Chàng trai bỏ phố về quê "hồi sinh" chè An Bằng nức tiếng xứ Quảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vùng chè xanh Đại Thạnh được hợp thành từ 3 thôn An Bằng, Tây Lễ và Mỹ Lễ với tổng diện tích khoảng 30ha. Trong đó, thôn An Bằng là vùng trồng chè lớn nhất hiện nay, với diện tích 20ha chè xanh.
Xã Đại Thạnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) được người dân gần xa biết đến là vùng trồng chè thơm ngon có tuổi thọ hàng trăm năm. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, cây chè ngày càng lép vế và dần bị thay thế bởi những loại cây trồng khác. Nhìn thấy những vườn chè đặc sản dần biến mất, chàng trai Ngô Văn Chi không đành lòng và đã mạnh dạn bỏ công việc ở thành phố về quê khôi phục lại vùng chè An Bằng.
Liên kết, giúp người dân thu nhập ổn định
Vùng chè xanh Đại Thạnh được hợp thành từ 3 thôn An Bằng, Tây Lễ và Mỹ Lễ với tổng diện tích khoảng 30ha. Trong đó, thôn An Bằng là vùng trồng chè lớn nhất hiện nay, với diện tích 20ha chè xanh. Tại đây chỉ còn gần 100 hộ trồng chè, đa số người dân đã chuyển sang trồng cây keo, hoặc làm những công việc khác để mưu sinh.

Anh Ngô Văn Chi đã rời bỏ công việc ở thành phố, để về quê đầu tư và khôi phục vùng chè An Bằng, xã Đại Thạnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Anh Ngô Văn Chi đã rời bỏ công việc ở thành phố, để về quê đầu tư và khôi phục vùng chè An Bằng, xã Đại Thạnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Trước đây, chè An Bằng chủ yếu được bán lá tươi cho thương lái về bán tại các chợ, phương pháp làm chè khô cũng dần bị mai một và quên lãng. Chính vì thế, tháng 3/2019, anh Ngô Văn Chi (33 tuổi, trú thôn An Bằng, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã quyết định về quê thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Đại Thạnh Phát, để khôi phục lại vùng trồng chè Đại Thạnh nổi danh một thời.
Đến tháng 8/2019, anh Chi cùng 6 thành viên khác trong HTX có cơ hội tham gia dự án sản xuất chè An Bằng theo chuỗi liên kết giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm do UBND xã Đại Thạnh hỗ trợ vốn 245 triệu đồng. Từ nguồn lực quý báu này, HTX Đại Thạnh Phát đã đầu tư máy móc sản xuất, vườn ươm cây giống, phân bón và hệ thống nước tưới cho nhiều hộ dân trồng chè tại thôn An Bằng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Ngô Văn Chi chia sẻ: "Vùng chè An Bằng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh, nhưng vì lợi nhuận thấp nên bà con chuyển sang trồng cây keo khiến thương hiệu chè xanh An Bằng dần mất đi. Từ đó, tôi trăn trở và quyết định bỏ công việc kỹ thuật điện để về quê hợp tác khôi phục và phát triển sản phẩm chè An Bằng theo một hướng hoàn toàn mới, đó là liên kết phát triển vùng chè nguyên liệu, chế biến các sản phẩm mới từ chè và lấy tên Bancha An Bằng".

