Bài 1: “Bình mới rượu cũ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 6 năm thực hiện sắp xếp đổi mới các lâm trường quốc doanh thành Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) theo tinh thần Nghị định 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay toàn tỉnh đã chuyển đổi 11 lâm trường thành Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp; 4 Lâm trường thành BQLRPH hoạt động theo hướng sản xuất kinh doanh và đơn vị sự nghiệp có thu.

Tuy nhiên, xét về cơ chế hoạt động của các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp, BQLRPH hiện vẫn không mấy khả thi.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Cụ thể hóa Quyết định 115/2006/ QĐ-TTg ngày 26-5-2006 của Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới nông-lâm trường quốc doanh trên toàn quốc, Gia Lai đã sắp xếp chuyển đổi 11 lâm trường quốc doanh thành 11 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và 4 lâm trường còn lại thành BQLRPH. Nhiệm vụ của các đơn vị này là trồng, chăm sóc rừng trồng, quản lý bảo vệ và phát triển rừng; khai thác, chế biến và tiêu thụ lâm sản.

Theo đó, 11 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp được giao quản lý 134.496 ha đất rừng sản xuất; trong đó rừng tự nhiên chiếm 113.133 ha, rừng trồng 4.285 ha, còn lại rừng phòng hộ. Tên gọi mới, nhiệm vụ mới, song thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Nguyên nhân theo ông Nguyễn Văn Cậy- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Chiêng-do một số cơ chế chính sách quản lý bảo vệ rừng chưa sát với thực tế hiện nay, nhất là về tài chính. Việc chuyển đổi các lâm trường sang Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp chỉ là hình thức, chưa có địa vị pháp lý rõ ràng. Tên gọi mới nhưng tiềm lực tài chính rất yếu, kinh phí hạn hẹp, tính tự chủ chưa cao. Hoạt động của Công ty vẫn theo hướng nửa kinh doanh nửa công ích và cung cách hoạt động không khác gì so với trước khi chuyển đổi. Vì vậy, dù mang tên gọi mới song thực tế chỉ là “bình mới… rượu cũ”.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Nông Văn Tưởng- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak cho biết: Công ty đang quản lý bảo vệ 8.000 ha rừng; trong đó rừng trồng 470 ha, 4.000 ha rừng tự nhiên, trung bình khoảng 1.000 ha rừng giàu còn lại rừng nghèo. Hoạt động của Công ty hiện nay chỉ là bảo vệ, trồng, chăm sóc và khai thác theo chỉ tiêu hàng năm, còn các hoạt động kinh doanh từ diện tích rừng được giao lại không có. Mong muốn của Công ty là xây dựng phương án sản xuất kinh doanh bền vững theo hướng có kinh doanh gỗ rừng tự nhiên, rừng trồng, làm cây dược liệu, mây nước… để nâng hiệu quả hoạt động của Công ty nhưng không thực hiện được.

Với lý do trên, hơn 6 năm chính thức mang tên gọi Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp nhưng hoạt động của hầu hết các công ty đều gặp khó khăn; tiến độ thực hiện sắp xếp đổi mới nông-lâm trường chậm và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tồn tại xuất phát từ việc thể chế hóa các văn bản hướng dẫn thực hiện sắp xếp, đổi mới các nông-lâm trường quốc doanh của cơ quan chức năng chậm, thiếu sự đồng bộ, dẫn đến các đơn vị lúng túng trong xây dựng phương án; thậm chí là phương án xây dựng không đúng nội dung, yêu cầu và tiêu chí quy định phải chỉnh sửa nhiều lần.

Các cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh nhưng phải đảm nhận một phần chức năng an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh cũng là điểm khó trong hoạt động của Công ty. Các công ty chưa chủ động liên doanh, liên kết góp vốn trồng rừng kinh tế. Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế quản lý đất đai và tài nguyên chưa rõ ràng. Đơn cử, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất sản xuất được giao là yêu cầu pháp lý quan trọng để các công ty triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh; song đến nay mới có 4 Công ty  TNHH một thành viên Lâm nghiệp: Sơ Pai, Ka Nat, Lơ Ku, Krông Pa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 7 Công ty còn lại đang chờ xem xét.

Bước vào hoạt động với tên gọi là Công ty, song những tồn tại từ thời Lâm trường vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết rốt ráo. Nguồn vốn các lâm trường đầu tư lưới điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế… đã bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng, đến nay vẫn chưa được thanh toán để đơn vị trả nợ vay. Việc khai thác gỗ và lâm sản của các công ty lâm nghiệp hiện tại vẫn do Nhà nước quyết định về chỉ tiêu, giá bán gỗ và tiêu thụ gỗ. Kinh phí hạn hẹp cũng là bài toán khó để nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp.

Trong điều kiện các công ty không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, việc bổ sung vốn theo nhu cầu sau khi chuyển đổi là hết sức cần thiết, nhưng hầu hết các công ty chưa được cấp bổ sung vốn. Hạn chế kinh phí cũng là nguyên nhân kéo dài phần việc cắm mốc, quy hoạch lại đất đai của các công ty, mà hệ quả là thiếu căn cứ để triển khai các phương án khoán sử dụng đất sản xuất theo Quyết định 135 của Chính phủ, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp chưa phát huy được hiệu quả hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 28/TW của Bộ Chính trị.

Nguyễn Diệp-Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.