(GLO)- Không ngoa khi gọi tình trạng xe quá tải là “vấn nạn”. Bởi những con đường đang ngày đêm “oằn mình” cõng trên lưng những chuyến xe gỗ, khoáng sản, nông sản nên mặt đường giờ đây không còn nguyên vẹn. Những vết thương trên mặt đường người ta không còn gọi là “ổ gà, ổ trâu” mà thay vào đó là những “ao”, những “vũng lầy”.
Chằng chịt vết thương
Ảnh: Lê Lan |
Một ngày cuối năm 2014, chúng tôi làm một hành trình trên đường tỉnh 670, đoạn từ ngã ba Trà Huỳnh (huyện Chư Pah) xuống Mang Yang. Tuyến đường này dài 40 km, được dân lái xe tải “ưa chuộng” không chỉ vì đoạn đường tắt từ Kon Tum đi thẳng xuống Quy Nhơn (tiết kiệm được khoảng 20 km) mà vì đi tuyến đường này sẽ né được lực lượng chức năng kiểm tra trên các tuyến quốc lộ 14 và 19. Nhất là khi trạm cân tại xã Chư Á (TP. Pleiku) được đưa vào hoạt động, tuyến đường trên càng bị “cày xới” bởi lưu lượng xe qua lại khá đông, chủ yếu là xe chở mì, chở cát từ Kon Tum xuống và xe chở hàng từ Cảng Quy Nhơn lên.
Anh Lê Tiến Toàn (làng Tuyết, xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Pah) cho biết: “Trước đây khi đường mới làm ai cũng mừng vì sạch, đẹp nhưng niềm vui đó chẳng được bao lâu thì xe tải đi lại nhiều khiến nhiều đoạn hư hỏng nặng, có đoạn bị cày nát”. Còn chủ tiệm tạp hóa Trâm Anh ở ngã ba Trà Huỳnh (làng Tơ Vơn, xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) thì cho hay: Chỉ vài hôm nữa là đến mùa mì. Lúc đó xe tải chạy như “bươm bướm”, xe nào cũng chất đầy, cao ngất; ngay cả xe ba chân, xe cát 50 tấn cũng chạy đường này. Đợt trước xe chở mía chạy quá trời. Đôi lúc cũng thấy lực lượng chức năng chặn lại nhưng rồi đâu cũng vào đấy, xe quá tải vẫn chạy như “cơm bữa”.
Được biết, đường tỉnh 670 mới được đầu tư nâng cấp láng nhựa với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ADB. Vậy nhưng, sau hơn 2 năm sử dụng (từ năm 2012 đến nay) tuyến đường này đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, nhiều đoạn hư hỏng kéo dài gây khó khăn cho người dân đi lại. Và đây cũng chỉ là một trong những tuyến đường “nát” vì xe quá tải, quá khổ. Hiện toàn tỉnh có rất nhiều tuyến đường bị hư hỏng như đường tỉnh 664, một số đoạn trên các tuyến quốc lộ 19, 14…
Những hệ lụy
Về khách quan, chúng ta không thể đổ lỗi hết cho nạn xe quá tải làm hư đường vì có nhiều nguyên nhân như chất lượng đường, điều kiện thời tiết nhưng rõ ràng một sự thật là, xe quá tải giống như những “hung thần” cày nát những con đường, biến nó thành những cung đường gian nan mà khi nhắc đến ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm.
Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ hãng xe khách Hồng Hải than vãn: Hãng có 20 chiếc chạy tuyến Pleiku-TP. Hồ Chí Minh và tuyến Pleiku-Đà Nẵng. Cả 2 tuyến đường hiện nay rất khó đi, nhất là tuyến TP. Pleiku đi Đà Nẵng (quốc lộ 1) nhiều đoạn bị đào bới như những hố sâu rất nguy hiểm. Đường xấu không chỉ ảnh hưởng việc đi lại, làm chậm hành trình mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu trước đây một chiếc lốp có thể sử dụng chạy khoảng 40.000 km thì nay vòng đời của chiếc lốp giảm lại, nếu chẳng may bị đá chém phải thì phải thay nguyên chiếc lốp mới (giá một chiếc lốp hiện tại là 9 triệu đồng), đó là chưa kể đường xấu làm tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn, cả khách và tài xế đi cũng mệt mỏi hơn…
Xe quá tải cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên nhiều vụ tai nạn thương tâm. Phân tích của các chuyên gia cho thấy khi xe chở quá tải, sức nặng và chiều cao của hàng hóa khiến cho xe hay lật khi đi qua những khúc cua; quãng đường phanh tăng lên ngoài dự đoán của lái xe; không thể thắng lại trong trường hợp đột xuất... Vì thế, khi xe chở hàng quá tải xác suất xảy ra tai nạn giao thông sẽ cao hơn.
Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh thì tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến quốc lộ chiếm đến 45%, trong đó tai nạn xảy ra giữa xe tải và các loại phương tiện khác chiếm tỷ lệ không nhỏ và theo thống kê phân tích của Công an tỉnh thì nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông có đến 94,5% do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông như điều khiển phương tiện chạy lấn đường, vi phạm tốc độ, không chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định…
Lê Lan