(GLO)- Trong 68 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Báo Gia Lai đã cùng với Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà trải qua chặng đường đấu tranh gian khổ, nhưng đầy oanh liệt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Từ ngày ra đời đến nay, để phù hợp với tình hình cách mạng, địa giới hành chính Báo Gia Lai đã nhiều lần đổi tên.
Ngày 16-3-1947 Tỉnh ủy Gia Lai lấy danh nghĩa Mặt trận Việt Minh cho xuất bản tờ báo mang tên “Sáng” làm cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh đầu tiên với nhiệm vụ tiến hành công tác chính trị, tư tưởng trong nội bộ Đảng và nhân dân.
Khánh thành trụ sở Báo Gia Lai. |
Ngày 20-7-1955 báo đổi tên “Vững Tiến” để thực hiện phương châm “Bảo tồn cơ sở, tích lũy lực lượng, trường kỳ tồn tại, nắm vững ngọn cờ hòa bình, vững bước đưa phong trào tiến lên”.
Năm 1957 đổi tên thành “Thống Nhất”. Cùng thời điểm này, báo xuất bản Bản tin tiếng Bahnar và Jrai, mỗi tháng phát hành 2 kỳ để tuyên truyền về mục tiêu đấu tranh thống nhất đất nước.
Cuối năm 1965 báo đổi tên thành “Giải Phóng”; Bản tin tiếng Bahnar và Jrai tăng thêm số lượng phát hành và in thêm tờ rơi (truyền đơn) để phát hành sâu vào vùng địch kiểm soát, các đồn bót của địch với mục đích tuyên truyền động viên quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam.
Ký kết giao ước thi đua giữa các phòng trong cơ quan. |
Sau ngày giải phóng tỉnh 17-3-1975, tháng 10-1975 hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum sáp nhập thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum, tờ báo đổi tên thành “Gia Lai-Kon Tum” xuất bản 2 kỳ/tháng in khổ 28x42 cm. Đến tháng 11-1976 báo tăng 3 kỳ/tháng. Đến tháng 1-1977 báo tăng lên 4 kỳ/tháng. Đến tháng 3-1984 báo xuất bản 2 kỳ/tuần cho đến tháng 10-1991.
Năm 1991, khi tỉnh Gia Lai-Kon Tum được chia tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, thì tờ báo Gia Lai-Kon Tum cũng được chia tách thành Báo Gia Lai và Báo Kon Tum. Với tên gọi mới này tờ báo tiếp tục nhiệm vụ xuất bản. Bộ mới từ số 01 vào thứ bảy, ngày 2-11-1991, sự “bắt đầu” này không có nghĩa là làm lại từ đầu mà là một mốc son đánh dấu cho giai đoạn mới. Tờ báo có nhiều thay đổi, cải tiến hình thức, nội dung cho phù hợp và theo kịp thời đại. Tuy nhiên, trong thời điểm này do phải chia đôi nhân lực cho Báo Kon Tum nên đội ngũ cán bộ, phóng viên thiếu, báo vẫn in bằng công nghệ tipô nên chất lượng cũng còn nhiều hạn chế.
Khai trương văn phòng Thường trú tại thị xã An Khê. |
Năm 1993, nhằm đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin của bạn đọc Báo chuyển sang in offseete để đảm bảo chất lượng. Các số báo đặc biệt, báo Xuân được in tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, số lượng và phạm vi phát hành của báo cũng tăng dần. Năm 1993 là 2.800 tờ/kỳ, năm 1996 là 4.800 tờ/kỳ. Lúc này Báo cũng tăng kỳ xuất bản lên 2 kỳ/tuần và hàng tháng xuất bản thêm ấn phẩm Gia Lai Nguyệt san.
Năm 1999, Báo xuất bản 3 kỳ/tuần. Năm 2001, mỗi tuần Báo Gia Lai xuất bản thêm ấn phẩm Gia Lai Cuối tuần. Đến tháng 3-2002, Báo xuất bản thêm ấn phẩm Báo Ảnh Gia Lai 3 thứ tiếng: Phổ thông, Jrai, Bahnar phục vụ đối tượng bạn đọc người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tháng 10-2004, Báo được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao thêm nhiệm vụ dịch, in và phát hành tờ Bản tin Dân tộc-miền Núi của Thông tấn xã Việt Nam bằng 2 ngôn ngữ Bahnar và Jrai, phục vụ đồng bào Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đến tháng 7-2012 được nâng cấp từ Bản tin TTXVN trước đây, thành Báo ảnh TTXVN số trang tăng từ 16 trang lên 48 trang phát hành trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, số lượng phát hành 3.000 bản/ngữ.
