An Khê: Hiệu quả khám-chữa bệnh bằng y học cổ truyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, ngành Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều phương pháp khám-chữa bệnh bằng y học cổ truyền mang lại hiệu quả cao trong điều trị, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Từ đầu năm đến nay, Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế thị xã An Khê) tiếp nhận khoảng 1.860 lượt bệnh nhân tới khám và 344 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Hàng ngày, tại 11 Trạm Y tế xã, phường và 5 nhà thuốc Đông y trên địa bàn thị xã cũng có hàng chục lượt bệnh nhân đến khám-chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.
Theo bà Mai Thị Thảo-Trạm trưởng Trạm Y tế phường An Tân, mỗi ngày, trạm tiếp nhận 5 bệnh nhân đến khám và điều trị bằng phương pháp Đông y, chủ yếu là đau khớp, đau đầu, cảm cúm... “Vườn thuốc Nam của trạm trồng khoảng 45 loại cây dược liệu như: đinh lăng, hồng ngọc, ngải cứu, đại bi, lạc tiên, sả... Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, chúng tôi thường thu hái, sơ chế để cấp cho bệnh nhân, kèm theo hướng dẫn sử dụng các loại thảo dược kết hợp với thuốc Đông y dạng viên”-bà Thảo cho biết.
Hơn 3 năm qua, mỗi khi trái gió trở trời, bệnh thoái hóa khớp gối lại tái phát khiến ông Lê Hồng Trung (tổ 3, phường An Tân) đau nhức, đi lại khó khăn. Mỗi lần như vậy, ông đến Trạm Y tế phường điều trị bằng phương pháp Đông y. Ông cho hay: “Bác sĩ cho tôi thuốc mang về uống kết hợp với dùng lá lốt đặt vào lòng bàn chân, khoảng 5 ngày là đi lại bình thường. Ngoài ra, thông qua vườn thuốc Nam mà tôi biết thêm công dụng của một số thảo dược áp dụng vào đời sống rất hiệu quả”.
Bác sĩ Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế thị xã An Khê) hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc Đông y. Ảnh: Ngọc Minh
Bác sĩ Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế thị xã An Khê) hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc Đông y. Ảnh: Ngọc Minh
Trong khi đó, hơn 1 năm qua, anh Nguyễn Ngọc An (thôn An Phong, xã Phú An, huyện Đak Pơ) đi nhiều nơi để chữa bệnh thoái hóa đốt sống lưng nhưng vẫn không thuyên giảm. Được bạn bè giới thiệu, anh An đến Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế thị xã An Khê) chữa trị. “Các bác sĩ vừa châm cứu vừa cho thuốc Nam dạng viên để uống. Điều trị được 4 ngày thì tôi thấy trong người khỏe hẳn và có thể bưng bê vật nặng”-anh An phấn chấn nói.
Bác sĩ Cống Thanh Thảo-Phó Trưởng khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng-cho biết: Khoa có 1 lương y, 2 bác sĩ chuyên về y học cổ truyền và 2 kỹ thuật viên vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Khoa được trang bị máy châm cứu điện, đèn hồng ngoại, máy kéo dãn cột sống, máy sóng ngắn, máy điện từ và các loại thuốc thành phẩm y học cổ truyền, đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của người dân. “Chúng tôi thường phối hợp với các khoa để điều trị một số bệnh như: đau xương, cơ khớp, đau thần kinh tọa, bí tiểu sau sinh bằng phương pháp châm cứu. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các khoa điều trị bệnh cứng khớp, phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não, mãn tính...”-bác sĩ Thảo thông tin.
Thuốc Đông y dạng viện được Trạm Y tế phường An Tân, thị xã An Khê sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Minh
Thuốc Đông y dạng viên được Trạm Y tế phường An Tân (thị xã An Khê) sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Minh
Còn lương y Đường Quang Vũ-chủ nhà thuốc Đông y Phổ Lợi (phường An Phú) thì chia sẻ: “Gần 30 năm qua, kế thừa, phát huy các bài thuốc quý và khám-chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền, nhà thuốc đã tạo được sự tin tưởng của người dân. Hàng ngày, có khoảng 15-20 lượt người đến khám bệnh, bốc thuốc. Bên cạnh sử dụng các loại dược liệu, chúng tôi còn bào chế một số loại thuốc dạng viên, giúp việc điều trị bệnh cho bà con hiệu quả hơn”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Lại-Chủ tịch Hội Đông y thị xã An Khê-cho biết: Hội có 22 hội viên là cán bộ Trạm Y tế, Trung tâm Y tế và lương y các nhà thuốc Đông y. Những năm qua, việc kết hợp Đông-Tây y trong công tác khám-chữa bệnh đã phát huy hiệu quả nguồn dược liệu địa phương và kế thừa tinh hoa y học cổ truyền, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân. “Thời gian tới, cùng với việc tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc Nam để điều trị các bệnh thông thường, chúng tôi sẽ triển khai một số phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. Đồng thời, duy trì và phát triển vườn thuốc Nam tại các trạm y tế để giới thiệu tới người dân biết cũng như hướng dẫn bà con cách sử dụng đối với một số bệnh thông thường. Bên cạnh đó, Hội sẽ vận động hội viên sưu tầm những bài thuốc mới áp dụng vào điều trị”-ông Lại nhấn mạnh.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm