Bàu Cạn-Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hôm ấy, vào đầu mùa khô, nhóm bạn chúng tôi đi dã ngoại ở Chư Prông ngang qua Bàu Cạn (đoạn rẽ về phía tỉnh lộ 663) thì gặp một vùng chè đang lên xanh mướt điểm xuyết những cây muồng vàng. Vùng này rộng khoảng trên chục héc-ta nằm thoai thoải bên phía Tây đường, đối diện với triền dốc đang trải thảm bởi cỏ dại mượt mà, bên dưới là hồ Ia Mua nước xanh ngắt một màu, rộng khoảng 27 ha.

Buổi sáng, mặt trời đã nhô cao, vài nhóm thanh niên dừng xe ven đường tranh thủ chụp ít kiểu ảnh với cảnh vật đẹp tựa bức tranh sơn thủy hữu tình. Nhìn ngắm không gian thoáng đãng với đồi chè lá non óng ánh chạy tít tắp ngút tầm mắt, bạn tôi nhận xét: “Có cảm giác vùng này giống với khung cảnh thiên nhiên của các nước châu Âu; nếu như ở triền thung lũng này có vài ngôi biệt thự nhìn ra phía hồ, khi lên hình người ta khó nhận ra đây là khung cảnh ở xứ cao nguyên Việt Nam”. Tôi sực nhớ, đây là sở Trà, một đồn điền của người Pháp hình thành từ đầu thế kỷ XX, khi vùng đất này bị thực dân Pháp cai trị.

 

Vườn chè Bàu Cạn. Ảnh: internet
Vườn chè Bàu Cạn. Ảnh: internet

Vùng sinh thái nơi đây có nét đặc thù, ấm áp và lượng mưa nhiều hơn các vùng khác. Ngày xưa có những cánh rừng già hàng trăm héc-ta bao phủ phía Tây Nam với hệ động thực vật phong phú, biến nơi này trở thành nơi vui thú săn bắn của người Pháp. Khi hình thành đồn điền trà, người ta đã ngăn đập 2 con suối lớn là Ia Púch và Ia Mua nước chảy quanh năm để hình thành nhà máy thủy điện đầu tiên ở cao nguyên, có hồ chứa nước rộng 13 ha và hồ tưới Ia Mua có đập kiên cố trên tỉnh lộ 663. Ngoài các hồ nhân tạo, nơi đây có các hồ tự nhiên mà người miền Trung gọi là bàu. Địa danh Bàu Cạn xuất phát từ một hồ nước rộng khoảng 3 ha nằm trước Văn phòng Công ty Chè Bàu Cạn, cách quốc lộ 19 khoảng 100 m.

Trước năm 1960, bàu này vẫn còn nước. Sau này nước khô cạn tạo thành một khoảng đất rộng nhưng không thể trồng trọt được nên người dân địa phương gọi là “mẫu cô đơn”. Tiếp đến là Bàu Nai (12 ha) cách đường 663 khoảng 2 km nằm giữa Thanh An và Ia Phìn. Nơi đây ngày trước có cánh rừng rậm nhiều nai về sinh sống. Bàu 14 (rộng 14 ha) nằm cách Văn phòng Công ty 8 km về hướng Tây Nam cạnh suối Ia Púch... Bên cạnh đó, trên dòng Ia Púch còn có một thác nước cao khoảng 20 m (còn gọi là thác Bàu Cạn). Lúc chưa ngăn dòng, đây là thác nước tự nhiên rất đẹp, thu hút nhiều du khách đến thưởng ngoạn.

Với hệ sinh thái đa dạng, có bàn tay con người khai phá lâu đời, đặc biệt là hệ thống hồ, bàu vừa tự nhiên vừa nhân tạo đang hiện hữu tạo cho Bàu Cạn một diện mạo độc đáo có thể khai thác thành điểm du lịch hấp dẫn. Các phượt thủ, “cần thủ” có thể lượn quanh các hồ, bàu vào ngày nghỉ để cắm trại, thưởng ngoạn và câu cá. Học sinh, sinh viên có thể dã ngoại tìm về với vùng chè, cà phê “cổ điển” nhất Bắc Tây Nguyên, tìm hiểu tự nhiên và địa chỉ lịch sử của đồn điền xưa với những phong trào đấu tranh của công nhân sở Trà Bàu Cạn dưới thời Pháp thuộc. Và  du khách còn có thể dừng lại bên các vườn chè, cà phê trong mùa thu hoạch để cùng tham gia thu hái và chế biến với người nông dân, công nhân nơi đây, trải nghiệm thực tế đầy vất vả nhưng vô cùng thú vị.

Rời Bàu Cạn, tôi vẫn nhớ đôi lời da diết, yêu thương của cặp nghệ sĩ Tuấn Kiệt-Văn Chừng : “… Dòng Ia Púch nước xanh như câu ca/Ôi Ia Bi trong vắt bàu lưu luyến/Đập Ia Mua cá tung tăng chào mời/Tay nhanh, tay nhanh em ngắt búp chè non/Chè xanh sóng, sóng đưa hương Bàu Cạn…”.

Hoàng Linh Việt

Có thể bạn quan tâm