Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết năm 2018, cả nước đã có 24 trường hợp nộp lại quà tặng, với tổng giá trị là 421 triệu đồng.
Chiều nay 5-9, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) họp phiên toàn thể cho ý kiến đối với báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 của Chính phủ
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết số người đã kê khai tài sản, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm (năm 2016 phát hiện 5 trường hợp vi phạm).
Đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp tại TP HCM, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp tại TP Hà Nội. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà cho cấp trên.
"Năm 2018, cả nước đã có 24 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 421 triệu đồng"- ông Liêm nhấn mạnh.
Cũng trong năm 2018, có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, theo đó, đứng đầu là tỉnh Điện Biên với 5 người, Quảng Trị 4 người; các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đồng Tháp... mỗi tỉnh 2 người; các tỉnh Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Thái Nguyên, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cà Mau mỗi tỉnh 1 người. Trong đó, 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.
Về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 21 đối tượng (tăng 26,7% số vụ); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 67 vụ, 76 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng tăng 52,2% số vụ). Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 34 vụ, 63 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 100% số vụ).
Đối với các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, Bộ Công an giao Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thụ lý 27 vụ án, xác minh 19 vụ việc, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công thụ lý điều tra 2 vụ án, 2 vụ việc và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý 1 vụ việc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Theo đó, một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN.
Chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp. Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc.
Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo Chính phủ về công tác PCTN năm 2018 do Nhóm Nghiên cứu PCTN của UBTP thực hiện, Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Mạnh Cường cho biết theo báo cáo của Chính phủ, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2018 là 1.136.902 người, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai, số bản kê khai đã công khai là 1.134.685 bản, đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản kê khai.
"Năm 2018 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 44 người/1.136.902 người đã kê khai, việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm (giảm 56,4% so với năm 2017). Kết quả xác minh phát hiện 6 trường hợp vi phạm, tăng 1 trường họp so với năm 2017"- ông Cường nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường họp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định nhưng không bị kỷ luật... Thực trạng việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua cho thấy, việc tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém, nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng không bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, pháp luật hiện hành còn thiếu các biện pháp bảo đảm hiệu quả việc kê khai, nhất là các biện pháp kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nói riêng và của tòa xã hội nói chung; việc thực hiện thanh toán qua tài khoản, thanh toán không dùng tiền mặt kết quả còn hạn chế; chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường họp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được.
Thiệt hại hơn 8.800 tỉ đồng, trên 12.000m2 đất Báo cáo PCTN của Chính phủ nêu rõ toà án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 313 vụ với 774 bị cáo (giảm 9,2% số vụ); đã xét xử sơ thẩm 157 vụ, 398 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 49,5% (giảm 0,2% so với cùng kỳ). Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017). Đáng chú ý, thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý là hơn 8.800 tỉ đồng, trên 12.000m2 đất, đã thu hồi trên 2.200 tỉ đồng và nhiều tài sản. |
Thế Dũng (NLĐO)