Chè Bancha An Bằng chứa lượng caffein rất ít nên hạn chế chứng mất ngủ, giúp tiêu hóa tốt, điều hòa thân nhiệt, trợ tim, bổ thần kinh…
Chè Bancha An Bằng chứa lượng caffein rất ít nên hạn chế chứng mất ngủ, giúp tiêu hóa tốt, điều hòa thân nhiệt, trợ tim, bổ thần kinh…
Ông Đoàn Ngọc Hà (60 tuổi, ở thôn An Bằng, xã Đại Thạnh) cho biết, trước đây chè An Bằng thơm ngon nức tiếng xứ Quảng, nhưng theo thời gian nghề trồng chè không còn thịnh như trước, đặc biệt là đầu ra khó khăn hơn do phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm chè công nghiệp, chè làm từ các loại nguyên liệu khác. 
Bản thân ông Hà đã có hơn 40 năm trồng chè, với diện tích 5 sào (trong đó có 2 sào mới khôi phục, chưa khai thác), nhưng do đầu ra không ổn định nên gia đình ông chỉ sản xuất cầm chừng, trồng vì đam mê và gìn giữ nghề truyền thống, chứ so với một số cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế kém hơn.
"Từ ngày HTX Đại Thạnh Phát ra đời, HTX đã bao tiêu sản phẩm, đảm bảo thu gom toàn bộ số chè của gia đình tôi làm ra với giá đúng như cam kết. Bên cạnh đó, HTX còn hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ giống…, nhờ đó gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định khoảng 3-4 triệu đồng/tháng từ cây chè"- ông Hà hồ hởi nói.
Hồi sinh vùng chè An Bằng
Được biết, sản phẩm chè Bancha An Bằng của HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Đại Thạnh Phát được UBND xã Đại Thành chọn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Nam năm 2020. Hiện chè Bancha đang được địa phương đầu tư trọng điểm, hướng đến xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, cũng như khôi phục lại sản phẩm chè An Bằng từng vang bóng một thời.

Bên cạnh việc vận động bà con nông dân tiếp tục gắn bó với cây chè, mở rộng quy mô, HTX Đại Thạnh Phát còn hỗ trợ kỹ thuật trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân, đồng thời cam kết bao tiêu lá chè tươi cho 15 hộ dân tại thôn An Bằng với giá dao động từ 15.000-18.000 đồng/kg. 

Điều này đã giúp vùng chè ở Đại Thạnh dần hồi sinh, người trồng chè có thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.
Anh Chi cho hay, để thương hiệu chè Bancha An Bằng phát triển thì phải đầu tư nhiều máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào khâu chế biến nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời phải giữ được nét đặc trưng riêng của chè An Bằng là chế biến theo phương pháp truyền thống, có màu sắc đẹp, thơm dịu và ngọt.
Theo đó, các sản phẩm chè Bancha An Bằng được hái từ lá chè già, rửa sạch, phơi héo, giã, ủ, băm thủ công hết sức tỉ mỉ và sấy theo quy trình nghiêm ngặt. Sau đó, lá chè khô được đóng gói với bao bì có nhãn mác, mã vạch. Với sự đầu tư chăm chút đó, sản phẩm chè An Bằng được bán với giá 600.000 đồng/kg, xuất bán đi nhiều nơi như Đà Nẵng, TP. HCM, Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam)…
"Tuy HTX mới thành lập nhưng dự án phát triển vùng trồng chè và thương hiệu chè Bancha An Bằng đã bước đầu có những tín hiệu đáng mừng. Người dân đã chú trọng chăm sóc thâm canh cây chè, đảm bảo nguyên liệu làm chè khô luôn an toàn, sạch sẽ. Bên cạnh đó, tôi cũng đã giải quyết việc làm cho một số lao động chế biến chè tại HTX với mức lương 6.000.000 đồng/tháng…"-anh Chi vui vẻ nói.
Hiện nay, mỗi tháng HTX Đại Thạnh Phát thu mua hơn 3 tấn chè tươi và xuất bán 300kg chè Bancha An Bằng ra thị trường, thu lãi 40 triệu đồng. Ngoài ra, anh Chi cũng tích cực trồng thử nghiệm và ươm giống chè để mở rộng vùng nguyên liệu, hoặc xuất bán cây giống cho một số nơi khác.
Anh Chi tâm sự, HTX mới thành lập nên còn nhiều khó khăn trong quá trình ổn định sản xuất, nhất là khâu tìm kiếm thị trường. Do đó, việc mở rộng quy mô vùng chè nguyên liệu tại chỗ, kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến sẽ giúp chè Bancha An Bằng sớm sản xuất ổn định, có chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ.
Trần Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.