoạt động, các hội đồng hương đều vận động góp quỹ. Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng có lượng hội viên đông, hoàn cảnh kinh tế khác nhau nên không quy định mức phí cụ thể mà thu trên tinh thần tự nguyện. Những gia đình khó khăn được miễn đóng quỹ Hội. Nhờ tinh thần tự giác của hội viên và sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, hiện nay, quỹ Hội đã huy động được hơn 200 triệu đồng. Một phần quỹ Hội được dùng cho hội viên vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Bà Trịnh Thị Vinh (08 Hoàng Văn Thụ, thị xã Ayun Pa) cho biết: Vợ chồng bà đều làm nghề bán vé số, con cái đi làm ăn xa, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2017, được Hội đồng hương cho vay 13 triệu đồng, bà đầu tư nuôi thêm gà, vịt và trồng rau. Nhờ vậy, cuộc sống được cải thiện đáng kể, các khoản nợ cũng trả gần hết. “Xa quê mới cảm nhận được hết nghĩa tình đồng hương ấm áp đến nhường nào”-bà Vinh trải lòng.
Bên cạnh việc giúp nhau phát triển kinh tế, Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng còn đặc biệt quan tâm xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học. Với số tiền lãi thu được sau khi cho hội viên vay và nguồn ủng hộ của các cá nhân làm kinh tế giỏi, hàng năm, Hội tổ chức khen thưởng cho các cháu có kết quả học tập cao (khoảng 200.000-400.000 đồng/cháu), tạo động lực để thế hệ sau không ngừng cố gắng. Năm 2019, Hội vinh dự được Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng cộng đồng học tập giai đoạn 2013-2018.
Ông Lê Tấn Hải-Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng trao tặng giấy khen cho các gia đình hiếu học trong Hội. Ảnh: V.C
Ông Lê Tấn Hải-Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng trao tặng giấy khen cho các gia đình hiếu học trong Hội. Ảnh: V.C
Trong khi đó, nhờ điều kiện kinh tế của các hội viên đều khá giả nên Hội đồng hương Nghệ An thống nhất mức đóng góp tăng từ 2 triệu đồng/hộ (năm 2017) lên 4 triệu đồng/hộ (năm 2020). Đây được coi là phần tiết kiệm của tất cả hội viên. Trong trường hợp hội viên chuyển nhà đi nơi khác sinh sống thì số tiền đóng góp vào quỹ sẽ được hoàn trả. Nguồn quỹ cũng được sử dụng cho các hội viên vay với lãi suất 1% để phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai (thôn Thắng Lợi, xã Ia Sol) muốn mở rộng sản xuất nhưng khó khăn về nguồn vốn. Năm 2019, bà được Hội đồng hương tạo điều kiện vay 40 triệu đồng để trồng thêm 1 ha cây ăn quả. “Vợ chồng tôi vào Gia Lai lập nghiệp, không họ hàng, thân thích. Hội đồng hương như ngôi nhà thứ 2 của tôi. Được Hội tin tưởng cho vay vốn làm ăn, tôi sẽ cố gắng phát triển kinh tế để có thể giúp đỡ những người khó khăn hơn”-bà Mai bộc bạch.
Hội Đồng hương Nghệ An cũng đặc biệt chú trọng việc thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình hội viên. Hàng năm, Hội trích quỹ khen thưởng những học sinh giỏi và các trường hợp đậu thủ khoa đại học (khoảng 50.000-500.000 đồng/cháu). Anh Hồ Văn Tường (tổ 12, thị trấn Phú Thiện) kể: Năm học 2017-2018, con trai anh là Hồ Văn Đức đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh môn Toán, tiếp đó giành giải khuyến khích cấp quốc gia môn Tin học. Trong buổi gặp mặt đầu năm 2019, Hội quyết định tặng cháu giấy khen cùng số tiền thưởng 350.000 đồng. “Với thành tích học tập xuất sắc, cháu được các cấp tặng thưởng rất nhiều. Nhưng với riêng gia đình, phần thưởng của Hội đồng hương có ý nghĩa vô cùng lớn. Đó là sự ghi nhận của cả một đại gia đình. Nó sẽ là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ để cháu không ngừng cố gắng”-anh Tường chia sẻ. 
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.