Huế cần gìn giữ những giá trị riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhân dịp hội thảo “Văn hóa Huế: Nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh TT-Huế tổ chức hôm 3.10, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông - nguyên Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - tại miền Trung đã gửi đến Lao Động loạt bài viết “Huế cần gìn giữ những giá trị riêng có”.

Không gian Huế - tiếng thở dài trong mắt kẻ ly hương... Ảnh: Nguyễn Hữu Thông
Không gian Huế - tiếng thở dài trong mắt kẻ ly hương... Ảnh: Nguyễn Hữu Thông
Bản sắc không bất biến hay hóa thạch
Để xác định bản sắc của một vùng đất hay một quốc gia, nhà văn hoá học hiện đại như Francoise Jullian đang đặt ra vấn đề có hay không có bản sắc văn hoá, khi chúng ta muốn quy chuẩn hay xác định nó bằng những cái gạch đầu dòng cứng nhắc, mang tính tổng kết hay khẳng định. Bản sắc một vùng đất không phải là những gì bất biến hay hoá thạch để chúng trở thành một thứ chuẩn mực hay tiêu chí nhằm đánh giá sự phát triển mang tính đúng sai, hay dở, tốt xấu. Bản sắc theo chúng tôi nó bàn bạc trên mọi mặt đời sống một cộng đồng tộc người, quốc gia hay một đơn vị cư trú. Ở đấy, chúng hiện hữu một cách vô hình, nhưng là nền tảng để người khác cảm nhận khí chất hay tính cách của cộng đồng đó, mà không thể dùng bất cứ một tình huống hay trường hợp cụ thể nào để dẫn chứng như một sự tiêu biểu mang tính đại diện.
Có như vậy, chúng ta mới thận trọng hơn khi dùng cái nhìn hiện đại để nhận diện quá khứ. Tỉnh táo hơn trong việc hồi cố, để chiêm nghiệm những gì chúng ta đã buông thả khỏi vòng tay mình các giá trị đã từng được xác lập trong dĩ vãng, và vội vàng xem sự biến mất của nó như một quy luật tất yếu của lịch sử. Chúng ta đang có xu hướng sa đà vào phương pháp đối sánh sự phát triển Huế theo chiều đồng đại nặng hơn chiều lịch đại.
Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc quy hoạch, cũng như những dự án mang tầm tương lai của đô thị này, luôn bị ám ảnh và được tiến hành một cách vội vã, nóng lòng sợ thua kém các tỉnh bạn, hay sợ dư luận đánh giá Huế chậm chạp ù lỳ trong việc hội nhập và phát triển (nghiêng về chiều đồng đại). Trong lúc, chúng ta lại ít khi sốt ruột hay băn khoăn về việc hiện nay chúng ta đã mất, đang bị xói mòn, hay phai nhạt những giá trị từng hiện hữu, từng tồn tại và trở thành nền nếp trong quá khứ (xét trên chiều lịch đại).
Tiếng thở dài trong mắt kẻ ly hương…
Huế là nơi hội tụ hàng loạt yếu tố khách quan lẫn chủ quan, thủ đắc những “kho báu” từ một số cơ duyên hiếm hoi và diễm phúc trong lịch sử. Và chúng ta nên hiểu, tự hào rằng không phải địa phương nào trên đất nước này cũng có được điều ấy. Nếu để mất chúng cũng đồng nghĩa là tự đánh mất điều riêng có của mình.
Các thành phố lớn khác trên khắp đất nước không ai có thể cạnh tranh với Huế về mật độ của di tích từ cung đình, quý tộc, cho đến các thiết chế về văn hoá, đức tin của các tầng lớp xã hội đa dạng, đại diện cho bộ mặt quốc gia hàng thế kỷ. Trên khắp đất nước, không phải không có những cảnh quan sơn thuỷ xinh đẹp và thơ mộng, nhưng chẳng thể nào có một dòng sông trong xanh như ngọc bích chảy xuyên qua trái tim thành phố với hậu cảnh núi rừng chập chùng nhiều tầng điểm tô một cách đầy ấn tượng như tranh vẽ.
Tôi cứ hình dung và liên tưởng đến tính chất và ưu thế của từng vùng miền trong bức tranh văn hoá Việt qua hình ảnh một ngọn lau. Chúng mảnh mai nhưng khó gãy gập bởi sự mềm mại và uyển chuyển. Văn hoá của vùng châu thổ sông Hồng sông Mã cắm vào đất tổ để ngọn lau không bật gốc (sâu). Văn hoá miền Trung như thân lau cố định, thẳng, mảnh dẻ (tĩnh) làm cầu nối giữa gốc với ngọn lau là vùng đất Nam Bộ luôn năng động và linh hoạt trước mọi biến chuyển (động). Đó là ba tính chất cùng một nguồn xuất phát, bổ sung cho cây văn hoá Việt vững chãi, nhưng mỗi miền biểu lộ những ưu thế khác nhau.
Chúng ta thử đối sánh những tính chất vừa nêu trên ba vùng tiêu biểu: Hà Nội - Huế- Sài Gòn. Sự hấp dẫn của Hà Nội ngoài vị trí trung tâm của đất nước, thủ đô Việt Nam nơi có những công trình tiêu biểu mang tầm vóc quốc gia, còn vô số những công trình gối đầu trên những truyền thuyết giai thoại và truyện tích có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử. Những gì được xem là tinh hoa của dân tộc trên nhiều lĩnh vực, luôn được nuôi dưỡng bằng độ sâu của gốc rễ trên cây văn hoá Việt. Hà nội rõ ràng lan toả sự thu hút trên góc độ “sâu” này một cách mạnh mẽ.
Sài Gòn là điểm bộc lộ sự năng động, hào nhoáng, cởi mở, tràn đầy sức sống của một cơ thể tráng kiện. Là nơi có nhiều cơ hội cho những giấc mơ thể hiện những năng lực tiềm ẩn của con người trở thành hiện thực. Chính vì vậy hấp lực của nó luôn phù hợp với tính chất động, phóng khoáng và trẻ trung.
Huế trong mắt kẻ ly hương luôn như một tiếng thở dài: “Huế là nơi đi để mà nhớ - chớ không phải ở để mà thương”. Có phải do Huế buồn, trầm mặc và chậm chạp ù lỳ trong bức tranh sôi động chung của đất nước? Có phải Huế bảo thủ và kênh kiệu không phải lối trong những cơ hội thay đổi mình? Có phải Huế luôn co mình e ngại với những thử thách mang tính quyết đoán hay nặng chất phiêu lưu? Và có phải Huế chỉ tồn tại trong cảnh sắc mộng ảo để làm thơ, hoài niệm và không ai màng đến chuyện phản biện những phi lý đang tồn tại thâm căn cố đế trên mảnh đất này?
NGUYỄN HỮU THÔNG (LĐO)

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/hue-can-gin-giu-nhung-gia-tri-rieng-848843.ldo

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.