Bâng khuâng sắc thu Trùng Khánh ở Cao Bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mưa lũ qua đi, dấu vết còn đọng lại… Mùa hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) vẫn nao nao trong thơm thảo, ngọt bùi. Dưới tán dẻ cổ thụ, gió heo may hanh hao rung rinh từng chùm quả chín đã ngả mầu vàng cháy.

bang-khuang-sac-thu-trung-khanh-8800.webp
Sắc thu bình yên ở xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Đâu đó, ở những góc vườn, người dân vừa thu hoạch dẻ, vừa bắc nồi gang, chảo gang để luộc để rang, thưởng thức đặc sản tại chỗ. Có những du khách phương xa nhớ hẹn đã kịp lên đây, đón mùa quả trong tình cảm ấm nồng của bà con hòa niềm ưu tư phảng phất.

Trong vườn dẻ của gia đình tại xóm Bó Đa, thị trấn Trùng Khánh, cựu chiến binh Hoàng Văn Du vừa đập hạt tách khỏi lớp vỏ gai góc, vừa quay video với lời chia sẻ đầy mộc mạc: “Chỗ này làm quà gửi về Hà Nội. Ngọt bùi xin gửi về xuôi. Mình và bà con phải kiểm tra kỹ vì mưa lũ, hạt hỏng nhiều”. Thời gian qua, ông Du cùng các cựu chiến binh tỉnh Cao Bằng tất bật hỗ trợ vùng lũ, dựng lại nhà cho người dân, gần như việc thu hoạch dẻ giao lại cho gia đình. Ngước lên tán lá, thấy hầu hết dẻ trong vườn nhà ông đều được gắn biển “Cây dẻ đầu dòng”. Đó là những cây cổ thụ trăm năm tuổi, vừa là niềm tự hào, vừa chất chứa bao ký ức tuổi thơ qua từng câu chuyện đầy xúc cảm.

Ngọt bùi xin gửi về xuôi...

Huyện Trùng Khánh cách thành phố Cao Bằng gần 60 km, có loại hạt dẻ thơm bùi, ngọt hậu, bở tơi. Hằng năm, vào mùa thu, dẻ bắt đầu chín, người dân vào mùa thu hoạch, cũng là mùa du lịch rộn ràng, hạt dẻ Cao Bằng lại theo từng chuyến xe tỏa khắp mọi miền. Bao giờ cũng vậy, bà con bán, nhưng luôn chọn loại ngon nhất làm quà.

Trùng Khánh có tới hơn 250 ha diện tích trồng cây dẻ, tập trung nhiều ở thị trấn Trùng Khánh và các xã: Chí Viễn, Khâm Thành, Đàm Thủy, Đình Phong, Phong Châu, Ngọc Khê… mang lại giá trị đáng kể về thương mại và du lịch. Du khách có thể ghé vào bất cứ khu vườn nào, vừa ngắm, vừa thưởng thức hạt dẻ. Trong ẩm thực Cao Bằng, hạt dẻ mang đến nhiều hương vị cho các món ăn. Ngoài hạt dẻ luộc, nướng truyền thống, người Tày, Nùng còn chế biến các món hầm, xôi, bánh... vô cùng đặc sắc.

Huyện Trùng Khánh cách thành phố Cao Bằng gần 60 km, có loại hạt dẻ thơm bùi, ngọt hậu, bở tơi. Hằng năm, vào mùa thu, dẻ bắt đầu chín, người dân vào mùa thu hoạch, cũng là mùa du lịch rộn ràng, hạt dẻ Cao Bằng lại theo từng chuyến xe tỏa khắp mọi miền. Bao giờ cũng vậy, bà con bán, nhưng luôn chọn loại ngon nhất làm quà.

Dưới tán cây, người dân tự hào nhắc đến cây dẻ cổ thụ 120 năm tuổi ở Bản Khấy (xã Chí Viễn) được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Cây có đường kính khoảng 1,2m, cao 15m, lá rộng sum suê. Theo thống kê của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Cao Bằng có tám cây dẻ được công nhận là cây Di sản Việt Nam, trong đó có cây dẻ Bản Khấy. Từ khi cây dẻ cổ thụ này được vinh danh, du khách tham quan thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao thường đến tận nơi để chiêm ngưỡng, chụp ảnh, mua hạt dẻ về làm quà. Không chỉ mùa quả, bốn mùa cây dẻ đều có vẻ đẹp riêng.

