Cần cuộc 'cách mạng xanh' cho du lịch Việt phục hồi hậu COVID-19?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có thể nói COVID-19 đã dồn toàn bộ nền công nghiệp không khói vào "chân tường." Trước cơn "bão hủy diệt" đó tất cả chợt bừng tỉnh nhận ra không thể chậm trễ hơn để làm một cuộc “cách mạng xanh.”

Văn hóa bản địa là yếu tố được dự báo sẽ tạo sức hút mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam thời gian tới. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Văn hóa bản địa là yếu tố được dự báo sẽ tạo sức hút mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam thời gian tới. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Thời gian qua, nhiều “thành trì” vững chãi đã tan hoang vì dịch bệnh. Mặc dù chưa có cách để hoàn toàn thoát khỏi “cơn bão hủy diệt” COVID-19, nhưng các chuyên gia cũng như lãnh đạo ngành du lịch đã bắt đầu tính toán lộ trình phục hồi dài hơi hơn và có trọng tâm, trọng điểm cho nền kinh tế xanh.
Năm năm tới (2021-2025) được xác định là giai đoạn du lịch cần được xốc lại đồng bộ để phục hồi và phát triển bứt phá sau đại dịch, trong đó sản phẩm du lịch là vấn đề cốt lõi cần hoàn thiện nếu muốn thiết lập các hoạt động liên quan.
Đa dạng "món ăn" từ văn hóa bản địa
Không phải tới khi dịch bệnh ập đến câu chuyện xây dựng một hệ thống sản phẩm du lịch sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thị trường mới được bàn tới, nhưng có lẽ phải khi bị dồn vào “chân tường” tất cả mới bừng tỉnh. Bừng tỉnh nhận ra không thể chậm trễ hơn để làm một cuộc “cách mạng xanh.”
Theo Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, ông Phùng Quang Thắng, mỗi giai đoạn phát triển nhất định cần đánh giá và xác định sản phẩm chủ đạo để tạo ra cú hích, lợi thế cạnh tranh, thương hiệu du lịch, hiệu quả kinh tế và thúc đẩy các loại hình sản phẩm du lịch khác phát triển theo.

Các khu vui chơi giải trí ở vùng biển góp phần kéo dài thời gian lưu trú của du khách. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Các khu vui chơi giải trí ở vùng biển góp phần kéo dài thời gian lưu trú của du khách. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Là chuyên gia lâu năm trong nghề, ông Thắng cho rằng với những thế mạnh về tài nguyên và các nguồn lực khác, sản phẩm du lịch biển, đảo và du lịch văn hóa chính là mạch nguồn cho phát triển du lịch giai đoạn tới.
Bởi lẽ biển, đảo Việt Nam có lợi thế tạo nhiều sức hút cho điểm đến như rất gần điểm du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch nông nghiệp, sân golf… Hơn nữa, phần lớn các khu du lịch biển hiện nay đều được đầu tư lớn, đồng bộ với nhiều dịch vụ, kể cả vui chơi giải trí nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Khám phá văn hóa bản địa đang là xu hướng được số đông lựa chọn và nhu cầu này lại là thế mạnh của văn hóa đa sắc tộc Việt Nam. Đặc biệt, lợi thế văn hóa ẩm thực phong phú, hấp dẫn, đã có những món ăn nổi tiếng thế giới như phở, nem, bánh mỳ… sẽ giúp hệ thống sản phẩm của du lịch trong nước chinh phục cả những du khách khó tính.
Nhiều chuyên gia nhận định muốn du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch, muốn lượng du khách quốc tế và nội địa tăng trưởng mạnh, cần xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa mang giá trị cốt lõi, là bản sắc độc đáo của mỗi địa phương và đặc biệt phải có tính sáng tạo cao.
Chẳng phải đâu xa, cứ nhìn sang những người bạn láng giềng để học hỏi cách mà họ đưa văn hóa nghệ thuật trở thành sản phẩm trình diễn ăn khách, mới thấy chúng ta đã bỏ phí nguồn tài nguyên văn hóa cho khai thác du lịch thế nào.

