Bất cập quy hoạch chồng chéo, huyện Bình Chánh tìm hướng đi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước những bất cập về quy hoạch xen cài, chồng lấn kìm hãm sự phát triển cũng như cuộc sống người dân, H.Bình Chánh lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch đô thị với tầm nhìn dài hạn để tìm hướng đi mới.
Ngày 21.11, UBND H.Bình Chánh phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM tổ chức hội thảo tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh thông tin Bình Chánh là 1 trong 5 huyện ngoại thành của TP.HCM, rộng hơn 25.255 ha, bằng 12% diện tích tự nhiên của thành phố. Nằm ở cửa ngõ phía tây nam, huyện có 15 xã và 1 thị trấn, dân số hơn 846.000 người, phân bố không đều, xã ít dân nhất là xã Bình Lợi với 13.000 người còn 2 xã đông nhất là Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B mỗi xã lên đến 160.000 người.
Lãng phí nguồn lực đất đai
Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế công nghiệp – xây dựng, thương mại, dịch vụ - nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, duy trì tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 là 20,5%.

Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh đánh giá việc điều chỉnh quy hoạch sẽ khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của huyện trong những năm tới. Ảnh: Sỹ Đông
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh đánh giá việc điều chỉnh quy hoạch sẽ khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của huyện trong những năm tới. Ảnh: Sỹ Đông
Bên cạnh những lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, đất đai, giao thông và sông rạch, Bình Chánh đang phải đối mặt với tốc độ đô thị nhanh, dân số tăng cơ học hằng năm trên 30.000 người, trên 150.000 công nhân sinh sống trên địa bàn. Điều này khiến hạ tầng, nhà ở, khu lưu trú chưa đáp ứng kịp thời là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều sai phạm trong quản lý nhà, đất.
Trong khi đó, đồ án quy hoạch chung của huyện từ năm 2012 đến nay không còn phù hợp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch xây dựng nông thôn mới chồng chéo. Tỷ lệ cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, đất nông nghiệp chiếm hơn 58% đất tự nhiên ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Ông Nam cho biết thành phố đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Việc lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng Bình Chánh sẽ khắc phục sự chồng chéo, bất cập trong các đồ án quy hoạch hiện nay, qua đó khắc phục những sai phạm về nhà đất dẫn đến phá vỡ quy hoạch và đáp ứng phát triển giai đoạn tới.
Theo ông Nam, mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính của huyện, xã không còn phù hợp với tốc độ đô thị hóa và sự phát triển kinh tế của huyện. Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định mục tiêu chuyển huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 - 2030.

Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh sầm uất không khác gì một phường ở khu vực trung tâm thành phố. Ảnh: Ngọc Dương
Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh sầm uất không khác gì một phường ở khu vực trung tâm thành phố. Ảnh: Ngọc Dương
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT nhìn nhận đặc điểm của Bình Chánh vừa có đô thị, vừa có nông thôn, là khớp nối với Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc điểm tự nhiên hệ thống sông ngòi chằng chịt, đan xen sẽ không thể tách rời khi phát triển đô thị, không thể san lấp.
Nếu không quy hoạch lại, Bình Chánh sẽ không thể phát triển
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng nêu thực tế các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Tân Nhựt có tốc độ phát triển dân cư nhanh, quy hoạch là đất nông nghiệp nhưng thực tế đã là nhà ở hết rồi. Chưa kể, các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới… có xen cài, chồng lấn, nếu không giải quyết được thì khó lên quận hoặc thành phố. Nếu không giải quyết được bài toán về quy hoạch cũng sẽ khó thực hiện Chỉ thị 23/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường quản lý trật tự xây dựng.
Ông Quân cho rằng để Bình Chánh phát triển thành đô thị cần hoàn thành các chỉ tiêu, quan trọng nhất là giao thông, và rất cần sự quan tâm đầu tư của thành phố. Có thể kể đến tuyến đường đi về các tỉnh có con đường độc đạo như quốc lộ 50, vừa qua được HĐND TP.HCM thông qua, nhưng một mình quốc lộ 50 là không đủ mà cần thêm tuyến vành đai 3.
Điển hình là vành đai 3 đoạn từ Võ Văn Kiệt đến Võ Trần Chí, kết nối vào cao tốc TP.HCM – Trung Lương còn đoạn ngắn 3km nhưng đang bị 'đứng hình', nếu làm sớm thì giao thương từ TP.HCM đi các tỉnh Tây Nam bộ sẽ thuận lợi.

GS-TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Bình Chánh cần xác định thông điệp rõ ràng về định hướng phát triển để thu hút đầu tư. Ảnh: Sỹ Đông
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Bình Chánh cần xác định thông điệp rõ ràng về định hướng phát triển để thu hút đầu tư. Ảnh: Sỹ Đông
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quy hoạch đô thị cùng chung đánh giá tiềm năng và lợi thế của Bình Chánh rất lớn, điều quan trọng là xác định hướng đi mới và những cơ chế, chính sách khác biệt để tạo sự đột phá.
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM nêu thực tế quỹ đất nông nghiệp của Bình Chánh chỉ đóng góp 1,9% là điều lãng phí, cần tính toán lại mục đích sử dụng cho hiệu quả. Đất dành cho khu công nghiệp trên địa bàn được quy hoạch 2.117 ha nhưng mới dùng 22%, đến 78% còn lại chưa sử dụng cũng là lãng phí, bởi nếu triển khai được khu công nghiệp thì doanh nghiệp sẵn sàng đến đây.
Ông Nhân cũng chỉ ra các tiêu chí về đô thị mà H.Bình Chánh chưa đáp ứng được như: thu nhập, diện tích nhà ở, đất giao thông, đất cây xanh… đồng thời cho rằng phải đưa quy hoạch để khắc phục và cố gắng hoàn thành trong nhiệm kỳ này.
Để thu hút đầu tư, H.Bình Chánh phải có thông điệp rõ ràng là trở thành một đô thị phía tây thành phố, từ huyện trở thành thành quận và thành phố với các điểm nhấn về công nghiệp, dịch vụ thông minh, trung tâm về giải trí, y tế, văn hóa, nhà ở gắn với điều kiện thiên nhiên tốt.
Cũng tại hội thảo, nhiều tham luận đã gợi mở một số hướng đi cho huyện Bình Chánh trong quy hoạch đô thị sắp tới như: hành lang phát triển xanh phía Tây thành phố, ứng phó với ngập lụt và biến đổi khí hậu, mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển nhà ở xã hội cho người nhập cư…
Theo Sỹ Đông (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất, việc tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...