Viettel hoặc Sài Gòn sáng cửa trở thành nhà vô địch mới của V.League, khi Hà Nội không còn quyền tự quyết.
|
Câu lạc bộ Hà Nội (áo tím) đang bất lợi trong cuộc đua vô địch V.League 2020 với Viettel (áo đỏ). Ảnh: VPF. |
Kết quả 2 trận đấu tối 29.10 tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc đua vô địch V.League 2020. Hà Nội đã không thể đánh bại Viettel trong ngày mừng sinh nhật bầu Hiển, mất luôn quyền tự quyết để bảo vệ ngôi vô địch khi giải chỉ còn 2 vòng đấu.
Hà Nội 33 điểm, kém Sài Gòn (34 điểm) và Viettel (35 điểm). Vòng đấu kế tiếp, nếu Hà Nội không thắng được Sài Gòn đồng thời Viettel đánh bại Than Quảng Ninh, Quang Hải cùng đồng đội sẽ chính thức trở thành cựu vương.
Cơ hội vô địch lúc này đang nằm trong tay Viettel và Sài Gòn. Một trong hai đội bóng này sẽ đăng quang, nếu thắng cả 2 trận còn lại. Họ hứa hẹn tạo nên cái kết mới cho V.League, khi giải đấu số 1 Việt Nam có "tân vương".
|
Cổ động viên Viettel đang chờ đợi đội bóng có ngôi vô địch V.League lần dầu tiên trong lịch sử. Ảnh: VPF. |
Kỳ lạ Viettel - Hà Nội - Sài Gòn
Viettel vốn có tiền thân là đội bóng của Trung tâm Đào tạo bóng đá Viettel, ra đời năm 2010. Trung tâm từng đứng trước nguy cơ giải thể sau đội bóng thi đấu ở giải hạng Nhất được bán cho Công ty cổ phần thể thao T&T.
Tuy nhiên, với tâm huyết của ông Nguyễn Thanh Hải, trung tâm đào tạo trẻ này đã được giữ lại. Đội bóng mới được thành lập, tham dự giải hạng Ba và tiến dần lên hạng Nhì, hạng Nhất. Giải hạng Nhất 2018, Viettel giành vé thăng hạng. Sau 3 năm, họ đã thăng tiến vượt bậc để nắm quyền tự quyết trong cuộc đua đến ngôi vô địch V.League 2020.
Sài Gòn, trớ trêu ở chỗ chính là đội bóng Hà Nội T&T mua lại từ Viettel 10 năm trước, đổi tên thành câu lạc bộ Hà Nội. Số phận đội bóng này rất đặc biệt, lên hạng mùa 2012 nhưng rồi xin ở lại hạng Nhất, mùa 2015 lại giành vé tiếp và lên V.League 2016 thì chuyển vào TPHCM, đổi tên thành Sài Gòn. Cuối năm 2019, đội tiếp tục thay chủ. Ông Vũ Tiến Thành được giao làm Chủ tịch và sau đó kiêm nhiệm chức danh huấn luyện viên.
|
Đội hình câu lạc bộ Sài Gòn không có ngôi sao nhưng đang cạnh tranh sòng phẳng ngôi vô địch V.League 2020 với Hà Nội và Vietttel. Ảnh: VPF. |
Ngay trong mùa bóng đầu tiên dưới thời chủ mới, Sài Gòn đã thi đấu rất ấn tượng. Họ dẫn đầu giai đoạn 1 khi chỉ thua có 1 trận. Với lối chơi phòng ngự phản công, họ tạo ra cơ hội vô địch cho mình dù không đặt tham vọng và không được đánh quá cao.
Viettel sẽ gặp Sài Gòn ở lượt đấu cuối cùng trên sân Thống Nhất. Nhiều khả năng, đó là trận đấu định đoạt ngôi vô địch V.League 2020.
Lịch thi đấu các trận còn lại của Viettel, Sài Gòn, Hà Nội:
Ngày 3.11
19h15: Viettel - Than Quảng Ninh
Ngày 4.11
19h15: Hà Nội - Sài Gòn
Ngày 8.11 (chưa xác định thời gian)
Sài Gòn - Viettel
Than Quảng Ninh - Hà Nội
Số 3 ám ảnh Hà Nội
Bóng đá Việt Nam chính thức lên chuyên nghiệp ở mùa giải 2001, với Sông Lam Nghệ An (SLNA) vô địch. Sau 19 mùa, chưa có câu lạc bộ nào có 3 lần đăng quang liên tiếp, từ “đội hình trong mơ” của Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức (2003, 2004) cho đến Gạch Đồng Tâm Long An của bầu Thắng (2005, 2006) rồi Bình Dương (2007, 2008) hùng mạnh.
|
Quang Hải cùng đồng đội đang gặp bất lợi trong cuộc đua vô địch V.League với Vietttel, Sài Gòn. Ảnh: VPF. |
Ngay từ đầu mùa này, đội trưởng Văn Quyết và HLV Chu Đình Nghiêm đã khẳng định mục tiêu là bảo vệ thành công ngôi vô địch, trở thành đội bóng đầu tiên có 3 lần đăng quang liên tiếp,. Tuy nhiên, mùa giải này khó khăn hơn nhiều so với Hà Nội tưởng tượng.
Hà Nội vẫn thể hiện đẳng cấp của một chuyên gia nước rút ở giai đoạn cuối với 5 trận bất bại ở giai đoạn 2. Tuy nhiên, với việc thể thức V.League thay đổi so với mọi năm, khi các đội tranh vô địch chạm trán ngay trực tiếp ở 3 vòng cuối, Hà Nội còn ít cơ hội sửa sai sau trận hòa Viettel.
“Hà Nội muốn vô địch phải thắng chúng tôi”, huấn luyện viên Vũ Tiến Thành khái quát chính xác về tình thế lúc này. Điều này cũng không hề dễ dàng bởi ở giai đoạn 1, Hà Nội từng thua Sài Gòn 0-1 trên chính sân Hàng Đẫy.
Lịch sử V.League ra đời từ năm 2001 chứng kiến 8 đội đã vô địch gồm: Sông Lam Nghệ An (2001, 2011), Hoàng Anh Gia Lai (2003, 2004), Gạch Đồng Tâm Long An (2005, 2006), Bình Dương (2007, 2008, 2014, 2015), Hà Nội (2010, 2013, 2016, 2018, 2019), Đà Nẵng (2009, 2012), Quảng Nam (2017) và Cảng Sài Gòn (2002).
NGUYỄN ĐĂNG (LĐO)