(GLO)- Từ đầu năm đến nay, mặc dù các địa phương, đơn vị và cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông, tuy nhiên tai nạn giao thông vẫn tăng ở cả 3 tiêu chí. Gia Lai là một trong 12 địa phương trong cả nước có số người chết vì tai nạn giao thông tăng trên 10%.
Xe khách gây tai nạn giao thông tại Đak Pơ. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 124 vụ tai nạn giao thông làm chết 147 người, bị thương 101 người, so với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giao thông tăng 27 vụ, tăng 34 người chết và tăng 36 người bị thương. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. 6 tháng qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, trong đó lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự đã phát hiện xử phạt 31.330 trường hợp vi phạm với số tiền 14,87 tỷ đồng, tạm giữ 228 ô tô, 6.815 mô tô, tước 1.296 giấy phép lái xe. Lực lượng Cảnh sát khác và Công an các xã, thị trấn và Tổ tự quản an toàn giao thông đã tham gia tuần tra kiểm soát và xử lý 3.783 trường hợp vi phạm với số tiền 1,2 tỷ đồng, nhắc nhở hơn 10.000 trường hợp.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng cũng đã tổ chức các chuyên đề xử lý phương tiện chở quá khổ, quá tải; kiểm soát phương tiện vận tải khách; xe công nông, xe độ chế; xe hết niên hạn sử dụng; xử lý nồng độ cồn. Trạm cân lưu động số 55 đã tổ chức cân trọng tải 5.071 trường hợp và ra quyết định xử phạt 485 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng, hạ tải 681 tấn hàng hóa. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát Giao thông-Công an tỉnh và Công an các địa phương qua công tác tuần tra, kiểm soát đã lập biên bản xử lý 496 xe ô tô chở hàng quá trọng tải, xử phạt 206 triệu đồng, tạm giữ 372 giấy tờ, hạ tải 248 tấn hàng hóa …
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 11.179 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.478 người, bị thương 10.149 người, giảm 211 người chết và 2.114 người bị thương so với cùng kỳ năm 2014. Toàn quốc có 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết về tai nạn giao thông. Tuy nhiên, có 23 địa phương số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó có 12 địa phương số người chết tăng trên 10%. |
Trong 6 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số tăng cao. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong tổng số 142 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh thì có 53 vụ có liên quan đến người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 42,74% số vụ tai nạn giao thông và tăng 23,26% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số người chết do tai nạn giao thông là người dân tộc thiểu số cũng tăng 89% so với cùng kỳ năm trước. Trong 16 vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh có 10 vụ do người dân tộc thiểu số gây ra và có 3 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra cũng do người dân tộc thiểu số.
Một số địa phương có tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số tăng cao đó là các huyện: Đak Đoa, Phú Thiện, Ia Grai, Ia Pa nguyên nhân là do phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia. Trong đó, có một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do người dân tộc thiểu số dùng xe công nông, xe độ chế để chở người. Nhiều phương tiện giao thông như xe máy, xe công nông do người dân tộc thiểu số điều khiển không đạt yêu cầu kỹ thuật để lưu hành và không có giấy phép lái xe.
Để hạn chế các vụ tai nạn giao thông xảy ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ. Đối với người dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền là hết sức quan trọng, cần huy động vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, những người có uy tín ở thôn, làng làm công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng thời xử lý nghiêm việc dùng xe công nông, xe độ chế để chở người như hiện nay.
Vĩnh Hoàng