Du lịch xanh gắn với văn hóa bản địa là xu hướng du lịch hậu COVID-19. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Du lịch xanh gắn với văn hóa bản địa là xu hướng du lịch hậu COVID-19. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Trương Nghệ Mưu với các chương trình nghệ thuật hoành tráng của ông đã “làm mưa làm gió” ở Trung Quốc bao năm qua; hay các chương trình biểu diễn The Queen’s Banquet Show, Ba Silla, Pang Show, Jump Show ở Hàn Quốc; Show Cookin’ Nanta, Bangkok Siam Niramit, Show Calypso Cabaret Bangkok, Show trình diễn voi và cá sấu tại Samphran, Show Muay Thái ở Thái Lan… luôn chật kín khách nước ngoài, tạo nguồn thu lớn cho du lịch nước sở tại.
Đáng tiếc ở Việt Nam, sản phẩm du lịch gắn với loại hình biểu diễn văn hóa nghệ thuật chưa nhiều, quy mô còn khiêm tốn như: Rối nước Thăng Long, Ấn tượng Hội An, Tinh hoa Bắc Bộ, À ố show, múa cung đình Huế, Du ca đất Việt Nam, Làng tôi…
Thực tế trên cứ mãi dai dẳng là bởi mặc dù chủ trương từ phía các cơ quan quản lý thì có nhưng thiếu “nhạc trưởng” và sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa các đơn vị văn hóa nghệ thuật và du lịch.
Mở lối cho công nghiệp sáng tạo
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng thời điểm này việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa chính là cách hiệu quả để tạo ra cơ hội mới, nguyên liệu mới, sản phẩm và dịch vụ mới nhằm thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa nói riêng, ngành kinh tế xanh nói chung.
Song, thời điểm này việc đầu tư vào công nghiệp văn hóa phải bỏ “tiền tấn” trong thời gian dài mà chỉ thu về “tiền lẻ” nên các nhà đầu tư mới không mấy mặn mà.

Khám phá văn hóa bản địa đang là xu hướng được số đông lựa chọn và nhu cầu này lại là thế mạnh của văn hóa đa sắc tộc Việt Nam. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Khám phá văn hóa bản địa đang là xu hướng được số đông lựa chọn và nhu cầu này lại là thế mạnh của văn hóa đa sắc tộc Việt Nam. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Tuy nhiên, trong lộ trình phục hồi du lịch, lãnh đạo ngành khẳng định cần thiết phải phát triển công nghiệp văn hóa. Vậy, lộ trình này sẽ phải bắt đầu từ đâu và làm thế nào cho bền vững?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tiến sỹ Hà Văn Siêu cho biết muốn thu hút đầu tư vào công nghiệp văn hóa, trước tiên cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình phục vụ dân sinh để tạo thuận lợi phát triển du lịch văn hóa.
“Nhà nước cần ban hành chính sách cụ thể, xây dựng đề án quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn… đồng thời xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo sẵn có lợi thế, tiềm năng. Cần kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực thế mạnh…,” ông Siêu nói.
Trong lộ trình phát triển, chắc chắn không thể thiếu việc đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công-tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa.

Hy vọng một tương lai tươi sáng sớm trở lại với ngành du lịch. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Hy vọng một tương lai tươi sáng sớm trở lại với ngành du lịch. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Chuyên gia du lịch còn cho rằng cần có chiến lược đào tạo đội ngũ kế cận có trình độ chuyên môn cao, am hiểu về công nghiệp văn hóa và biết áp dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh đổi mới và áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa. Đặc biệt, ngành du lịch cần xây dựng và phát triển các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam tại các sự kiện quốc tế.
Để các hoạt động có thể trơn tru, quan trọng nhất là các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo môi trường, điều kiện thông thoáng nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của từng địa phương gắn với phát triển du lịch, từ đó mới có thể gia tăng giá trị kinh tế đồng thời quảng bá hình ảnh con người, đất nước và văn hóa Việt Nam.
Mới đây, trong buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đề nghị Bộ này phải đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi truyền thống văn hóa-lịch sử là một nguồn lực, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống lịch sử dân tộc, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Điều này cho thấy, Chính phủ và các cấp quản lý nhà nước đều đã xác định lộ trình cho du lịch Việt phục hồi hậu COVID-19 và công nghiệp văn hóa chính là chiếc “chìa khóa vàng".
Mai Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.