Biểu giá điện bậc thang: Người nghèo thiệt thòi hơn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Biểu giá điện tăng lũy tiến ở Việt Nam được thiết kế ngược với thế giới, khiến người nghèo thiệt thòi.
Móc túi người nghèo
PGS.TS Lê Cao Đoàn (Viện kinh tế trung ương) cho rằng, biểu giá điện lũy tiến theo 6 bậc thang của Việt Nam được xây dựng từ năm 2014, đưa vào áp dụng với mục tiêu tiết kiệm điện, hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng, cả hai mục tiêu đều không đạt được.
 
Ngành điện phải công khai chi phí đầu vào. Ảnh: EVN
Vị chuyên gia cho biết, yêu cầu tiết kiệm điện trong bối cảnh Việt Nam đang bị thiếu điện nghiêm trọng là cần thiết, buộc phải làm. Theo tính toán, hiện nay nhu cầu tiêu thụ điện cả ở các hoạt động công cộng cho tới các hoạt động sản xuất đều tăng lên rất lớn, với khả năng tiêu thụ điện năng như hiện nay, nếu không tiết kiệm thì Việt Nam có thể sẽ phải đứng trước nguy cơ thiếu hụt điện, đe dọa tới an ninh năng lượng quốc gia.
Mục đích tốt đẹp là vậy nhưng khi áp dụng biểu giá điện theo hệ lũy tiến tăng dần 6 bậc như vừa qua, vị chuyên gia nói thẳng là không đạt được mục đích.
"Tiết kiệm điện là điều tiết lại cách sử dụng điện của người dân từ nhiều xuống ít, từ dư thừa tới đủ, không sử dụng bừa phứa, gây lãng phí.
Nhưng, việc điều tiết phải được thiết kế dựa trên đánh giá thực tế, phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng thiết yếu của người dân. Đến cả nhu cầu tiêu thụ tối thiểu của người dân còn chưa được đáp ứng thì làm sao kêu gọi người dân phải tiết kiệm?", vị PGS nói.
Với cách giải thích trên, PGS Lê Cao Đoàn cho rằng, cách xây dựng bảng giá lũy tiến 6 bậc, ở hai bậc đầu của biểu giá điện có mức giá bán thấp hơn mức giá bán lẻ điện bình quân nhưng bước nhảy số quá ít (từ 0-100kWh) là không phù hợp.
"Như tôi đã nói ở trên, tiết kiệm điện nhưng phải phù hợp. Phù hợp ở đây là phù hợp với điều kiện phát triển của kinh tế, xã hội, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp.
Sự bức xúc của người dân và dư luận thời gian qua là vì cách thiết kế bảng giá điện đã cũ, không còn phù hợp, chỉ làm lợi cho ngành điện. Đáng lẽ ra, bảng giá phải được điều chỉnh theo hướng nới rộng hệ số của bậc 1, 2, điều chỉnh là mức giá cơ sở so với mức giá giữa các bậc cho hợp lý thì ngành điện lại chưa làm như vậy.
Chính vì quy định bậc 1 - 2 giới hạn từ 0-100kWh hiện nay không còn phù hợp nữa, đa số người dân đều sử dụng vượt bậc so với quy định. Khi sử dụng vượt bậc như vậy, lập tức người dân phải chịu một mức giá cao hơn. Đối với người nghèo, nhiều trường hợp chỉ sử dụng quá một vài số đến một vài chục số điện nhưng mức giá phải chi trả có thể lên tới gấp dưỡi so với hóa đơn hàng tháng.
Đây là kiểu thiết kế thang bậc giá điện không giống ai, không theo quy luật nào, chỉ làm lợi cho EVN của ngành điện mới dẫn tới tình trạng hóa đơn tiền điện bị tăng vọt, khiến người dân bức xúc", ông Đoàn nói.
Phân tích thêm, PGS Lê Cao Đoàn cho biết, mức giá điện phù hợp, giúp người dân ổn định đời sống, sinh hoạt phải là mức giá mang tính phổ quát. Tuy nhiên, với việc phân bổ lũy tiến từng bậc bất hợp lý nên việc điều tiết chỉ mang lại lợi lớn cho ngành điện.
"Như đã nói, do khoảng bước nhảy số giữa bậc 1-2 quá ít, đa số người dân dùng vượt và phải chi trả số tiền lớn, ngành điện thu về nhiều tiền hơn.
Đáng tiếc, số tiền ngành điện thu về không phải ở khu vực thu nhập cao hay doanh nghiệp mà lại móc túi từ chính khu vực thu nhập thấp, có hệ số sử dụng điện ở mức phổ quát mà đáng ra, đây là nhóm phải được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn.
Nói một cách dễ hiểu hơn là thang bảng giá điện của EVN chính là đánh trực tiếp vào túi của người nghèo, người có thu nhập thấp", ông Đoàn chỉ rõ.
Yêu cầu minh bạch
Trong công tác quản lý, PGS. TS Lê Cao Đoàn nhấn mạnh, hiệu quả của hoạt động sản xuất và kinh doanh điện là yếu tố quyết định việc điều chỉnh tăng hay giảm giá điện.
Những yếu tố tác động tới hiệu quả kinh doanh của ngành điện lại chính là các vấn đề liên quan tới công nghệ, trình độ quản lý, cơ chế, chính sách điều hành tầm vĩ mô...
"Nói đến giá điện thì phải xem ngành điện đã minh bạch toàn bộ các khâu chưa hay là vẫn cứ tù mù, không ai biết lỗ, lãi ở mức độ nào cả? Nếu chi phí không rõ ràng, minh bạch, đầu tư ngoài ngành lớn nhưng lại thua lỗ, đầu tư trong nước thì thất thoát, mất vốn, nợ nần đứng đầu nhưng lại không được minh bạch, cứ âm thầm làm những cái khác để rồi Nhà nước bao cấp, dân phải gánh nợ là không được.
Hơn nữa, công nghệ của ngành điện cũng vô cùng lạc hậu nên không tránh khỏi giá thành điện cao. Ngành điện cũng phải phấn đấu công nghệ, thiết bị tiên tiến hơn để chỉ tiêu tiêu hao thấp, từ đó mới có giá thành thấp", vị PGS nói.
Theo vị chuyên gia, khi mọi thông tin về chi phí sản xuất của ngành điện vẫn còn được coi là "bí mật" thì rất khó xác định giá điện bán ra đã hợp lý hay chưa? Trong câu chuyện này, vị chuyên gia kiến nghị Thanh tra chính phủ phải làm cho rõ.
Lam Nguyễn (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm