Bánh nổ nếp ngự Sa Huỳnh nghe mùi là biết Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hạt nếp ngự căng tròn nổ bung trong chảo gang như đóa mai trắng khoe sắc đón Xuân. Bỏng nếp trộn nước sên đường, cho vào khuôn gỗ ép thành thỏi rồi cắt thành những lát bánh nổ đậm đà hương vị ngày Tết.

Sên đường với gừng để trộn với bỏng nếp
Sên đường với gừng để trộn với bỏng nếp


Xuân này, những nông dân ở vùng biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi tràn đầy niềm vui khi các đơn vị chức năng đang hoàn thành hồ sơ đăng ký thương hiệu sản phẩm nếp ngự Sa Huỳnh.

Bao đời, người dân nơi đây gắn bó với cây nếp ngự cấy trên những thửa ruộng ven biển hay vùng gò đồi, quanh năm hứng gió từ đại dương bao la.

Cuối tháng Mười âm lịch, những thửa ruộng lúa nếp chín vàng tạo nên bức tranh thiên nhiên huyền ảo như mời gọi xuân về. Xóm làng nhộn nhịp cảnh thu hoạch và bảo quản nếp.

Loại nếp ngự được cấy trồng nơi đây hạt căng tròn dùng để gói bánh tét và chế biến nhiều loại bánh thơm ngon, nấu xôi… đặc biệt là làm bánh nổ.

Giữa tháng Chạp, khi hơi ấm xua tan rét lạnh, những người phụ nữ chân quê cho nếp vào chảo gang rang trên lửa củi bập bùng. Bỏng nếp trắng tinh bung ra khỏi vỏ với những tiếng nổ tí tách, hương thơm ngào ngạt lan tỏa trong gió xuân.

Họ nhanh tay giần, sàng, nhặt vỏ trấu lẫn trong bỏng nếp rồi cho vào bao ủ ấm để giữ hương thơm. Tiếp đến, đập dập gừng tươi, xắt nhuyễn rồi cho vào nồi bắc lên bếp xên với đường đến khi vừa sánh đặc bốc mùi thơm thì nhấc xuống khỏi bếp.

Sau đó, trộn đều nước xên đường và gừng vào bỏng nếp rồi cho vào khuôn gỗ và dùng vồ đóng đều tay để bánh đủ độ kết dính khi cắt lát, nhưng cũng không quá cứng khi thưởng thức.

 

Đóng bánh nổ
Đóng bánh nổ
Dùng dao cắt bánh nổ thành từng lát mỏng
Dùng dao cắt bánh nổ thành từng lát mỏng


Tháo thỏi bánh ra khỏi khuôn gỗ với chiều dài khoảng 4 tấc, dùng dao bén cắt lát thành hình vuông, chữ nhật hay tam giác tùy thích. Công đoạn cuối cùng là bày bánh lên nia đan bằng tre sấy nhẹ trên than củi rồi cho vào bao ny lông hay thùng kín để bảo quản chờ đến tết.

Bánh nổ làm từ nếp ngự Sa Huỳnh trông mộc mạc nằm cạnh các loại bánh, mứt dâng cúng tổ tiên trong những ngày tết. Mùi thơm của bánh hòa quyện với khói hương làm cho không khí ngày Tết thêm thiêng liêng, ấm cúng, thể hiện lòng thành kính của gia chủ đối với người đã khuất.

Thưởng thức bánh với hương vị ngọt thơm của nếp, của đường xen lẫn vị cay của gừng cứ đọng mãi nơi đầu lưỡi. Miếng bánh xốp, mềm, tan dần trong miệng.

Bánh nổ không thể thiếu trong nhiều gia đình mỗi khi tết đến xuân về, nhất là với các cụ cao niên, gợi lại ký ức đồng quê, níu bước chân của những người con xa xứ trở về cố hương.

Giờ bánh nổ nếp ngự Sa Huỳnh là món quà ưa thích của khách gần xa. Vì thế, nhiều gia đình sản xuất bánh nổ nếp ngự với số lượng lớn để đáp ứng yêu cầu của thực khách.

Những ngày cận tết, làng quê Sa Huỳnh ngát hương bánh nổ lan trong gió xuân. Du khách có thể dừng xe mua vài phong bánh vừa sấy vẫn còn nóng ấm ở những hàng quán ven đường.

 

 Lát bánh nổ bình dị mang hương vị đồng quê
Lát bánh nổ bình dị mang hương vị đồng quê


Cùng với mắm nhum, mực khô, chả cá… bánh nổ nếp ngự cũng góp phần tạo nên “hương vị Sa Huỳnh” trong lòng bè bạn gần xa.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.