Mùa xuân, cây ra hoa, khắp các khu vườn ngai ngái mùi hương, những chùm hoa trắng muốt lấp ló trong tán lá xanh. Mùa hè, quả xanh trông như quả chôm chôm non ngời lên sức sống. Mùa thu, khi quả đổi mầu từ xanh sang vàng cháy, bà con dùng sào tre có móc để rung cho quả rụng. Có quả tách ngay hạt, có quả phải dùng dao quắm, khúc gỗ nghiến đập nhẹ mới bung hạt. Quả dẻ chín lộ ra những đường nứt ở vỏ ngoài, trong có từ một đến ba hạt. Loại quả này thật đặc biệt, vẻ ngoài xù xì, gai góc bao bọc bên trong hương vị ngọt bùi.

Người dân cho biết, cứ vào mùa hạt dẻ, trước mỗi phiên chợ, tiểu thương sẽ tới từng vườn tìm mua. Trên thị trường, lượng hạt dẻ được giới thiệu có nguồn gốc từ Trùng Khánh nhiều ê hề, nhưng thật sự sản lượng hạt dẻ không nhiều. Lắm khi, du khách tới chậm, vườn đã hết rồi, không thể có để bán quanh năm.

Bà con tận tình hướng dẫn du khách cách phân biệt hạt dẻ Trùng Khánh: Kích thước nhỏ, không tròn đều, có lông tơ, ruột mầu hoàng yến, thơm dễ chịu và bở như ruột bánh khảo..

Các loại hạt dẻ trên thị trường thường rất to, tròn, không có lông tơ, ruột trắng và không thơm nếu không tẩm ướp nguyên liệu khác. Về giá bán, hạt dẻ Trùng Khánh cũng đắt gấp đôi. Theo các chuyên gia, do thổ nhưỡng, khí hậu nên hương vị của hạt dẻ nơi này không lẫn đâu được. Nếu mang cây dẻ Trùng Khánh đi nơi khác trồng, hương vị khác ngay.

Nói như nhà thơ người dân tộc Tày-Y Phương: Hạt dẻ Trùng Khánh ngọt thơm còn bởi tay người trồng và chăm bón. Hạt dẻ là thức quà không dành cho sự vội vàng, hấp tấp. Và bà con cũng không đặt nặng giá trị thương mại mà quên những câu chuyện có chiều sâu văn hóa, ân tình. Các chủ vườn hay nhắc hãy thong dong, chậm rãi để hạt dẻ “chín” thêm lần nữa khi ta thưởng thức.

Những ngày này, Trùng Khánh đã trời trong mây cao. Từng làn khói nhẹ trong các vườn dẻ vương vất trong vườn. “Dẻ đang hát đấy!”-câu nói của một đứa trẻ khiến du khách sững sờ. Đúng là vườn dẻ này nối nhịp vườn dẻ kia đang râm ran vào vụ. Vụ thu hoạch chỉ rộ lên ít ngày, sớm tối cứ lao xao, rì rào tiếng gió, tiếng tí tách hạt dẻ rơi như theo nhịp, như trả về cho con người muôn trùng những hạt mưa mang mầu đất mẹ. Thi thoảng, lũ gà rừng cũng thèm ăn hạt, cố mổ mãi vẫn trượt. Bao mùa, cầy hương rúc rích trèo cây, biết quả gai khó hái, dường như vẫn chờ hạt đã “rụng rốn” hoặc cùng lắm là ngửi lấy hương.

Trong sương thầm nhớ mùa vàng

Những mùa thu trước, đến Trùng Khánh, du khách mê đắm trước “biển vàng” mênh mông của lúa chín lòng thung lũng. Sắc thu phủ lên đồng lúa ánh sáng dịu dàng, biến ảo, nhất là trong khoảnh khắc bình minh và hoàng hôn. Năm nay, do ảnh hưởng của thiên tai, núi rừng còn tươi những vết thương chưa lành. Mùa thu đẫm hơi sương, huyền ảo và mộng mị. Dòng sông Quây Sơn uốn lượn như dải lụa mềm, nắng vàng như rót mật ôm lấy những cánh đồng hằn dấu vết mưa gió, úng ngập. Không gian lảng bảng khiến lòng người chùng xuống. Du khách từng yêu những “mùa vàng”, mùa vui nhưng cũng cần lắm phút giây da diết này, để sẻ chia, để thêm thấu cảm, tin yêu, biết ơn thêm đất và người miền non nước.

