Từ Bạch Mã đến Kon Ka Kinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đang trên đỉnh cao gần 1.400 m so với mực nước biển của Vườn Quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên-Huế) mà tôi cứ huyên thuyên với các đồng nghiệp chủ nhà về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-Di sản ASEAN (tỉnh Gia Lai) thì thật là vô lối. Thế nhưng các đồng nghiệp của tôi vẫn chăm chú nghe những lời… có cánh của ông khách phương xa.

Quả là bên trong Kon Ka Kinh còn rất xa lạ với mọi người, thậm chí cả với không ít người địa phương đã từng “sở hữu” nó bao đời nay. Mỗi nơi có những điều khác biệt, không thể so sánh. Tuy vậy, tôi vẫn thầm ngẫm nghĩ về những điều đang diễn ra ở 2 nơi-Bạch Mã và Kon Ka Kinh.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Mới đây, một lần nữa tôi trở lại Kon Ka Kinh. So với mấy năm trước, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh giờ đã có nhiều đổi thay. Đáng nói là việc thay đổi cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới-trực thuộc UBND tỉnh. Cơ sở hạ tầng khu trung tâm và hệ thống điện nước, khu hành chính… đều khá khang trang. Đường lên đỉnh Kon Ka Kinh vẫn chỉ là lối mòn vốn có, tuy nhiên đã nhiều hơn những dấu chân để lại của du khách gần xa.

Dù vậy, so với Bạch Mã của Thừa Thiên-Huế thì vẫn còn nhiều điều để nói. Bạch Mã được người Pháp để mắt tới từ những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ trước. Theo hồi ký “Xứ Đông Dương”, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khi nhậm chức hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã dành thời gian thị sát nhiều vùng đất của xứ Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam. Việc phát hiện ra Sa Pa, Bà Nà, Đà Lạt… đều xuất phát từ những chuyến thị sát của vị Toàn quyền này. Bạch Mã cũng là nơi những người kế nhiệm ông sau này phát hiện ra. Họ biến Bạch Mã-nơi rừng núi nguyên sơ, hiểm trở nhưng có hệ động-thực vật hết sức phong phú cần bảo tồn, đồng thời có khí hậu quanh năm chẳng khác gì mấy xứ sở trời Tây-thành nơi nghỉ dưỡng, tham quan phục vụ cho những công chức của chế độ đương thời hàng năm, thay vì phải về… cố quốc. Vì vậy mà ngay từ đầu những năm 1925, họ đã đổ tiền của vào đây để xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với một khu nghỉ dưỡng cùng hệ thống đường sá, các ngôi biệt thự khép kín hoành tráng nguy nga, tráng lệ. Sau ngày thống nhất đất nước (1975), Bạch Mã tiếp tục nhận được đầu tư từ Trung ương và địa phương, nhất là từ khi Bạch Mã được quy hoạch trở thành Vườn Quốc gia.

Tôi theo chân các đồng nghiệp xứ Huế lên đỉnh Bạch Mã. Lách theo một con đường nhỏ, quanh co, lên dốc, lội suối chừng trên dưới 5 cây số trong rừng nguyên sinh đầy tiếng chim hót, nước chảy, thác reo… tôi chợt nhớ về thời xa xưa với những con đường giao liên, vận tải dọc ngang Trường Sơn hùng vĩ. Chỉ có chừng ấy cây số lội rừng già Bạch Mã thôi mà tôi ngỡ mình đã lạc về quá khứ, với hàng ngàn cây số đường rừng mà tôi đã từng đi qua trong những tháng năm chiến tranh thời chống Mỹ. Đêm về, trong những ngôi biệt thự sang trọng, chúng tôi được làm khách VIP. Ở đấy không điều hòa nhiệt độ, chẳng có chiếc quạt nào, lại tù mù với những cây nến có vẻ… leo lét lắm; điện không thiếu, nhưng chúng tôi muốn thế. Vậy mà mọi người vô cùng thích thú, có gì thích thú hơn khi được gửi bao giấc mơ vào núi rừng trùng điệp, mênh mông hùng vĩ ở một độ cao lưng trời như thế.

