Doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh trong mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai bắt đầu chuyển hướng kinh doanh qua kênh online hoặc chuyển đổi mô hình để duy trì và phát triển.

Chuyển hướng kinh doanh

Sau nhiều lần đắn đo, chị Nguyễn Thị Hường-chủ cửa hàng chuyên các sản phẩm làm đẹp bằng công nghệ độc quyền Ageloc đã chọn hình thức kinh doanh online. Theo chị Hường, so với việc mở cửa hàng theo kiểu truyền thống thì hình thức kinh doanh này tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhân công, đầu tư các trang-thiết bị trưng bày sản phẩm. Không những vậy, lợi thế từ mạng xã hội và các hội nhóm còn giúp chị giới thiệu sản phẩm thuận lợi hơn. Chị Hường nêu quan điểm: “Tôi lựa chọn kinh doanh qua mạng vì ở đây mình học được cách bán hàng chuyên nghiệp và quan trọng hơn là nâng tầm tư duy, phát triển năng lực bản thân. Qua đó, tôi cũng nắm bắt nhu cầu làm đẹp của khách hàng để có cách phát triển lượng khách này trong tương lai. Đặc biệt, trong thời điểm dịch, khách hàng sẽ có nhiều thời gian lên mạng tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ”.

Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Phạm Gia Khang giao hàng cho khách mua qua mạng. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Phạm Gia Khang giao hàng cho khách mua qua mạng. Ảnh: Minh Nguyễn


Cùng quan điểm này, chị Tô Thị Tiến Trâm-Giám đốc Công ty TNHH Phát triển 6 Gem (TP. Pleiku) cho biết: Công ty của chị hoạt động ở lĩnh vực marketing, làm dịch vụ quảng cáo online sản phẩm cho doanh nghiệp. Thời điểm này, các ngành dịch vụ gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm nên nhu cầu quảng cáo cũng ngày càng hạn chế. Để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp tập trung khai thác, chuyển hướng tìm kiếm khách hàng trên diện rộng, nhất là thị trường ngoại tỉnh. Thời gian qua, Công ty TNHH Phát triển 6 Gem đã ngưng tuyển nhân sự trong tỉnh, chỉ giữ lại bộ phận nòng cốt và chuyển sang thuê cộng tác viên bên ngoài để phát triển thị trường, giảm chi phí. “Doanh nghiệp phát triển thì xu hướng đầu tư về dịch vụ quảng cáo sẽ tăng lên. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi có “đất sống”. Khi dịch bệnh qua đi, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển trở lại”-chị Trâm tin tưởng.

Đáp ứng xu thế thị trường

Trong tình hình dịch Covid-19, ông Nguyễn Đồng Hưng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Phạm Gia Khang lại cho rằng, đây là cơ hội để mở rộng kênh bán hàng online qua mạng. Thời gian đầu “chào sân”, khách hàng lạ lẫm với thương hiệu mới nên họ chưa đặt niềm tin vào sản phẩm. Từ việc đặt ra mục tiêu đáp ứng chất lượng, cung cấp dịch vụ như giao hàng nhanh, lắp đặt nhanh cộng với nhiều dịch vụ chăm sóc sau bán hàng, Công ty đã từng bước đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chính vì vậy, các sản phẩm thông dụng như: máy lọc nước, quạt điều hòa, robot lau nhà, hút bụi hay ti vi, tủ lạnh bán qua kênh online hiện chiếm đến 70% các sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp.

 Giao hàng và hướng dẫn cách sử dụng robot lau nhà hút bụi cho khách hàng đặt mua qua kênh online. Ảnh: Minh Nguyễn
Giao hàng và hướng dẫn cách sử dụng robot lau nhà hút bụi cho khách hàng đặt mua qua kênh online. Ảnh: Minh Nguyễn


“Những chi phí cố định cho việc đầu tư nhà kho, mặt bằng trưng bày, nhân công, điện nước… chúng tôi dành để đầu tư hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho khách hàng. Chính vì vậy, dù đang thời điểm dịch bệnh nhưng mỗi tháng, doanh thu của doanh nghiệp qua kênh online đạt 500-700 triệu đồng”-ông Hưng chia sẻ kinh nghiệm.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai, Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic-cho biết: Nếu các doanh nghiệp không tận dụng thương mại điện tử, kinh doanh online thì sẽ chậm chân so với thị trường trong thời đại công nghệ 4.0. Dịch bệnh vừa là khó khăn nhưng cũng vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận thị trường theo kiểu “ngồi một chỗ nhưng bán hàng cho cả thế giới”. “Kinh doanh ở lĩnh vực thương mại điện tử là yếu tố sống còn của doanh nghiệp đang tồn tại cũng như những doanh nghiệp mới khởi nghiệp tham gia phương thức tiếp cận thị trường nhanh nhất, hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất, đồng thời cũng mang tính cấp thiết để họ chuyển hướng kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường”-ông Lâm khẳng định.

 

 MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm