Sửa chữa hạ tầng giao thông tại Gia Lai: Kinh phí ít, nhu cầu nhiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ lâu, nhiều đoạn xuống cấp gây khó khăn cho giao thương, đi lại của người dân. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên công tác duy tu, sửa chữa đường chưa đáp ứng được nhu cầu”-ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) khái quát thực trạng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay.
Hạ tầng giao thông xuống cấp
Tại TP. Pleiku hiện có không ít tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là vào mùa mưa. Có thể kể đến các tuyến đường như: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Chí Thanh, Lạc Long Quân, Anh hùng Đôn, Chu Mạnh Trinh… Trong đó, hư hỏng nặng nề nhất là 2 tuyến đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Chí Thanh.
Mặt đường Phạm Ngọc Thạch (TP. Pleiku)  có những hố sâu đầy nước gây nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông. Ảnh: L.H
Mặt đường Phạm Ngọc Thạch (TP. Pleiku) có những hố sâu đầy nước gây nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông. Ảnh: L.H
Bà Lê Thị Kiều Sơn (177 Phạm Ngọc Thạch) bức xúc nói: “Tôi sống ở đây từ ngày giải phóng nhưng chưa bao giờ thấy việc đi lại trên tuyến đường Phạm Ngọc Thạch vất vả, nguy hiểm như mấy năm nay. Mặt đường bị cày nát, chi chít hố. Mùa mưa, đường nhìn như một chuỗi nối tiếp các ao nước lớn nhỏ, người đi đường phải chạy xe lòng vòng trên những “sống trâu” rất nguy hiểm”. Đặc biệt, đoạn từ ngã tư Phạm Ngọc Thạch-Lê Đại Hành trở về cuối đường, hơn 1 năm qua, hễ mưa lớn chừng 1-2 tiếng đồng hồ lại bị ngập sâu. Tại đây còn có một cây cầu nhỏ vượt suối. Những lúc mưa to, nước dâng cao và chảy xiết, người dân không thể lưu thông qua, buộc phải chờ nước rút mới tiếp tục đi. Vì đường xấu, từ năm ngoái đến nay, một số tuyến xe đưa đón học sinh đã không còn chạy vào mà chỉ dừng đón/trả các em ngoài đầu đường Lê Đại Hành. Người dân kiến nghị nhiều lần, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức họp dân thông báo chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến đường nhưng đến nay tình hình vẫn chưa có gì thay đổi.
Tương tự, tại đường Nguyễn Chí Thanh, tình trạng hư hỏng cũng đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhất là đoạn chạy qua làng Chuét (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Tại đây đã có những vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người do đường xấu. Anh Nguyễn Đức Thìn (thôn 4, xã Chư Á, TP. Pleiku) cho biết: “Nhà tôi có 2 con học ở Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng và Trường THCS Lý Tự Trọng nên hàng ngày phải đưa đón các cháu trên con đường này. Do đoạn đường có nhiều hố sâu, lưu lượng xe tải lớn chạy qua lại nhiều nên khi lưu thông qua đây rất nguy hiểm”. Trong chuyến đi thực tế đường Nguyễn Chí Thanh mới đây, chúng tôi tận mắt thấy những đoạn đường lầy lội, bề mặt bị cày nát, trơn trượt khiến xe cộ đi lại gần như phải “bò” qua. Tại đoạn ngay ngã tư Nguyễn Chí Thanh-Nguyễn Bá Lại có một hố sâu giữa đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với người tham gia giao thông. Những người dân sống gần đó đã phải cắm nguyên một chiếc ghế ngồi vào vị trí chiếc hố để cảnh báo người và phương tiện qua lại.
Không chỉ ở TP. Pleiku, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Có thể kể đến nhiều đoạn thuộc tuyến quốc lộ 19, 25; các tuyến tỉnh lộ 661, 664, 665, 666, 667, 669… Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT cho biết: Ngoại trừ quốc lộ 14C đang trong quá trình triển khai thi công thì 4 tuyến quốc lộ còn lại gồm: 19, 19D, 25 và đường Trường Sơn Đông cũng như 12 tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đều đã được xây dựng từ lâu nên nhiều đoạn xuống cấp, quá thời hạn sửa chữa định kỳ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc duy tu, sửa chữa hàng năm chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế.
“Liệu cơm, gắp mắm”
“Hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Với thực trạng hạ tầng giao thông hạn chế như hiện nay, rõ ràng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hạ tầng không đảm bảo còn là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông của tỉnh còn ở mức cao”-ông Lê Văn Hạnh nhận định.
Mặt đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) chi chít ổ gà, ổ voi. Ảnh: L.H
Mặt đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) chi chít ổ gà, ổ voi. Ảnh: L.H
 
Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku: “Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị quản lý thực hiện san rải cấp phối tại các vị trí mặt đường hư hỏng nặng trên đường Phạm Ngọc Thạch để người dân đi lại thuận tiện, an toàn. Tuy nhiên, do mưa nhiều, lượng phương tiện tải trọng lớn qua lại nhiều khiến đường tiếp tục hư hỏng. Việc đầu tư nâng cấp đường Phạm Ngọc Thạch cần nguồn kinh phí lớn (gần 25 tỷ đồng), do vậy UBND thành phố chưa đảm bảo ngân sách. Trước mắt, UBND thành phố giao Phòng Quản lý Đô thị tiến hành sửa chữa, đảm bảo việc giao thương, đi lại của người dân. Riêng đường Nguyễn Chí Thanh đã được Bộ GT-VT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh mục các tuyến đường đề nghị đầu tư tại Công văn số 9144/BGTVT-KHĐT ngày 17-8-2018 về việc “Cải tạo các tuyến đường địa phương kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và Bình Phước” với tổng mức đầu tư dự kiến là 25 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2018-2020”.

Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn hiện nay, việc đầu tư làm mới các tuyến tỉnh lộ là một khó khăn đối với tỉnh ta. Do đó, việc đầu tư duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông là giải pháp phù hợp, tiết kiệm nhất. Năm 2018, kinh phí bảo trì đường bộ được Trung ương phân bổ về cho tỉnh để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa đường bộ là 29 tỷ đồng; năm 2019 là 39 tỷ đồng. Con số này so với tổng chiều dài 247 km tỉnh lộ đã cũ và xuống cấp, lưu lượng giao thông ngày một tăng là rất khiêm tốn, chỉ đáp ứng được một phần. “Nguồn kinh phí từ quỹ bảo trì đường bộ chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Thực tế, năm 2018, Sở đã phải tham mưu UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh trích một phần từ nguồn ngân sách địa phương để có thêm kinh phí duy tu, sửa chữa đường nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân”-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT chia sẻ.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 11.060 km tỉnh lộ, đường đô thị, đường huyện, đường chuyên dùng, đường liên thôn, liên xã (không tính các tuyến quốc lộ do Trung ương quản lý). Hệ thống đường giao thông huyết mạch trải rộng, chất lượng hạ tầng phần nhiều đã xuống cấp. Trong khi đó, ngân sách các địa phương hạn hẹp khiến công tác đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông gặp khó khăn. “Từ góc độ của Sở, chúng tôi đề nghị HĐND các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương để sửa chữa, duy tu nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả và lâu dài các tuyến đường trong phạm vi quản lý”-ông Hạnh nêu quan điểm.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất, việc tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...