Những "thủ lĩnh" tình nguyện Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một ngày đầu tháng 7, tôi may mắn được gặp những thủ lĩnh đội, nhóm tình nguyện của 5 tỉnh Tây Nguyên. Họ “hội quân” tại TP. Pleiku trong một đợt tập huấn kỹ năng làm từ thiện để lan tỏa tinh thần “cho đi là còn mãi”.
Những hoạt động ý nghĩa 
Nội dung đợt tập huấn xoay quanh các vấn đề: tình nguyện vì mục tiêu phát triển bền vững, kỹ năng huy động nguồn lực, kỹ năng truyền thông trong hoạt động tình nguyện và chia sẻ kinh nghiệm làm tình nguyện của các thủ lĩnh. Anh Dương Văn Vấn-Trưởng nhóm tình nguyện “Kon Rẫy kết nối và sẻ chia” (tỉnh Kon Tum) nói: “Đây là một đợt sinh hoạt đội, nhóm tình nguyện rất ý nghĩa khi có nhiều kinh nghiệm hay được chia sẻ. Thông qua đó, những trưởng nhóm như chúng tôi học hỏi được nhiều cách làm hay để hoạt động tình nguyện có tính bền vững”.
“Hội chợ 0 đồng” được nhóm Cơm từ thiện Pleiku tổ chức tại huyện Phú Thiện nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 vừa qua. Ảnh: C.T.V
“Hội chợ 0 đồng” được nhóm Cơm từ thiện Pleiku tổ chức tại huyện Phú Thiện nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 vừa qua. Ảnh: C.T.V
Bản thân anh Vấn cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của một thủ lĩnh đã dìu dắt “Kon Rẫy kết nối và sẻ chia” trong suốt 5 năm qua. Theo anh Vấn, người làm thủ lĩnh các đội, nhóm tình nguyện phải là người biết “truyền lửa” nhiệt huyết để lan tỏa tinh thần “cho đi là còn mãi” đến các tình nguyện viên, là người đi đầu trong các hoạt động của nhóm và luôn rõ ràng trong thu chi của từng chương trình thiện nguyện. Trong hoạt động tình nguyện, anh Vấn đánh giá cao giá trị của công tác truyền thông bởi: “Làm truyền thông tốt thì ắt công tác vận động hỗ trợ và phát triển mạng lưới tình nguyện viên sẽ tốt. Tuy nhiên cũng phải thật khéo léo, tránh phô trương”. Với những kinh nghiệm ấy, “Kon Rẫy kết nối và sẻ chia” đã thực hiện được 15 chương trình tình nguyện hướng đến người già, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn, giúp đỡ trẻ em có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường, các gia đình gặp hoạn nạn, hiến máu tình nguyện và các hoạt động xã hội tình nguyện khác với giá trị vật chất lên tới gần 600 triệu đồng, phát triển được 760 tình nguyện viên trong 5 năm qua.
Là sinh viên Y khoa nên chị Vũ Thị Kiều Vân-nhóm trưởng Câu lạc bộ (CLB) Hiến máu nhân đạo Trường Đại học Tây Nguyên cảm thấy vô cùng ý nghĩa với vai trò hiện tại của mình. Sau nhiều năm làm tình nguyện viên của CLB, cô đã được các anh/chị thủ lĩnh đi trước tin tưởng, truyền đạt kinh nghiệm và giao phó trọng trách nhóm trưởng. Hiện nay, ngoài công việc thường xuyên là tổ chức hiến máu, trao tặng nguồn máu cho các bệnh viện thì CLB Hiến máu nhân đạo Trường Đại học Tây Nguyên đã xây dựng được một ngân hàng máu sống hoàn toàn miễn phí, sẵn sàng giúp đỡ các bệnh nhân tại tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đak Lak với hơn 800 tình nguyện viên tham gia. Nói về kinh nghiệm phát triển CLB tình nguyện giàu tính nhân văn này, cô sinh viên Y khoa bày tỏ: “Cách làm của chúng em là chú trọng khâu truyền thông, trước tiên làm lan tỏa được tinh thần cứu người như thể cứu ta của những y-bác sĩ tương lai trong trường”.
Tây Nguyên kết nối 
Làm từ thiện là một công việc đặc thù, nghiêm túc dù không được nhận lương. Hoạt động thiện nguyện trong giai đoạn hiện nay cũng được cho là đang gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi Mạnh Thường Quân và phát triển mạng lưới cộng tác viêc thường xuyên, đặc biệt với những đội, nhóm trẻ, mới được thành lập. Theo chị Lý Thị Hồng Trị-Phó Trưởng ban thường trực mạng lưới tình nguyện khu vực Tây Nguyên, Trưởng nhóm Cơm từ thiện Pleiku, muốn làm từ thiện lâu dài, hiệu quả, ngoài tấm lòng, điều quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm và kỹ năng. Chị Trị chia sẻ: “Để giúp các đội, nhóm từ thiện hoạt động bền vững, mang lại nhiều giá trị an sinh xã hội, giải quyết được khó khăn hiện nay thì theo tôi phải giúp các bạn kết nối lại với nhau. Kết nối các đội, nhóm trong tỉnh và phát triển thành Tây Nguyên kết nối”.
Hiện nay, có khoảng 100 đội, nhóm tình nguyện của 5 tỉnh Tây Nguyên đã tham gia Mạng lưới tình nguyện quốc gia và có sự hỗ trợ lẫn nhau về địa chỉ nhân đạo, vật phẩm làm từ thiện và cả nguồn lực về con người. Anh Ngô Văn Huỳnh-Trưởng nhóm CLB tình nguyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Sự kết nối trong hoạt động từ thiện có ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi đã biết đến các đội, nhóm tình nguyện trong khu vực, CLB của chúng tôi đã sẵn sàng chia sẻ hàng trăm vật phẩm làm từ thiện quyên góp được để hỗ trợ các bạn ở Đak Nông, Đak Lak, Gia Lai tổ chức những chương trình có quy mô hơn. Ngoài ra, khi chúng tôi muốn làm một chương trình thiện nguyện ở địa phương thì mọi việc cũng dễ dàng hơn khi nhận được sự hỗ trợ từ phía các bạn”.
Đánh giá về sự kết nối của các đội, nhóm tình nguyện trong khu vực Tây Nguyên, chị Đỗ Thị Kim Hoa-Giám đốc Mạng lưới tình nguyện quốc gia, người phụ trách đợt tập huấn-khẳng định: “Sự kết nối của các đội, nhóm từ thiện trong khu vực Tây Nguyên đang ngày càng rõ nét thông qua các buổi gặp gỡ sinh hoạt, tập huấn nghiệp vụ làm từ thiện và các hoạt động. Không phải khu vực nào cũng thu hút được con số 100 đội, nhóm từ thiện cùng tham gia Mạng lưới tình nguyện quốc gia như ở Tây Nguyên. Theo tôi, trong thời gian tới, các đội, nhóm cần kết nối hỗ trợ nhau nhiều hơn trong từng hoạt động cụ thể để tạo ra những chương trình có quy mô, có giá trị về vật chất và tạo được dấu ấn, làm lan tỏa tinh thần thiện nguyện trong cộng đồng”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm