Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 29-6 với các môn: Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên (Vật lý-Hóa học-Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử-Địa lý-Giáo dục công dân) và Ngoại ngữ.
Theo thống kê, Gia Lai có khoảng 15.344 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 14.465 thí sinh đang học lớp 12 và 879 thí sinh tự do. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, Sở GD-ĐT dự kiến tổ chức 41 điểm thi chính thức và ít nhất 1 điểm thi dự phòng ở mỗi huyện, thị xã, thành phố.
Cô Lê Thị Thanh Hoa (thứ 2 từ phải sang)-Giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Chư Sê) cùng đồng nghiệp thực hành trên phần mềm hệ thống quản lý thi. Ảnh: M.T |
Xác định tính chất quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong dạy học, ôn tập. Cùng với đó, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công kỳ thi tại tỉnh, đảm bảo an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.
Ngày 23-4 vừa qua, Sở GD-ĐT đã tiến hành tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 lần thứ nhất (hội nghị S1) cho 170 cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các trường có cấp THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Tại đây, các nội dung cơ bản về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024; những vấn đề cần lưu ý trong quy chế thi, trong quá trình tổ chức thi; các mốc thời gian quan trọng của kỳ thi; công tác bảo đảm an toàn, an ninh kỳ thi và cách nhận biết một số thiết bị công nghệ gian lận trong coi thi… đã được đại diện Sở GD-ĐT phổ biến cụ thể cho cán bộ quản lý cũng như giáo viên làm công tác thi.
Ngoài ra, Phòng Quản lý chất lượng và Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT) cũng hướng dẫn cho cán bộ quản lý, giáo viên về nghiệp vụ tổ chức thi; tập huấn phần mềm hệ thống quản lý thi và đăng ký dự thi trực tuyến cho thí sinh…
Với những giáo viên lần đầu tham gia phụ trách nhập dữ liệu đăng ký thi tốt nghiệp THPT, hội nghị tập huấn của Sở GD-ĐT càng trở nên thiết thực, ý nghĩa. Cô Lê Thị Thanh Hoa-Giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Chư Sê) chia sẻ: Được Ban Giám hiệu phân công đảm trách nhiệm vụ mới, tôi gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận phần mềm hệ thống quản lý thi.
Tuy nhiên, sau khi tham gia hội nghị tập huấn cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của đồng nghiệp, tôi đã từng bước làm chủ phần mềm; từ đó có thể hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi đảm bảo tiến độ theo quy định.
Còn với thầy Trần Đại Thắng-Giáo viên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku), người đã có 10 năm kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ này thì hội nghị tập huấn hàng năm là dịp để giáo viên cập nhật, nắm bắt kịp thời những điểm mới cũng như nâng cao trình độ, nghiệp vụ liên quan trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Sau hội nghị, tôi sẽ xây dựng kế hoạch để tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm và tuyên truyền, hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống quản lý thi; cố gắng hạn chế tối đa những sai sót về mặt nhập liệu. Từ ngày 24 đến 28-4, nhà trường sẽ cho các em học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi và bắt đầu đăng ký chính thức từ ngày 2 đến 17 giờ ngày 10-5 theo đúng thời gian quy định của Sở GD-ĐT”-thầy Thắng cho hay.
Thầy Trần Đại Thắng-giáo viên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) hướng dẫn học sinh thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Ảnh: Mộc Trà |
Năm học 2023-2024, Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) có 5 lớp 12 với 199 học sinh. Theo Phó Hiệu trưởng Dương Công Luật, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT cho học sinh theo năng lực và tổ hợp bài thi lựa chọn. Trường đã cử cán bộ, giáo viên tham gia đầy đủ hội nghị tập huấn nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và chủ động nghiên cứu và thực hành nâng cao kỹ năng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
“Sau hội nghị S1, nhà trường sẽ triển khai các nội dung: hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi trực tuyến; chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ thí sinh dự thi; tổ chức 3 đợt thi thử theo đề chung của Sở GD-ĐT và của trường; tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy chế thi cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh; rà soát, bổ sung các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho kỳ thi; đồng thời, lập danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi đúng quy định”-thầy Luật thông tin thêm.
Tại hội nghị, những khó khăn, vướng mắc trong các khâu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mà các trường nêu lên đã được Sở GD-ĐT giải đáp, tháo gỡ. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023.
Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong quy chế để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước tại Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ngày 6-3-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
“Để kỳ thi diễn ra thành công, nghiêm túc, an toàn và đúng quy chế, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm công tác thi sẽ được tập huấn về quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi. Sở GD-ĐT cũng quán triệt các trường tăng cường truyền thông, phổ biến quy chế thi cùng những điểm mới cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tiêu cực, gian lận trong thi cử.
Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp với Phòng PA03 (Công an tỉnh) thành lập trang thông tin tuyên truyền liên quan đến kỳ thi”-Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay.