Bí ẩn các "Siêu công ty" ngàn tỉ: Tín Phát bất ngờ lột xác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từng là công ty con của Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam), năm 2017 - trước khi Vigecam cổ phần hóa, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Tín Phát chỉ đạt doanh thu chỉ 1,11 tỉ đồng. Thế nhưng chỉ sau 1 năm, doanh thu của Tín Phát tăng tới 4.460%, đạt 4.591 tỉ đồng (2018) và tăng lên hàng chục ngàn tỉ đồng trong các năm tiếp theo.

 Trụ sở của Công ty Tín Phát đặt tại phòng 407, số 44 Tràng Tiền. Ảnh minh họa: H.N.
Trụ sở của Công ty Tín Phát đặt tại phòng 407, số 44 Tràng Tiền. Ảnh minh họa: H.N.


Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Tín Phát (Tín Phát) được thành lập vào tháng 7/2005, từng là công ty con do Vigecam sở hữu trên 76% vốn, có trụ sở tại 16 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội.

Năm 2016, Vigecam bắt đầu cổ phần hóa, lộ trình này kết thúc vào năm 2017. Trong đó, 2 cổ đông chiến lược của Vigecam theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 723/QĐ-TTg ngày 28.4.2016 là Tổng công ty Rau quả, Nông sản với tỉ lệ sở hữu 45% vốn và Công ty Cổ phần Bảo hiểm hàng không sở hữu 25% vốn. Số cổ phần còn lại được chào bán ra công chúng vào tháng 5/2017.

Sau khi cổ phần hóa, Vigecam thoái sạch vốn tại Đầu tư xây dựng và thương mại Tín Phát. Theo tìm hiểu, Công ty Tín Phát cũng “lột xác” từ đây.

Cụ thể, năm 2018, Tín Phát tăng vốn điều lệ từ 5,2 tỉ đồng lên 100 tỉ đồng. Doanh thu của công ty cũng tăng 4.460%, từ mức 1,11 tỉ đồng năm 2017 lên 4.592 tỉ đồng năm 2018. Năm 2019, doanh thu của Tín Phát tiếp tục tăng gần 3 lần, từ 4.592 tỉ đồng lên 13.268 tỉ đồng. Năm 2020, con số này là 15.793 tỉ đồng.

Như vậy, chỉ trong 4 năm 2017-2020, doanh thu của Tín Phát đã tăng trưởng 14.226%. Đây là một con số vô cùng ấn tượng, chắc chắn là niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp. Càng đặc biệt hơn khi cơ cấu nhân sự của Tín Phát lại rất "tinh gọn", chỉ hơn chục người.

Cũng trong giai đoạn 2017-2020, tổng tài sản của Tín Phát tăng lên một cách nhanh chóng, từ hơn 3 tỉ đồng vào năm 2017 vọt lên mức 3.220 tỉ đồng (2018), 5.561 tỉ đồng (2019) và đạt ngưỡng 6.163 tỉ đồng năm 2020.

Đối ứng bên nguồn vốn, doanh nghiệp chủ yếu dựa vào các khoản nợ bên ngoài khi vốn chủ sở hữu chỉ trong khoảng 100 đến hơn 129 tỉ đồng vào năm 2020.

Cụ thể, nợ phải trả của Tín Phát cũng tăng hàng nghìn lần, từ mức 3,32 tỉ đồng (2017) lên 3.122 tỉ đồng năm 2018; 5.458 tỉ đồng (2019) và neo ở mức 6.033 tỉ đồng (2020).

 

Nợ phải trả của Công ty Tín Phát có lúc cao hơn 50 lần vốn chủ sở hữu.
Nợ phải trả của Công ty Tín Phát có lúc cao hơn 50 lần vốn chủ sở hữu.


Tín Phát có ngành nghề kinh doanh chính là ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Hiện, bà Lê Thị Bích Vân (sinh năm 1981) là Người đại diện kiêm Tổng giám đốc của “siêu công ty” này.

Mặc dù quy mô doanh thu tăng như vũ bão trong 3 năm gần đây nhưng lãi sau thuế của Tín Phát năm 2018-2019 lại rất mỏng nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng, chỉ loanh quanh ở mức 3-4 tỉ đồng. Năm 2020, lãi sau thuế của Tín Phát đạt 26,95 tỉ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh.

 

https://laodong.vn/kinh-te/bi-an-cac-sieu-cong-ty-ngan-ti-tin-phat-bat-ngo-lot-xac-916536.ldo

Theo Tùng Thư (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.