(GLO)- Hơn 10 năm qua, Ban Tuyên giáo Thị ủy An Khê (Gia Lai) và các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp ở thị xã đã thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết vấn đề nổi cộm trên địa bàn.
Ngày 27-4-2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 221-QĐ/TW về “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”. Thực hiện quyết định trên, Ban Thường vụ Thị ủy An Khê đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thị ủy xây dựng, ký kết chương trình phối hợp với UBND thị xã và một số cơ quan gồm: Ủy ban MTTQ Việt Nam, Công an, Bảo hiểm Xã hội thị xã; đồng thời chỉ đạo các đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình để lựa chọn nội dung phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong quá trình triển khai công tác phối hợp.
Kịp thời giải quyết bức xúc trong dân
Theo bà Nguyễn Kim Hương-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy An Khê, sau khi ký kết chương trình phối hợp với UBND thị xã, Ban Tuyên giáo Thị ủy đã có điều kiện nắm bắt khá thuận lợi và sâu sát các vấn đề liên quan đến nội dung phát triển kinh tế-xã hội, công tác quản lý nhà nước về đất đai, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các dự án quy hoạch, tình trạng ô nhiễm môi trường… cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Ban kịp thời tham mưu giúp cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.
|
Quyết định 221 của Ban Bí thư (khóa X) đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở thị xã An Khê thời gian qua. Ảnh: Mộc Trà |
“Nhờ phối hợp trong việc nắm bắt tình hình dư luận xã hội nên thị xã đã phát hiện, xử lý triệt để những vấn đề nổi cộm, bức xúc, diễn biến phức tạp và kéo dài như: việc đền bù cho người dân gần Thủy điện An Khê-Ka Nak; tình trạng ô nhiễm môi trường của các nhà máy trên địa bàn; di dời nông trại chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại xã Thành An; công tác đền bù giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông và các vấn đề an sinh xã hội khác liên quan đến người dân. Điều đó đã tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của thị xã nhiều năm qua”-bà Hương cho hay.
Gia đình ông Nguyễn Cường (tổ 8, phường An Phú) là một trong nhiều trường hợp khá hài lòng khi nhận kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của chính quyền và các ban, ngành. Tháng 6-2016, sau khi nhận được đơn kiến nghị của mẹ ông Cường là bà Lương Thị Nhị về việc xin cấp 1 lô đất ở cho gia đình tại đường Bùi Thị Xuân, UBND thị xã đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND phường An Phú kiểm tra, tham mưu giải quyết. Xét thấy vụ việc của gia đình khá phức tạp, liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai từ năm 2007 do các bên chưa thực hiện chuyển quyền sử dụng đất theo quy định; đồng thời bà Nhị lại thuộc đối tượng người có công nên thị xã đã cân nhắc lựa chọn phương án giải quyết thỏa đáng nhưng vẫn đảm bảo quy định. Năm 2018, qua nhiều lần được chính quyền tuyên truyền, vận động, hai bên đã đồng thuận tự nguyện trả phần đất đang tranh chấp cho Nhà nước. Sau đó, thị xã đã tiến hành giao lại đất (diện tích 153,5 m2) cho bà Nhị theo diện đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở theo đúng trình tự, thủ tục để bà được hỗ trợ một phần tiền sử dụng đất. “Chúng tôi rất hài lòng và phấn khởi với kết quả giải quyết của các cấp chính quyền. Gia đình đã xây dựng nhà ở và sinh sống ổn định từ đó đến nay. Qua sự việc này, tôi hiểu rằng, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định để đảm bảo tính pháp lý, tránh rắc rối về sau”-ông Cường chia sẻ.
Chung tay phát triển kinh tế-xã hội
Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã là cơ quan triển khai thực hiện tương đối hiệu quả Quyết định số 221 của Ban Bí thư. Ông Huỳnh Minh Thiện-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã-cho biết: Mặt trận và Ban Tuyên giáo Thị ủy đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện theo giai đoạn cũng như từng năm để thống nhất nội dung, định hướng tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn ở tất cả các lĩnh vực.
|
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được đông đảo người dân thị xã An Khê hưởng ứng tích cực. Ảnh: M.T |
Bên cạnh tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc trong dân, 2 cơ quan đã phối hợp triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Ngày vì người nghèo”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”... Thông qua các phong trào này đã phát huy tinh thần dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận rất lớn của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, chung tay xây dựng thị xã An Khê ngày càng giàu đẹp.
Ngoài ra, các chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Thị ủy với cơ quan Bảo hiểm Xã hội thị xã về tập trung tuyên truyền các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; giữa Ban Tuyên giáo Thị ủy với Công an thị xã trong việc đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hòa bình”, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tất cả đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện Quyết định số 221 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.
MỘC TRÀ