Đoạt giải nhất kỳ thi viết luận của The Harvard Crimson, một tờ báo sinh viên 150 tuổi của ĐH Harvard (Mỹ), nữ sinh 15 tuổi đã nhận được phần thưởng là một khóa thực tập đặc biệt ngay tại tờ báo nằm bên trong ngôi trường danh tiếng này.
ĐOẠT GIẢI NHẤT NHỜ TRANH BIỆN VỀ CHỦ ĐỀ "MANG THAI HỘ"
Nguyễn Thị Hải Ngọc (lớp 10 Trường Quốc tế Úc, TP.HCM) đã khiến nhiều người sửng sốt khi mới 15 tuổi đã chọn viết bài luận về một đề tài "nặng ký" tham gia cuộc thi của The Harvard Crimson, một tờ báo sinh viên danh tiếng có tuổi đời 150 năm thuộc Trường ĐH Harvard. Tờ báo này từng là nơi làm việc của các tổng thống John F.Kennedy, Franklin D.Roosevelt, Barack Obama, tỉ phú công nghệ Steve Ballmer, Jeff Zucker... khi còn là sinh viên.
Hải Ngọc trong khuôn viên ĐH Harvard |
Ngọc đã trải qua 2 vòng thi và vượt qua 5.000 thí sinh khác trên toàn thế giới để giành giải nhất với phần thưởng là tiền mặt, các khóa học và một khóa thực tập đặc biệt tại Mỹ.
Được biết, cuộc thi viết luận Harvard Crimson Global Essay Competition do báo The Harvard Crimson tổ chức hằng năm, nhằm tạo sân chơi cho học sinh từ 14 - 18 tuổi trên toàn thế giới có đam mê viết lách và muốn thử sức trước khi tham gia ứng tuyển vào các trường đại học nước ngoài.
Năm 2023, cuộc thi mở ra vào tháng 2. Các thí sinh chọn một trong 3 thể loại để viết gồm creative (viết sáng tạo), journalism (viết báo chí) và argumentative (viết tranh biện). Trong mỗi thể loại, thí sinh sẽ được lựa chọn một trong 3 đề tài mà ban tổ chức đưa ra.
"Vào thời điểm đó, ở trường, em đang được học viết bài nghiên cứu. Em phát hiện thế mạnh của mình là lập luận, phản biện. Chính vì vậy em chọn thể loại viết tranh biện và chọn chủ đề về mang thai hộ, vì 2 chủ đề còn lại là bàn về độ tuổi bầu cử và công nghệ chỉnh sửa gien, em cảm thấy không thiết thực bằng", Ngọc cho hay.
Cụ thể, ban giám khảo yêu cầu như sau: "Vào năm 2050, một nửa số lượng trẻ em ra đời ở các nước phát triển là thông qua hình thức mang thai hộ. Đây là một điều nên được khuyến khích. Bạn đồng ý hay không đồng ý?".
Ở vòng đầu, Ngọc có 10 ngày để viết. Trong thời gian này, Ngọc đã lên mạng tìm kiếm thông tin, tư liệu ở những trường đại học, viện nghiên cứu lớn cũng như các tờ báo chính thống của nước ngoài để nghiên cứu. Với khối lượng dữ liệu đồ sộ nhưng chỉ được viết vỏn vẹn 500 từ, Ngọc phải tư duy để chọn ra khía cạnh quan trọng và khác biệt nhất để tranh biện. Cuối cùng, Ngọc tập trung vào những tác động, ảnh hưởng của việc mang thai hộ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người phụ nữ.
Ngọc là một trong 60 thí sinh được chọn ra từ khoảng 5.000 thí sinh để đi tiếp vòng 2. Ở vòng này cô có 1 tuần để viết với số lượng 1.200 từ, phát triển từ bài luận ở vòng 1. Ngọc đã đặt một cái tít ấn tượng cho bài luận của mình là "The Market of Maternal Love? - A world of surrogacy and exploitation" (Thị trường tình mẫu tử - Một thế giới mang thai hộ và bóc lột).
Ngọc viết: "Có bao nhiêu người có thể thực sự thông cảm với nỗi tuyệt vọng và nỗi đau mà những phụ nữ gặp vấn đề về sinh sản phải trải qua? Mang thai hộ là một giải pháp cho những phụ nữ này. Nhưng, như nhiều người lo sợ, sự phát triển của việc mang thai hộ chỉ đánh dấu sự gia tăng của một xu hướng bi thảm trong việc bóc lột phụ nữ 42 năm sau khi tôi sinh ra vào năm 2008".
