Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường đại học xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ khuyến khích các trường đại học sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đồng thời cho biết sẽ tăng cường quản lý về tuyển sinh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học sử dụng kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông để xét tuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí và đảm bảo công bằng cho thí sinh. Bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý việc tuyển sinh của các trường đại học.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tại Hội thảo Công tác chuẩn bị đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 11/3.

Đề thi sẽ tăng tính phân hóa

Tại Hội thảo, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học bày tỏ lo lắng về việc Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông hiện đang giảm dần độ phân hóa, gây khó khăn cho công tác xét tuyển dựa trên điểm số của kỳ thi này. Trong khi đó, việc nhiều trường đại học xét tuyển theo các kỳ thi riêng hay các phương thức xét tuyển khác cũng đang nảy sinh nhiều bất cập.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 vẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung. Kỳ thi hướng đến ba mục đích: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh và là một trong các cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Bày tỏ sự đồng tình với định hướng trên, Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cho biết đơn vị này đã dự kiến thành lập Trung tâm khảo thí hoặc một ban chuyên môn về tuyển sinh nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không tiếp tục tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông mà giao cho các địa phương. Tuy nhiên, khi Bộ vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi, Đại học Đà Nẵng vẫn sẽ dựa vào kết quả kỳ thi này để tuyển sinh là chủ yếu.

Ông Vũ cho rằng điều này giúp học sinh không phải tham gia quá nhiều kỳ thi, giảm áp lực cho thí sinh và giảm tốn kém cho xã hội. Các cơ sở giáo dục đại học cũng có thể tập trung nguồn lực cho việc đào tạo.

“Chúng tôi cũng yên tâm khi mỗi thí sinh chỉ được thi 4 môn nhưng do có rất nhiều môn nên vẫn có đến 36 tổ hợp để xét tuyển. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức kỳ thi với tính phân hóa tốt hơn,” ông Vũ nói.

Đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ có tính phân hóa cao hơn. (Ảnh: TTXVN)

Đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ có tính phân hóa cao hơn. (Ảnh: TTXVN)

Cùng quan điểm, Giáo sư Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ mong muốn đề thi có hệ thống câu hỏi với độ phân hóa tốt hơn. Ông Tuấn đánh giá đề minh họa tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn mang tính ghi nhớ nhiều, ít nội dung hiểu và vận dụng.

Đề cập cụ thể hơn, đại diện Trường Đại học Y dược, Đại học Huế cho rằng đề thi nên phân hóa nhóm từ 5 đến 7,5 điểm và từ 7,5 đến 10 điểm để giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh.

Siết quản lý tuyển sinh

Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cũng bày tỏ băn khoăn trước thực trạng tuyển sinh hiện nay có một số bất cập. Chẳng hạn như việc một số trường lấy điểm đầu vào chỉ dựa vào một môn, dựa trên chứng chỉ quốc tế, hoặc tuyển sinh theo học bạ, thậm chí học sinh mới bước vào năm học lớp 12 đã có báo trúng tuyển…

“Vì vậy, với vai trò của mình, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quản lý vấn đề này. Bộ giao cho các trường tự chủ tuyển sinh nhưng phải ở mức độ phù hợp,” ông Vũ kiến nghị.

Trước ý kiến của các trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng theo Luật Giáo dục Đại học, các trường được tự chủ về phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước về vấn đề này.

“Bộ hoàn toàn có tư cách pháp nhân để thực hiện. Chúng ta phải hướng tới vì học sinh, vì chất lượng thực,” ông nói.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh thông điệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo là khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học sử dụng điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông để tuyển sinh. Điều này nhằm giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh đại học. Theo Thứ trưởng, những học sinh ở vùng sâu, vùng xa sẽ thiệt thòi hơn khi không có điều kiện tiếp cận các kỳ thi riêng của các trường.

“Chúng tôi mong muốn các trường sử dụng kết quả thi Tốt nghiệp để xét tuyển. Kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung tổ chức thực hiện nên đảm bảo độ tin cậy về kết quả, học thật, thi thật, chất lượng thật. Tới đây, đề thi sẽ có độ phân hoá cao hơn,” Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng khẳng định đây là kỳ thi Tốt nghiệp nên các học sinh có đủ kiến thức nền tảng là có thể làm bài thi đạt tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu muốn điểm cao thì các em phải học tập tốt.

Có thể bạn quan tâm

Cẩn trọng chọn môn thi tốt nghiệp THPT

Cẩn trọng chọn môn thi tốt nghiệp THPT

Theo hiệu trưởng các trường THPT, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh được lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT nên cần được tư vấn, định hướng cẩn thận, tránh chọn theo cảm tính, số đông vì việc này tác động đến lựa chọn ngành.

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Với những quy định rõ ràng, chi tiết được thể hiện trong dự thảo Nghị định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, hứa hẹn con đường liên thông sắp tới sẽ không còn nhiều điểm 'tắc' như thời gian qua.

Đừng tạo cơ hội cho sai phạm

Đừng tạo cơ hội cho sai phạm

Việc Bộ GD-ĐT dự kiến tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp THPT bằng kết quả học bạ 3 năm THPT gây bất ngờ với dư luận xã hội, nhưng những người "trong cuộc" đã lờ mờ nhận ra kỳ thi này có thể không còn một mục tiêu duy nhất như tên gọi của nó.
Khóc - cười, đỗ - trượt

Khóc - cười, đỗ - trượt

Gần 1.600 học sinh dự thi lớp 10 năm học 2024-2025 của tỉnh Thái Bình bị sai điểm vì một lỗi hết sức ngớ ngẩn là Hội đồng chấm thi Sở GD&ĐT Thái Bình thực hiện sai quy trình hồi phách bài thi tự luận.
Bộ GD&ĐT yêu cầu từ năm 2025 khắc phục triệt để thiếu công bằng trong phương thức tuyển sinh

Bộ GD&ĐT yêu cầu từ năm 2025 khắc phục triệt để thiếu công bằng trong phương thức tuyển sinh

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học năm 2025 là hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông.