Bỏ học đại học để khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thắng lớn tại cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2019, nhưng ít ai biết Trần Nguyễn Duy Tuấn (21 tuổi, TP.HCM) lại bỏ ngang việc học đại học sau một tháng nhập học để theo đuổi đam mê của mình.

 

Tuấn xuất sắc nhận được giải nhất của cuộc thi - Ảnh: Nữ Vương
Tuấn xuất sắc nhận được giải nhất của cuộc thi - Ảnh: Nữ Vương



Bằng cấp không bằng việc mình học được gì

Nhiều người ngưỡng mộ khi ở độ tuổi còn rất trẻ nhưng Tuấn đã sáng tạo được sản phẩm khởi nghiệp và giành giải nhất bảng cá nhân khởi nghiệp trị giá 300 triệu đồng tại cuộc thi Startup Wheel 2019.

Thế nhưng, câu chuyện khởi nghiệp của Tuấn còn khiến nhiều người phải ngạc nhiên, trầm trồ. Năm 18 tuổi, Tuấn chọn con đường học đại học như bao nhiêu bạn trẻ khác, nhưng chỉ sau 1 tháng nhập học, Tuấn đã lén gia đình bỏ ngang việc học để tìm hướng khởi nghiệp.

“Mình đi học là vì ba mẹ muốn, nhưng mình cảm thấy không phù hợp nên đã lén nghỉ. Mình vẫn cố gắng để học hết THCS rồi THPT, thi vào đại học. Nhưng khi không thể cố được nữa, mình quyết định nghỉ mà không dám nói với gia đình. Sau khi rời giảng đường đi làm mình cảm thấy việc học bên ngoài giúp tiếp thu nhanh hơn, tạo cho mình nhiều đam mê hơn, vì môi trường xung quanh là những người giỏi, thực sự có kinh nghiệm và có được những điều mình muốn học”, Tuấn tâm sự.

Người viết thắc mắc về vấn đề bằng cấp khi đi làm, Tuấn không ngại ngần trả lời: “Mình chưa bao giờ nghĩ đại học là con đường duy nhất để thành công, vì định nghĩa thành công của mỗi người mỗi khác. Với mình bằng cấp không quan trọng bằng việc mình học được những gì và cần học điều gì, cũng như thành công là khi những người xung quanh cùng tiến bộ và bản thân cũng phải tiến bộ về mọi mặt”.

Tuấn kể, lúc đầu quyết định nghỉ học đã từng nghĩ nếu đường cùng quá thì đi làm thuê. Nhưng chính điều đó lại là động lực để Tuấn không bao giờ bỏ cuộc và quyết tâm trở thành chủ khi đến với con đường khởi nghiệp.

Tuấn và người bạn đều có cùng sở thích mày mò sáng chế những món đồ điện tử, nên bắt đầu chế những thiết bị nhà thông minh và trợ lý ảo. Tuy nhiên, sau đó cảm thấy thị trường quá lớn cũng như không đủ các tiềm lực để thực hiện nên cả 2 dừng lại.


“Vô tình tụi mình gặp được một anh đang kinh doanh thị trường cộng đồng cho việc đặt và cho thuê phòng, căn hộ. Anh này nêu ra một vấn đề là khách ra ngoài không tắt máy lạnh gây hao điện và hỏi tụi mình có cách nào giảm việc này không?”, Tuấn kể.

Thế rồi, Tuấn cùng người bạn nghiên cứu chế ra được thiết bị cắm thẻ không dây sử dụng pin. Nhưng sau đó thiết bị không phù hợp với nhiều loại nhà cũng như ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng khi ở. Sau đó Tuấn tiếp tục làm ra những phiên bản khác nhau và cho đến hiện tại là sản phẩm AirIot, công cụ giúp tiết kiệm điện tại các căn hộ cho thuê.

Thiết bị tự động… đi là tắt, về là mở

Theo Tuấn, thực tế hiện nay tại các khách sạn là dùng thẻ từ, khách ra ngoài thường quên không tắt điện gây lãng phí. Bên cạnh đó, việc lắp đặt hệ thống nhét thẻ ngắt điện và kích hoạt điện sẽ phiền phức, buộc phải đục tường để đi đường dây.
“Giải pháp của AirIot giống như một bộ điều khiển wifi, nếu mang thiết bị ra xa khỏi phòng thì điện tự ngắt. Khách cũng không cần phải cắm thẻ hay thao tác gì thiết bị, chỉ cần đi là tắt và về là tự động mở. Không cần cắm thẻ, lắp đặt cũng chỉ mất 10 giây mà không cần đục đẽo hay thay đổi cấu trúc nhà”, Tuấn chia sẻ thành quả.

Tuấn cho biết thiết bị bao gồm 2 phần đó là Airswing và Airfob. Airswing là thiết bị được gắn vào trong cầu dao của máy lạnh, có thể chịu tải được tới 40A nên phù hợp với nhiều loại máy lạnh khác nhau. Thiết bị cũng là trung tâm để có thể quét trong phạm vi nhà. Còn Airfob là thiết bị nhỏ được móc chung với chìa khóa cho khách, luôn được kết nối với Airswing trong phạm vi 20 m, khi khách ra ngoài cầm chìa khóa theo thì thiết bị sẽ mất kết nối và ngắt điện.

Hiện AirIot đã thử nghiệm trên 150 phòng của hệ thống khạch sạn Christinas, và kết quả là thiết bị có thể tiết kiệm được 30% tiền điện. Sản phẩm cũng đã bán ra thị trường 500 thiết bị. Tuấn dự định đến năm 2020 sẽ mở rộng thị trường tại VN và tiếp đến là các nước như: Thái Lan, Malaysia.

Với tuổi đời còn khá trẻ, rời ghế giảng đường để quyết tâm khởi nghiệp được như ngày hôm nay nên khó khăn với Tuấn là không hề ít. Điều làm Tuấn đau đầu nhất chính là vấn đề nguồn lực về tiền bạc, vừa giấu gia đình, lén nghỉ học nên không thể nhờ vả ba mẹ. Kế đến là vấn đề về nguồn lực kiến thức, nhưng đến thời điểm hiện tại, Tuấn đã tìm được 3 người cùng đồng hành trong dự án.

“Đến giờ thì ba mẹ đã biết việc mình lén nghỉ học, mặc dù mình chưa dám nói, nhưng nhìn thấy mình trên các cuộc thi nên ba mẹ biết. Khi nghe giải thích và nói về những định hướng tương lai, cũng như nhìn thấy những gì mà bước đầu mình đạt được nên ba mẹ cũng tin và ủng hộ. Đấy cũng là động lực để mình cố gắng hơn nữa”, Tuấn trải lòng.

Nữ Vương (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.