Áp lực trong quản lý và thu hồi nợ đến hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Song song với mục tiêu tăng trưởng tín dụng chương trình học sinh-sinh viên (HSSV) 15%/năm, phấn đấu nâng mức tổng dư nợ đạt 900 tỷ đồng vào năm 2017 thì áp lực quản lý và thu hồi nợ đến hạn càng tăng cao khi chương trình đang bước vào năm thứ 6. Chỉ riêng số dư nợ HSSV đến hạn phải thu trong năm 2013 là 76,530 tỷ đồng, tuy nhiên, công tác thu nợ theo phân kỳ hiện nay lại đạt tỷ lệ rất thấp-26%...

Có thể khẳng định rằng, chương trình cho vay HSSV do Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách lớn, quan trọng và mang tính xã hội nhân văn sâu sắc. Sức lan tỏa rộng rãi của chương trình mang đến niềm hy vọng và cơ hội thay đổi cuộc sống tương lai cho những gia đình HSSV nghèo hiếu học từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

 

Khách hàng đóng tiền lãi từ chương trình HSSV tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Đoa. Ảnh: S.C
Khách hàng đóng tiền lãi từ chương trình HSSV tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Đoa. Ảnh: S.C

Với mục tiêu không để một HSSV nào đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí, chương trình thực sự là nguồn tài chính hỗ trợ cho mục tiêu chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước.

Chỉ riêng trong 5 năm đầu thực hiện (2007-2012), chương trình đã đạt quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch, tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, đáp ứng được xu hướng xã hội hóa giáo dục và nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Trên địa bàn Gia Lai, doanh số cho vay của chương trình tính đến cuối tháng 8-2012 đạt 606,913 tỷ đồng. Tổng dư nợ HSSV đến cuối tháng 8-2012 đạt 552,379 tỷ đồng, tăng 548,695 tỷ đồng so với trước thời điểm thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, với 26.047 hộ dư nợ và 31.921 HSSV được hưởng lợi từ chương trình. Trong đó, dư nợ hộ dân tộc thiểu số là 38,907 tỷ đồng với 2.287 hộ, chiếm tỷ lệ 7% tổng dư nợ và 8,8% số hộ vay vốn.

Qua gần 6 năm triển khai chương trình HSSV, bên cạnh hiệu quả kinh tế-xã hội mà chương trình mang lại cho đối tượng vay thì Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là  công tác quản lý, thu hồi nợ vay.

 

Theo kết quả khảo sát, phân tích từ phía Ngân hàng, dư nợ cho vay HSSV học đại học chiếm tỷ lệ cao nhất là 39,5%. Kế tiếp là HSSV học cao đẳng 36,2%; học trung cấp chiếm 24,1%. Thấp nhất là HSSV học nghề dưới 1 năm chiếm tỷ lệ 0,2%. Đã có 19.800/31.921 HSSV tốt nghiệp ra trường và 84,7% trong số đó có việc làm ổn định. Tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ dư nợ chương trình này là 582,731 tỷ đồng, với 26.511 hộ dư nợ. So với đầu tháng 8-2013, tỷ lệ dư nợ giảm 4,126 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do nguồn vốn thu nợ quay vòng chưa cho vay mới. Trong tháng 9 này, phía Ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân cho HSSV học kỳ I năm học 2013-2014 vay 35,012 tỷ đồng.

Để nâng cao hiệu quả quản lý đồng vốn, ngân hàng đã chuyển phương thức cho HSSV vay trực tiếp sang cho vay hộ gia đình, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Công thương ký kết thỏa thuận hợp tác cho vay và phát hành thẻ đồng thương hiệu... Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, đa phần các hộ vay vốn quan tâm, tự giác trả nợ trước hạn, trả lãi vay hàng tháng theo đúng thỏa thuận với Ngân hàng, doanh số thu nợ trong 5 năm (2007-2012) đạt 58,115 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi nợ quá hạn cũng được ngân hàng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các hội-đoàn thể nhận ủy thác, qua 5 năm đã thu hồi được 5,558 tỷ đồng nợ quá hạn. Ở giai đoạn hiện nay, áp lực thu hồi nợ chương trình cho HSSV vay vốn đang là mối quan tâm hàng đầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, bởi dư nợ đến hạn năm 2013 lên tới 76,530 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 8 tháng qua toàn tỉnh chỉ mới thu về 19,059 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 26%. Trong khi đó, tỷ lệ HSSV tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm rất thấp, nợ quá hạn có xu hướng tăng cao ở một số địa phương, nhiều hộ gia đình thiếu ý thức trong việc trả nợ, trả lãi, vẫn còn tâm lý ỷ lại vào cơ chế chính sách của Nhà nước. Mặt khác, việc bình xét cho vay không chặt chẽ ngay từ đầu và công tác phối hợp quản lý, giám sát của các cấp, các ngành, đoàn thể chưa đạt hiệu quả như mong đợi...   

Để nâng cao chất lượng chương trình HSSV, phấn đấu thực hiện mục tiêu doanh số thu nợ đến cuối năm đạt 50-70% nợ đến hạn, theo quan điểm của bà Siu Thị Nữ Hạnh-Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, cần nghiêm túc chấn chỉnh lại công tác cho vay ngay từ khâu rà soát, bình chọn đối tượng vay ở cấp cơ sở nhằm đảm bảo cho vay đúng đối tượng.

Về phía Ngân hàng đã có văn bản yêu cầu các phòng giao dịch trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm của hộ vay trong việc trả nợ đến hạn, chế độ miễn-giảm lãi tiền vay đối với trường hợp trả nợ trước hạn; phối hợp với các hội-đoàn thể bám sát kế hoạch trả nợ, kiên quyết thu hồi tạo nguồn vốn cho vay mới, giảm áp lực vào kỳ hạn cuối cùng, hạn chế nợ quá hạn phát sinh. Đối với các khoản nợ quá hạn, HSSV ra trường có việc làm, gia đình có điều kiện nhưng cố tình không trả nợ thì phòng giao dịch gửi thông báo đến nơi làm việc hoặc lập hồ sơ khởi kiện...  

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.