Bản sắc Gia Lai tại ngày hội các dân tộc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên-tinh hoa hội tụ”, Gia Lai đã góp một mảng màu đặc sắc tại Ngày hội Văn hóa-thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I diễn ra tại tỉnh Kon Tum.
Đoàn nghệ nhân Gia Lai tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn các trang phục truyền thống. Ảnh: Nguyễn Quốc

Đoàn nghệ nhân Gia Lai tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn các trang phục truyền thống. Ảnh: Nguyễn Quốc

Ngày hội diễn ra trong 3 ngày (từ 29-11 đến 1-12), thu hút khoảng 800 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên tham gia. Tỉnh Gia Lai tham gia tất cả các nội dung của ngày hội với nhiều tiết mục được chọn lọc và chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong đó, đoàn nghệ nhân Jrai xã Ia Phí (huyện Chư Păh) tái hiện lễ “Cúng giọt nước”-một trong những nghi lễ quan trọng của người Jrai.

Trong tâm thức của đồng bào Jrai, nước được xem là mạch nguồn của sự sống và phát triển của vạn vật. Cúng giọt nước trở thành nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần, là biểu tượng văn hóa độc đáo, thể hiện tính cố kết cộng đồng cùng với mục đích cầu mong thần nước phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa vụ mới thuận lợi, bội thu. Tái hiện lễ cúng giọt nước, đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai đã góp mảng màu đặc sắc trong nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Nguyên.

Đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai trình diễn cồng chiêng và tái hiện nghi lễ Cúng giọt nước tại Ngày hội. Ảnh: Nay Sắt

Đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai trình diễn cồng chiêng và tái hiện nghi lễ Cúng giọt nước tại Ngày hội. Ảnh: Nay Sắt

Trong khi đó, các nghệ nhân Bahnar của huyện Đak Đoa trình diễn kỹ thuật nghệ đan lát, đẽo tượng, chế tác đàn goong, góp sắc màu trong không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương. Nghệ nhân Ưu tú Alip không chỉ chế tác mà còn khiến bao người say đắm cùng những khúc tâm tình của đàn goong ngay trong không gian ngày hội. Không những thế, ông còn hướng dẫn tận tình cho người dân và du khách trải nghiệm “cây đàn tình yêu” của tình người Tây Nguyên.

Nghệ nhân Alip chia sẻ: “Đến với ngày hội, mình mang theo niềm tự hào về vốn quý văn hóa Bahnar. Không chỉ chế tác đàn goong, mình còn làm được nhiều loại nhạc cụ khác như t'rưng, chiêng tre, đồng thời giới thiệu đến mọi người cách làm, cách sử dụng các loại nhạc cụ này. Các nghệ nhân Gia Lai còn được Đại tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đến động viên tinh thần khiến bà con vô cùng tự hào. Ngoài công việc đồng áng, nương rẫy, bà con được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, giới thiệu văn hóa của mình khiến ai cũng vui mừng, phấn khởi”.

Tiết mục nghệ thuật đặc sắc của đoàn nghệ nhân Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Quốc

Tiết mục nghệ thuật đặc sắc của đoàn nghệ nhân Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Quốc

Đoàn nghệ nhân Gia Lai còn tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng với các tiết mục mang đậm âm hưởng dân gian dân tộc như: đơn ca “Mẹ không cho-cha không đồng ý”; song ca “Tỏ tình bên suối”, đơn ca “Chim pơ-rơ-tốc”, hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Mừng chiến thắng”.

Nghệ nhân Rah Lan Ven (huyện Chư Păh) vừa sưu tầm, biểu diễn các bài dân ca, đồng thời dàn dựng tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc cho đoàn với mong muốn giới thiệu những giá trị đặc sắc trong kho tàng văn hóa Jrai.

Anh chia sẻ: “Đoàn nghệ nhân Jrai rất vinh dự khi được tỉnh lựa chọn để tham gia ngày hội. Chúng tôi bắt tay chuẩn bị các tiết mục rất kỹ bằng tất cả trách nhiệm, tình yêu và đam mê với văn hóa truyền thống. Tất cả nghệ nhân đều cháy hết mình trong các tiết mục, mong muốn sẽ mang đến màu sắc riêng biệt. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu đến mọi người bản sắc văn hóa của người Jrai nói riêng và của tỉnh Gia Lai nói chung đến bạn bè trong khu vực”.

Nghệ nhân Gia Lai trình diễn nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Nguyễn Quốc

Nghệ nhân Gia Lai trình diễn nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Nguyễn Quốc

Nghệ nhân Rah Lan Ven cho biết thêm, đoàn Gia Lai đã tham gia cùng nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên trong đêm khai mạc đầy sắc màu văn hóa kéo dài 12 phút. “Đoàn nghệ nhân Gia Lai bắt nhịp rất nhanh với yêu cầu của Ban tổ chức, tạo nên màn trình diễn vô cùng hùng tráng, mang đậm tinh thần đại đoàn kết các dân tộc anh em. Các nghệ nhân Bahnar hay Jrai của mảnh đất Gia Lai khi khoác lên mình sắc áo thổ cẩm đều mang theo sự tự tôn, tự hào dân tộc. Dù đi bất cứ đâu, trong bất cứ không gian, thời gian, điều kiện thời tiết nào đều cháy hết mình để tôn vinh giá trị văn hóa, không chỉ ở buôn làng mà bay xa hơn đến các vùng miền trong cả nước và quốc tế”-nghệ nhân Rah Lan Ven chia sẻ trong niềm tự hào.

Ở phần trình diễn trang phục các dân tộc, Gia Lai giới thiệu các loại trang phục trong sinh hoạt hàng ngày, trong lễ cưới và lễ hội của 3 tộc người Jrai, Bahnar, Tày đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham gia các hoạt động thể thao quần chúng với các môn truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, nhảy bao bố, leo cột mỡ. Gian hàng xúc tiến du lịch của tỉnh giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch nổi bật, quà tặng văn hóa, ẩm thực truyền thống… thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu. Trong khi đó, với hơn 20 tác phẩm ảnh nghệ thuật tham gia trưng bày tại ngày hội, Gia Lai đã giới thiệu và khẳng định về một vùng đất có bề dày văn hóa, được bảo tồn và phát triển bền vững trong nhịp sống đương đại.

Tái hiện không gian sinh hoạt của người Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Quốc

Tái hiện không gian sinh hoạt của người Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Quốc

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc bày tỏ sự ấn tượng trước các hoạt động của đoàn Gia Lai: “Các nghệ nhân Gia Lai rất kỷ luật, chuyên nghiệp trong giờ giấc và các hoạt động trình diễn chung với nghệ nhân các tỉnh. Nhưng họ vẫn tạo được ấn tượng riêng, vẫn giữ được chất nghệ sĩ, chơi rất nhiệt tình, bốc lửa, biết phô diễn những gì đặc sắc nhất, đẹp nhất, quyến rũ nhất. Còn các nghệ nhân đan lát, tạc tượng, chế tác nhạc cụ thì luôn miệt mài làm việc nhưng khi có khách cần chụp hình, tìm hiểu, hay phóng viên báo, đài phỏng vấn, họ đều trả lời, giải thích rất cặn kẽ. Tất cả kỹ năng này không tự nhiên có mà họ được tỉnh Gia Lai tạo điều kiện thực hành thường xuyên thông qua các chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm”, “Sắc màu văn hóa Gia Lai” vào tối thứ bảy và sáng chủ nhật hàng tuần. Do đó, tôi cho rằng, những sự kiện như Ngày hội Văn hóa-thể thao và du lịch là dịp để đồng bào tự quảng bá, giới thiệu văn hóa của mình, nó hay và hấp dẫn vô cùng. Từ đó, họ cũng nâng cao ý thức trách nhiệm trong giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Có thể bạn quan tâm

Từ làng Ốp nghĩ về phát triển du lịch cộng đồng

Từ làng Ốp nghĩ về phát triển du lịch cộng đồng

(GLO)- Từ lâu, làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là một trong những điểm đến quen thuộc của du khách khi đặt chân đến Gia Lai. Riêng tôi, mỗi lần có dịp về lại Pleiku-nơi gắn bó trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, thế nào cũng ghé thăm ngôi làng văn hóa du lịch này cùng bao kỳ vọng.
Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 chứng kiến nắng nóng gay gắt như đổ lửa trải dài từ Bắc vào Nam, nên những bãi biển mát lạnh hay vùng núi cao ngập cây xanh trở thành ưu tiên của nhiều gia đình đi chơi dịp này với quan điểm: Du lịch là phụ, trốn nóng là chính.