Trở lại chuyện về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-“nóc nhà” của Gia Lai. Kon Ka Kinh “sinh sau đẻ muộn”, mọi thứ còn bao thua thiệt với nhiều “đàn anh” trong nước về đầu tư, bảo tồn, phát triển và khai thác. Thế nhưng ở trập trùng rừng sâu núi thẳm này vẫn không thua kém về tài nguyên rừng, sản vật dưới tán rừng, dưới mặt đất, và đặc biệt còn có những loài chim thú, động vật bò sát… đa dạng, phong phú, nhiều loài nằm trong Sách Đỏ của thế giới và Việt Nam như voọc chà vá chân xám. Có những loài mới phát hiện như khướu Kon Ka Kinh, loài này nằm trong họ nhà chim Timaliidae quý hiếm của thế giới; nếu được một lần nghe chúng cất tiếng hót thánh thót giữa rừng, có thể bạn cũng như tôi, sẽ chẳng muốn rời khỏi rừng. Và ở đâu trên mảnh đất hình chữ S này, kể cả phía nước bạn Lào và Campuchia chẳng có cây thuốc quý-mật nhân. Tuy thế, mật nhân ở Kon Ka Kinh với độ cao mơ ước ấy (1.748 m) có thể sánh với nhiều loại sâm-Alipas chẳng hạn. Là người “sở hữu” Kon Ka Kinh, tôi cho rằng ở đây có thể còn có nhiều thứ quý hiếm hơn thế nữa mà các nhà khoa học chưa phát hiện.

Trong chuyến đi mới hồi cuối năm trước về Kon Ka Kinh như đã nói trên, chúng tôi còn được cho thưởng thức món rượu “bí mật”, được chủ nhà gọi là rượu sâm Kon Ka Kinh, nó còn hơn cả mật nhân hay Alipas. Nghe đến từ “sâm”, những người già và yếu chúng tôi như được tiếp thêm sức uống, càng uống càng… thèm. Một bữa cơm trưa đạm bạc mà chủ vườn đãi khách đáng để nhớ đời cũng bởi loại thức uống có một không hai này. Anh Nguyễn Văn Hoan-Giám đốc Vườn, người từng gắn bó nơi đây hàng chục năm, bảo với chúng tôi, đấy là loại rượu đang trong thời kỳ… thử nghiệm, chưa có ngoài thị trường, “độc quyền đấy các anh ạ”-anh nói thế.

Gì thì gì chứ so với Bạch Mã ở xứ Thần Kinh, thì ở “nóc nhà” của Gia Lai còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Nhưng trước mắt còn nhiều việc phải làm. Trước tiên, cần có sự đầu tư, phải tốn nhiều tiền, phải có những con người tâm huyết với thiên nhiên, hết lòng với rừng, với đất và nước. Được biết lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo lập đề án khai thác du lịch sinh thái, giới thiệu, quảng bá, kêu gọi đầu tư đối với Kon Ka Kinh, nhưng mọi thứ vẫn chỉ là… tiềm năng. Công tác bảo vệ rừng, giữ đất, giữ tài nguyên còn có nhiều bất cập, lâm tặc, những kẻ săn bắn thú rừng vẫn lén lút xâm nhập vào rừng quốc gia; nhất là ở những vùng đệm, người dân còn phá rừng trồng cây công nghiệp trái phép… Với diện tích trên 42 ngàn ha, nằm trải rộng trên địa bàn của 3 huyện mà chỉ chưa đầy 100 người làm công tác bảo vệ, quản lý thì chắc chắn sẽ không thể kiểm soát hết mọi việc. Cho nên công tác giáo dục, vận động bà con sống quanh vùng đệm tham gia vào việc bảo vệ rừng là điều cần thiết và lâu dài, với một chính sách phù hợp thực tế.

Hy vọng trong tương lai gần, cũng như Bạch Mã, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẽ được tiếp tục đầu tư thích đáng để trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách trong và nước khi ghé Gia Lai. Và hơn thế nữa, các nhà khoa học cần về lại nơi đây tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu về những giá trị hiện hữu và tiềm năng mọi mặt từ Kon Ka Kinh.

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.