Được sự giới thiệu của Hội nông dân xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) về những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao chúng tôi đến thăm trang trại 200m2 bể lót bạt nuôi ốc nhồi của anh Lê Anh Hòa.
Theo anh Hòa cho hay: Trước đây, nhà có khu vườn rợp bóng tre không canh tác cây trồng được, nhận thấy mô hình nuôi ốc nhồi ít bệnh tật và cho kinh tế ổn định, anh học tập được kiểu nuôi này thực tế từ sách báo và tham quan thực tế các mô hình nuôi ốc nhồi các tỉnh miền Nam.
Anh Lê Anh Hòa (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) kiểm tra ốc nhồi nuôi trong bể lót bạt. |
Anh Hòa nhận thấy, nuôi ốc nhồi trong bể lót bạt dễ theo dõi và bảo quản. Do đó, đầu năm 2022, anh đầu tư xây dựng ao nuôi, dùng tre làm nẹp xung quanh và lót bạt chiều rộng mỗi ao 12m, chiều dài 15m, cao 60cm, mực nước từ đáy lên từ 35-40cm.
Đây là lứa ốc nhồi thứ 2 được nuôi theo hình thức trong ao, bể. Mỗi lứa anh nuôi khoảng 59.000 con ốc nhồi giống. Anh Hòa nhận thấy nuôi ốc nhồi trong bể ít thất thoát và dễ kiểm soát bệnh tật.
Sau thời gian nuôi 120 ngày của lứa đầu tiên thì ốc nhồi đạt khối lượng bình quân 30-33 con/kg. Với giá ốc nhồi thương phẩm là 80.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, mỗi lứa ốc anh còn lãi được hơn 25-30 triệu đồng/lứa.
Anh Lê Anh Hòa cũng cho hay mỗi năm có thể nuôi 2 lứa ốc nhồi theo kiểu nuôi trong ao bể lót bạt như thế này.
Theo Hội Nông dân huyện Phú Hòa nhận thấy mô hình nuôi ốc nhồi theo hình thức trong bể bạt có hiệu quả kinh tế mà góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Mô hình nuôi ốc nhồi này còn hình thức nuôi khép kín nên dễ dàng kiểm soát được bệnh tật, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sắp tới Hội Nông dân sẽ có chính sách khuyến khích người dân nuôi ốc nhồi theo hình thức này tận dụng những vùng đất trồng cây kém hiệu quả, thu nhập thấp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nâng cao thu nhập cho hộ dân, đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi của huyện nhà.
Theo Đào Tấn Nhiệm (Dân Việt/Trạm KN huyện Phú Hòa/TTKN Phú Yên)