Bị tàn phế vì tin thuốc thầy lang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

'Cứ uống vào da đẹp lắm, nhưng khi không uống bệnh lại bùng lên. Sau này tôi mới biết chính do tôi uống, chích những loại thuốc này mà tôi bị cứng luôn các khớp, mất khả năng lao động'.

 

Bàn tay anh Trung bị biến dạng sau khi được chích nhiều lần thuốc corticoid - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Bàn tay anh Trung bị biến dạng sau khi được chích nhiều lần thuốc corticoid - Ảnh: THÙY DƯƠNG



Anh Lê Vĩnh Trung (38 tuổi, ngụ Vĩnh Long) chia sẻ như vậy sau khi dùng rất nhiều loại thuốc nam, thuốc bắc, thuốc chích để điều trị bệnh vảy nến.

Viêm đa khớp, chân tay biến dạng

Những bệnh nhân khác thường không chịu ghi tên, ghi hình trên báo. Riêng anh Trung lại muốn đưa tên, hình ảnh của mình bởi anh đang rất bức xúc vì phải chịu nhiều đau khổ trong hành trình tự đi điều trị bệnh.

Anh rất mong muốn qua trường hợp của anh mọi người không nên tin vào những thầy lang, các trang mạng quảng cáo điều trị các bệnh mãn tính nữa.

Anh Trung mắc bệnh vảy nến 12 năm nay. Từ lúc phát hiện ra bệnh, anh đã đến những phòng mạch bên ngoài để uống, chích thuốc. Những trang mạng nào quảng cáo điều trị bệnh vảy nến, thầy này, thầy kia điều trị bệnh hay lắm, dù ở TP.HCM hay ở các tỉnh anh đều tìm đến điều trị.

Các thầy lang lúc thì chích thuốc, lúc cho anh uống thuốc viên, lúc cho uống thuốc nam, thuốc bắc. Khi mới uống, chích thuốc thầy lang, bệnh của anh đỡ nhiều, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại bùng phát gấp 10 lần.

Anh Trung kể có những phòng khám cam kết "nếu không khỏi bệnh sẽ hoàn tiền lại". Họ nói vậy cho khách hàng tin tưởng chứ khi không khỏi bệnh đến đòi thì họ đưa ra rất nhiều lý do, bệnh nhân sẽ không thể lấy lại được tiền.

Sau 6 năm rong ruổi điều trị như vậy, da anh bị đỏ toàn thân, trên cơ thể chỗ nào có khớp đều bị cứng lại, đau nhức. Bàn tay, bàn chân anh bị biến dạng. Những buổi sáng sớm thức dậy, những ngón tay đau đến mức không thể cài được nút áo, không thể đánh răng, anh thấy khổ sở vô cùng.

Lúc đó, gia đình đã đưa anh đến bệnh viện tỉnh điều trị. Nhưng do bệnh quá nặng nên bệnh viện tỉnh đã chuyển anh lên Bệnh viện Da liễu TP.HCM điều trị.

Tại đây, anh đã biết được anh bị bệnh nặng như thế này là do một thời gian dài điều trị các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thậm chí đã bị chích rất nhiều thuốc corticoid nên đã bị viêm đa khớp, tay chân bị biến dạng.

Lúc đầu anh chỉ bị từng mảng nhỏ, nhưng do uống thuốc bên ngoài nhiều nên mảng đỏ lan nhanh.

Khi anh hiểu ra là các thầy lang bên ngoài chỉ lấy tiền của anh và làm anh bệnh nặng đến mức độ này, anh đã tuyệt đối tuân thủ điều trị tại Bệnh viện Da liễu trong 6 năm tiếp theo.

Hiện giờ các bác sĩ đánh giá bệnh của anh đã bớt nhiều so với những ngày đầu đến điều trị, nhưng các khớp trên cơ thể anh đã bị cứng, biến dạng, không thể phục hồi được.


 

 Viêm đa khớp, biến dạng tay sau khi uống thuốc thầy lang - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Viêm đa khớp, biến dạng tay sau khi uống thuốc thầy lang - Ảnh: THÙY DƯƠNG



Bệnh nặng, gây nhiều biến chứng

Tương tự, ông Đ.V.H., 54 tuổi, ngụ ở Q.7 (TP.HCM), mắc bệnh vảy nến 6 năm nay, hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Da liễu, kể ông cũng đã điều trị qua rất nhiều thầy lang ở nhiều nơi trước đó.

Lúc người nhà đưa ông đến Bệnh viện Da liễu điều trị, ông không đi lại được, toàn thân ông đỏ ửng, các khớp đau nhức. Mới đầu ông chỉ bị đỏ một ít ở hai mu bàn tay nhưng sau khi uống một loại thuốc của một thầy lang, ông bị đỏ da toàn thân.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, phó khoa lâm sàng 2 Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết phần lớn bệnh nhân mắc bệnh vảy nến là mắc bệnh vảy nến nhẹ, tức là chỉ khu trú ở một vài vị trí trên người. Còn khi bệnh nhân điều trị không đúng mới làm bệnh nặng hơn.

Như trường hợp ông H., theo diễn tiến của bệnh thường khoảng 20 năm sau bệnh mới có thể diễn tiến nặng như vậy, thì chỉ cần sau hai tuần điều trị không đúng bệnh nhân đã bị đỏ da toàn thân.

Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, các bác sĩ tiếp nhận nhiều trường hợp mắc bệnh vảy nến nặng mà trước đó bệnh nhân đã đi điều trị nhiều ông thầy lang, nhiều bài thuốc gia truyền. Bệnh nhân kể đã sử dụng nhiều loại thuốc như thuốc dạng bột, thuốc bôi, thuốc viên rất nhỏ...

Không biết những ông "thầy" này đã cho những chất gì trong đó, chỉ biết nhiều bệnh nhân sau đó bệnh trở nặng và có những bệnh nhân sau khi uống loại thuốc này đã bị ngộ độc thạch tín.


 

Cẩn thận các loại thuốc gia truyền

Có một số người đã sử dụng thuốc corticoid để điều trị cho bệnh nhân. Khi chích loại thuốc này, bệnh nhân bị bệnh vảy nến thấy thật khỏe, trên đường về nhà đã thấy vảy bong ra, bệnh nhân cảm thấy rất dễ chịu.

Nhưng muốn duy trì tác dụng, bệnh nhân phải chích liên tục, lần sau phải sử dụng liều cao hơn lần trước.

Sử dụng loại thuốc này sẽ gây nhiều biến chứng như loãng xương, tăng huyết áp, gây đục thủy tinh thể, chân teo tóp, người sưng phù...


Thùy Dương (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.