Như thói quen, người Tày ở thung lũng Phong Nậm vẫn làm cốm chờ du khách. Cốm dẹt hình trăng khuyết, xanh dịu dàng thoảng hương sữa gạo non, gói trong lá dong xanh, buộc cọng rơm nếp vàng bịn rịn. Người vùng cao là vậy, trong gian khó bộn bề, vẫn thơm thảo mang đến cảm giác thư thái, bình yên cho khách. Trong se lạnh hơi thu, nghe điệu Then, đàn tính thấy âm thanh lạc quan của cuộc sống đã bắt đầu trở lại. Bên từng nếp nhà, khu vườn, hồng đang mùa trĩu quả, đỏ mọng, căng bóng, lúc lỉu như những chiếc đèn lồng thắp lên ngọn lửa.

Trên địa bàn huyện Trùng Khánh, có rất nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó các di tích quốc gia: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao ở xã Đàm Thủy; Địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiên (1966-1978) ở thị trấn Trùng Khánh và Mắt thần núi ở xã Cao Chương. Bốn dân tộc: Tày, Nùng, H’Mông, Kinh cùng sinh sống và có các lễ hội lớn: Lễ hội thác Bản Giốc, lễ hội đền Hoàng Lục (xã Đình Phong); lễ hội Co Sầu (thị trấn Trùng Khánh); lễ hội Cầu mùa (xã Cao Thăng, xã Trung Phúc); lễ hội Lồng Tồng (xã Cao Chương, xã Tri Phương); lễ hội Háng Tán (thị trấn Trà Lĩnh); lễ hội Thanh minh (xã Quang Trung); lễ hội Miếu Long Vương (xã Đoài Dương)… thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, khám phá. Đây là cơ hội để huyện Trùng Khánh tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Những năm gần đây, Trùng Khánh nói riêng và Cao Bằng nói chung đang hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học; chú trọng phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, tập hợp doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức hội thảo, gặp mặt, lập kế hoạch triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch bền vững...

Các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc hữu như: Hạt dẻ, gạo nếp ong, nếp Pì Pất, vịt cỏ, thạch trắng, bánh khảo… cũng được chú trọng để tạo dấu ấn với du khách, thị trường. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa bản địa từ không gian kiến trúc, cảnh quan, ẩm thực, văn hóa dân gian, bảo vệ môi trường… được định hướng, hỗ trợ để triển khai rộng hơn, hiệu quả hơn. Các chuyên gia du lịch cho rằng, những vườn dẻ cổ thụ rất phù hợp để phát triển mô hình du lịch cộng đồng nhưng hiện tại chưa được chú trọng.

Ngành Du lịch huyện Trùng Khánh thời gian qua vẫn đang đối diện nhiều khó khăn như: Các loại hình dịch vụ chưa được đầu tư; chưa thu hút được đầu tư; công tác quản lý du lịch còn nhiều bất cập; chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; chưa xây dựng được cơ chế, chính sách để phát triển du lịch cũng như hỗ trợ nhằm thu hút nguồn đầu tư. Những khó khăn nêu trên cần sớm được khắc phục với giải pháp vừa mang tính đồng bộ, vừa tôn trọng nét đặc thù.

Ở miền đất mến khách theo kiểu “rượu cả chum, quả cả cây”, lỡ một nhịp là miên man thương nhớ. Nhưng khoảng lặng ấy càng khiến lòng người thêm khát khao, mong đợi và tìm đến nhiều hơn vào những mùa sau. Cây dẻ cũng như người Trùng Khánh, vẻ ngoài thô mộc mà sức sống thật mãnh liệt. Có nhà thơ đã viết những câu đầy rưng rưng: “Nghiêng ngả Trùng Khánh/Hạt dẻ bùi điệu hát Dá Hai/Em gái Tày ơi! Cho anh về Bản Giốc/Nước Quây Sơn trong như nước mắt/Khóc những ngày bão giông”.

Theo Bài và ảnh: MAI LỮ (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.