Trao giải cho các VĐV đạt thành tích hệ nữ đội tuyển. |
Nhằm giảm bớt khoảng cách phát triển với các báo trong khu vực, từ năm 2006 cho đến nay, Báo Gia Lai đã xuất bản hàng ngày (trừ ngày chủ nhật). Hiện nay Báo có 4 ấn phẩm: Gia Lai hàng ngày xuất bản từ thứ hai đến thứ sáu, phát hành 7.000 tờ/kỳ; Gia Lai Cuối tuần, xuất bản vào thứ bảy hàng tuần, phát hành 6.800 tờ/kỳ. Gia Lai Báo Ảnh xuất bản 4 kỳ/tháng, phát hành 3.000 tờ/kỳ; Gia Lai Điện tử, với khoảng 40 ngàn lượt truy cập/ngày. Ngoài ra, vào các dịp Tết và các ngày lễ lớn trong năm, Báo Gia Lai xuất bản các số báo đặc biệt, tăng trang, để đáp ứng tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của bạn đọc.
Tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo tại thị xã Ayun Pa. |
Để tờ báo đến gần với độc giả, ngoài việc thường xuyên phải nâng cao chất lượng về nội dung, Báo Gia Lai đẩy mạnh công tác phát hành, đưa tờ báo xuống đến vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang. Thông qua Hội Việt kiều tỉnh Rattanakhri, Vương quốc Campuchia; Attapeu, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã phát hành một số ấn phẩm Báo Gia Lai đến số cán bộ, công nhân của các công ty cao su là người Việt đang làm việc và sinh sống tại hai tỉnh trên. Có thời gian Báo Gia Lai đã phối hợp với Cảng Hàng không Pleiku phát hành các ấn phẩm báo trên các chuyến bay từ Pleiku đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Huy động các đơn vị Binh đoàn 15, các công ty cao su đứng chân trên địa bàn, Công ty TNHH Xổ số Kiến thiết Gia Lai, Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên… mua báo Gia Lai tặng Hội Cựu chiến binh, Thanh niên, chi hội Phụ nữ, Cựu Thanh niên xung phong với số tiền gần 600 triệu đồng/năm, hàng vạn tờ báo đến với đối tượng trên. Hàng năm phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du Lịch, Sở Giáo dục-Đào tạo, Tỉnh đoàn tổ chức thành công Giải việt dã Báo Gia Lai mở rộng suốt 9 năm liên tục, góp phần xã hội hóa phong trào thể dục thể thao tỉnh nhà.
Bên cạnh công tác xây dựng Đảng và đoàn thể, xây dựng cơ quan được Ban biên tập đặc biệt chú trọng, từ chi bộ Báo Gia Lai được nâng lên thành Đảng bộ vào tháng 6-2012, hiện tại có 35 đảng viên, sinh hoạt ở 3 chi bộ trực thuộc. Nhiều năm liên tục được công nhận là chi bộ, Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, chi hội đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu xuất sắc.
Đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì. |
Trải qua quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, dù ở giai đoạn cách mạng nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, tập thể cán bộ, viên chức Báo Gia Lai luôn nỗ lực cùng với Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu không ngừng để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Có được những thành tích xuất sắc trên, là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành và cả sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ những người làm báo qua các thời kỳ, cùng với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và sự động viên của bạn đọc gần xa. Ghi nhận thành tích đó Báo Gia Lai được Đảng, Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Giải phóng hạng ba, 2 Huân chương Lao động hạng nhất và nhiều bằng khen của Trung ương, của tỉnh… và mới đây thôi, năm 2013 một lần nữa tập thể cán bộ, viên chức Báo Gia Lai lại vinh dự được Chủ tịch nước tặng phần thưởng cao quý đó là Huân chương Độc lập hạng nhì. Đó là niềm tự hào, là vinh dự của các thế hệ người làm báo Gia Lai luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Khuất Đình Viện