Ngọc lập luận nếu 50% ca sinh ở các nước phát triển diễn ra nhờ mang thai hộ, chúng ta phải đặt câu hỏi liệu người mang thai hộ có trở thành công cụ về mặt thương mại hay không, và thậm chí liệu một "thị trường buôn bán" tình mẫu tử có xuất hiện hay không? Ở quy mô này, theo Ngọc, những người mang thai hộ ở các nước đang phát triển sẽ bị bóc lột một cách tàn nhẫn khi những phụ nữ kém may mắn và mù chữ cố gắng đạt được mức lương bằng 10 năm chỉ trong một lần mang thai. Và Ngọc cho rằng những người phụ nữ mang thai hộ cũng sẽ gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe như thể chất suy yếu hoặc gặp những rối loạn về tâm lý như căng thẳng, trầm cảm sau sinh...
Bài luận của Ngọc đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với ban giám khảo và được chấm tổng điểm 78/80. Ngọc và 2 thí sinh đoạt giải nhất ở thể loại viết sáng tạo và viết báo chí cùng được nhận phần thưởng là khóa thực tập tại tờ báo này.
THỰC TẬP Ở PHÒNG KINH DOANH
Ngọc đã có 3 tuần thực tập online từ tháng 6. Vào đầu tháng 7, cô mới cùng mẹ bay sang Mỹ để thực tập trực tiếp trong vòng 3 tuần.
Ở đây, thực tập sinh sẽ được chọn một trong 2 phòng để làm việc, đó là phòng kinh doanh và phòng nội dung. Vốn yêu thích kinh doanh, kinh tế nên Ngọc đã chọn phòng kinh doanh.
Hải Ngọc (bìa trái) trong ngày đầu đến tòa soạn báo The Harvard Crimson và được gặp gỡ, giao lưu cùng tân Hiệu trưởng ĐH Harvard (đeo kính, giữa) |
Theo Hải Ngọc, mặc dù The Harvard Crimson là tờ báo thuộc ĐH Harvard nhưng không nhận bất cứ một khoản kinh phí nào từ trường, nên mọi hoạt động đều là tự thu tự chi. Vì thế, doanh thu của báo cũng đến từ nhiều nguồn khác nhau trong đó có nguồn quảng cáo và những người làm việc ở phòng kinh doanh sẽ đảm nhận việc thu hút quảng cáo từ doanh nghiệp.
"Công việc của em là thu thập dữ liệu của các doanh nghiệp gồm email, số điện thoại, lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm... và cung cấp cho tòa soạn. Sau đó, em sẽ là người trực tiếp gửi email cho các doanh nghiệp với nội dung mời doanh nghiệp tham gia quảng cáo hoặc tham gia các chương trình tài trợ ở những mục phù hợp với lĩnh vực hoạt động của họ. Ngoài ra, em còn làm một số công việc khác như làm slide, tham gia soạn lịch trình cho một số dự án của báo...", Hải Ngọc chia sẻ.
MONG CÓ CƠ HỘI TRỞ LẠI
3 tuần thực tập ngắn ngủi đã trôi qua. Ngày cuối cùng chia tay tờ báo The Harvard Crimson, Ngọc cho biết mỗi người đều có một bức thư tay gửi cho các thực tập sinh. "Trong thư, các anh chị đã khen ngợi, động viên, khích lệ em vì em nhỏ tuổi nhất mà được đến đây thực tập và hoàn thành tốt các công việc được giao. Sau khi ăn bánh, chụp ảnh kỷ niệm, em không kìm được cảm xúc khi sắp phải xa mọi người nên đã bật khóc. Mọi người đã cho em cảm giác em là một thành viên của tờ báo ấy chứ không phải là một cô bé thực tập", Ngọc rưng rưng kể.
"Em đã được trải nghiệm môi trường giáo dục, không gian làm việc ở một ngôi trường nổi tiếng của Mỹ, nhận ra sự khác biệt về văn hóa, về giao tiếp, cách làm việc cũng như cách ứng xử trong các mối quan hệ. Chưa kể được thực tập ở báo The Harvard Crimson đã giúp em học hỏi được những kiến thức và kỹ năng quý giá từ rất nhiều người giỏi ở các quốc gia khác nhau", Ngọc nói.
Nữ sinh này đang đặt mục tiêu giành học bổng du học Mỹ để có cơ hội tới thăm lại tòa soạn báo The Harvard Crimson và khám phá thêm những điều mới mẻ của thế giới này.