Tư vấn tâm lý học đường: Nhu cầu bức thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tư vấn tâm lý học đường là nhu cầu thường trực của học sinh phổ thông. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế-xã hội và nhiều yếu tố khác, công tác này vẫn chưa được tỉnh ta triển khai rộng rãi trong các trường học.
Ngày 18-12-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Theo đó, nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh bao gồm: tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên; tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng-chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác; tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp; tham vấn tâm lý đối với học sinh gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời…
Thông tư nêu rõ: Nhà trường có tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý.
Tuy vậy, quan sát thực tế có thể thấy, rất ít trường phổ thông có phòng tham vấn tâm lý hoặc tổ tư vấn tâm lý cho học sinh. Trong khi đó, nhu cầu được tư vấn tâm lý của các em là rất lớn, thậm chí khao khát được tư vấn nhưng chưa được đáp ứng. Em Trần Lê Hữu Lộc-học sinh lớp 12A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai)-tâm sự: “Ở tuổi 17-18, chúng em phải đối diện với rất nhiều vấn đề. Quan trọng nhất là phương pháp học tập phù hợp và chọn nghề cho đúng với khả năng của mình. Ngoài ra, còn các vấn đề về sức khỏe, các mối quan hệ xã hội, bạn bè, thậm chí cả những điều hệ trọng như: xâm hại tình dục, tự kỷ, trầm cảm… Có rất nhiều áp lực từ gia đình, xã hội cần được giải tỏa, song đa phần chúng em chỉ sống thu mình, âm thầm chịu đựng vì không biết trò chuyện hay tâm sự cùng ai”. Thông thường, khi có những vấn đề khó khăn nảy sinh, các em thường tự tìm hiểu trên mạng, đôi khi hỏi thầy-cô giáo chủ nhiệm, các anh chị lớp trên hoặc người thân trong gia đình tư vấn. Song đa phần các em có cảm giác e ngại, không dám thổ lộ vì sợ bị nhạo báng hoặc bị biến thành trò cười.
 Thành viên Câu lạc bộ Tuổi hồng (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh) tư vấn tâm lý cho học sinh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Thủy Bình
Thành viên Câu lạc bộ Tuổi hồng (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh) tư vấn tâm lý cho học sinh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Thủy Bình
Tư vấn tâm lý cho học sinh là sự hỗ trợ tâm lý, giúp các em nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, từ đó, tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn gặp phải khi đang học tại nhà trường. Tham vấn tâm lý cho học sinh là sự tương tác, trợ giúp tâm lý, can thiệp (khi cần thiết) của cán bộ, giáo viên tư vấn đối với học sinh khi gặp phải tình huống khó khăn trong học tập, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ với người khác hoặc nhận thức bản thân, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự lựa chọn và thực hiện quyết định trong tình huống đó. Có thể nói rằng, học sinh ngày nay có điều kiện học tập tốt hơn, được quan tâm nhiều hơn, song lại phải đối diện với nhiều vấn đề xã hội hơn bao giờ hết. Các em biết quá nhiều thứ, vì thường xuyên “lang thang” trên internet, mạng xã hội, quá tải về thông tin nhưng lại không biết chắt lọc những điều cần thiết cho bản thân dẫn đến dễ bị khủng hoảng về tâm lý khi gặp phải những tình huống thực tế trong đời sống. Em Phạm Trí-lớp 12A2, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng-cho rằng: “Bất kỳ học sinh nào cũng phải đối diện với các vấn đề tâm lý học đường. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do yếu tố khách quan. Những điều này thường đem lại cảm xúc tiêu cực nên tụi em rất cần được các thầy cô từng trải tư vấn, chia sẻ. Nếu được giải đáp thì học sinh có thể phát triển theo một con đường đúng đắn nhất. Em mong muốn nhà trường mở các câu lạc bộ tư vấn tâm lý hay các phòng ban tư vấn mà ở đó có giáo viên được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này”.
Những vấn đề tâm lý mà học sinh phổ thông thường gặp phải như: sự kỳ vọng của gia đình, áp lực trở thành con ngoan, trò giỏi, nghiện game, nghiện mạng xã hội, sự nhầm lẫn giữa tình bạn-tình yêu tuổi học trò, sự khủng hoảng niềm tin trong một xã hội quá nhiều biến động, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc làm ăn của cha mẹ, việc học hành của bản thân... Vì vậy, việc đào tạo những cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý, thành lập các tổ tư vấn, phòng tư vấn… trong trường phổ thông là cần thiết. Song gốc rễ của vấn đề còn ở chỗ, nhà trường-gia đình-xã hội phải dành cho các em sự quan tâm đúng mức, giáo dục các em trên cơ sở của tình yêu thương, thấu hiểu và cảm thông. Trong đó, người thầy không chỉ được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải được đào tạo về tâm lý học lứa tuổi. Người thầy vận dụng khoa học giáo dục vào việc giúp người học phát triển đầy đủ để các em hình thành một nhân cách khỏe khoắn, đẹp đẽ và tự do.
HOÀNG NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm