10 xu hướng tác động tới doanh nghiệp lữ hành năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngành Du lịch toàn cầu đã có một năm 2021 học cách thích ứng với đại dịch Covid-19 kéo dài. Dịch bệnh sẽ vẫn có những biến đổi khó lường và trong năm 2022, các doanh nghiệp lữ hành được cho là sẽ chịu sự tác động của 10 xu hướng dưới đây. 

Các địa điểm ngoài trời có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thấp sẽ vẫn được ưa chuộng trong năm 2022. Ảnh minh họa: CTV
Các địa điểm ngoài trời có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thấp sẽ vẫn được ưa chuộng trong năm 2022. Ảnh minh họa: CTV
1. Giữ khoảng cách khi đi du lịch
Ngay cả khi nhiều chính phủ dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế vào năm 2022, sẽ phải mất một thời gian để mọi người cảm thấy thoải mái khi ở trên những con phố đông đúc hoặc điểm tham quan, trên phương tiện giao thông công cộng hoặc thậm chí chỉ trong thang máy với nhiều hơn một vài người.
Đại dịch Covid-19 vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2022 và tỷ lệ bao phủ vaccine cũng như các quy trình bảo đảm an toàn sẽ khác nhau giữa các nước. Do đó, du khách luôn muốn bảo đảm việc giữ khoảng cách giữa họ và các du khách khác nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến hoạt động thăm thú tại điểm đến.
Nắm bắt được điều này, các doanh nghiệp lữ hành sẽ cần lưu ý tới cách thức di chuyển tại điểm đến của du khách. Thí dụ, trong điều kiện hiện tại, việc thuê xe cá nhân để sử dụng có phải là lựa chọn tối ưu hơn so với việc phụ thuộc vào các phương tiện công cộng hay không? Ngoài ra, các điểm thăm quan có trong chương trình du lịch cũng rất quan trọng. Vì thế, công ty lữ hành có thể tập trung vào các điểm tham quan ngoài trời, nơi có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thấp hơn, hoặc bao gồm các hoạt động ít tập trung đông người.  
2. Nhu cầu "bong bóng du lịch" gia tăng
Vào năm 2022, nhiều người vẫn sẽ lựa chọn “bong bóng du lịch” thông qua việc giảm thiểu hoặc thậm chí tạm ngưng tương tác với nhiều người lạ tại điểm đến để tối thiểu hóa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, những điểm đến ít người biết đến và lưu giữ vẻ đẹp hoang sơ có thể thu hút nhiều người. Để thích ứng với những thay đổi này, doanh nghiệp có thể tạo ra những tour du lịch ít người hơn và các thành viên trong đoàn đều quen biết nhau. Đối với dịch vụ lưu trú, thay vì ở trong một khách sạn, du khách có nhu cầu lưu trú tại những cơ sở lưu trú tự phục vụ (self-contained accommodation). Nắm bắt được điều này, doanh nghiệp lữ hành có thể thiết lập hoặc bổ sung thêm dịch vụ đón và trả khách tới nơi lưu trú riêng biệt một cách linh hoạt.

Du lịch tự túc sẽ vẫn là xu thế trong đại dịch. Ảnh: CTV
Du lịch tự túc sẽ vẫn là xu thế trong đại dịch. Ảnh: CTV
3. Triển vọng từ nhóm khách du lịch tự túc (FIT)
Khách du lịch tự túc (FIT - free independent travellers) luôn tìm kiếm những trải nghiệm theo cách của riêng họ và thường tránh xa các các hình thức tour trọn gói, đoàn khách du lịch và du lịch đại chúng (mass tourism). Với sự đa dạng từ thế hệ Gen Z, Millennials đến những người đã về hưu và sống độc lập với con cái, nhóm khách FIT mong muốn tự lên kế hoạch cho chuyến đi, lịch trình trải nghiệm và làm những điều phù hợp với đam mê và thế giới riêng của họ.
Trong đại dịch, nhiều du khách và đặc biệt là du khách FIT sẽ có mối quan tâm lớn tới nguồn thông tin mà họ có thể tiếp cận. Do đó, một trang web chính thức và hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp lữ hành định vị thương hiệu của mình như một cơ quan có thẩm quyền chuyên cung cấp thông tin chính thống và đáng tin cậy về những điểm đến và hoạt động du lịch cho du khách. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể cung cấp các dịch vụ như lên kế hoạch chuyến đi, tư vấn điểm đến và hoạt động du lịch phù hợp với nhu cầu đặc thù của nhóm khách FIT. Những dịch vụ trên sẽ giúp du khách yên tâm hơn khi biết họ đã nhận lời tư vấn từ doanh nghiệp lữ hành có chuyên môn sâu về điểm đến và hoạt động du lịch.
4. Giữ kết nối xuyên suốt chuyến du lịch
Trong bối cảnh đại dịch, mọi điều bất ngờ có thể xảy ra và mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng mà không được báo trước; do đó trong quá trình du lịch, du khách sẽ nâng cao tinh thần cảnh giác của mình. Điều này đỏi hỏi doanh nghiệp cần hỗ trợ du khách nắm bắt kịp thời các thay đổi có thể ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của họ. Du khách sẽ đánh giá cao bất kỳ thông tin cập nhật nào được gửi đến trước chuyến đi, chẳng hạn như các thông báo về việc thắt chặt hoặc nới lỏng các hạn chế mới nhất tại điểm đến sẽ giúp du khách cảm thấy an tâm hơn khi họ có sự chuẩn bị và được thông tin kỹ càng. Hơn nữa, trong quá trình tổ chức và thực hiện chuyến du lịch, doanh nghiệp cũng cần duy trì sự kết nối với du khách, đồng thời sẵn sàng tư vấn và giải đáp thắc mắc khi có chuyện không may xảy ra và ảnh hưởng đến hành trình trải nghiệm của họ.
5. Sự quay trở lại của du lịch công vụ
Một khảo sát của McKinsey, vào năm 2020, tổng chi phí đi công tác toàn cầu đã giảm 52%. Tại Mỹ, chi tiêu cho du lịch của các công ty giảm 71% - thiệt hại cho ngành là 94 tỷ USD. Mặc dù ban đầu McKinsey đã dự đoán về sự phục hồi chậm và khó khăn đối với du lịch công vụ. Tuy nhiên, tốc độ và tỷ lệ tiêm chủng đang đang làm tăng khả năng phục hồi của loại hình du lịch này. Hiện nay, mặc dù sự gia tăng của các hội nghị trực tuyến và làm việc từ xa đang phần nào làm hạn chế tương lai cho thị trường du lịch công vụ, McKinsey đã chỉ ra 2 phân khúc quan trọng cần lưu tâm:
- "Sợ bị bỏ lỡ" (FOMO): McKinsey coi nhóm này là chìa khóa cho sự trở lại thành công của các chuyến du lịch công vụ. Theo đó, nhiều doanh nghiệp vẫn coi trọng việc di chuyển tới gặp trực tiếp là một cách hiệu quả để duy trì mối quan hệ với đối tác/khách hàng, hay giành được hợp đồng và theo kịp đà phát triển với các đối thủ cạnh tranh.
- "Chờ và xem": Doanh nghiệp không cần thiết phải đi công tác nhưng thỉnh thoảng họ sẽ thực hiện bởi tính chất quan trọng của các buổi hội nghị và các sự kiện đặc biệt. Tuy nhiên, họ vẫn trung thành với việc tham gia các sự kiện được tổ chức trực tuyến trong thời gian tới.
Doanh nghiệp lữ hành có thể chú trọng và khai thác tiềm năng từ hai phân khúc này, đặc biệt là phân khúc FOMO - những du khách đang rất hào hứng để khởi động lại chuyến du lịch công vụ của họ với tần suất thường xuyên hơn.
6. Nhóm khách du lịch "bleisure” (kết hợp công việc + giải trí)
Trong khi du lịch công vụ phải trải qua một giai đoạn phục hồi lâu dài, doanh nghiệp lữ hành có thể nhắm mục tiêu đến phân khúc khách kết hợp giữa công việc và giải trí là “bleisure”. Nhóm khách này là những người kết hợp nhu cầu làm việc và giải trí trong chuyến đi của họ, hoặc những người làm việc từ xa có thể chủ động về mặt thời gian và không gian. Sự phát triển của các công cụ trực tuyến, điện toán đám mây, hội nghị trực tuyến và sự đổi mới của nền tảng số đã cho phép nhiều người làm việc một cách linh hoạt ở mọi lúc mọi nơi. Trong thời kỳ đại dịch, những công cụ này đã trở nên phổ biến và các công ty đã linh hoạt áp dụng các nền tảng công nghệ cho mục đích làm việc từ xa đối với các nhân viên.
Từ thực tiễn này, các doanh nghiệp lữ hành có thể theo dõi các chương trình/chiến dịch từ các Tổ chức tiếp thị & quản lý điểm đến để cập nhật và nắm bắt các điểm đến mới nổi phù hợp cho việc thiết kế tour du lịch hấp dẫn dành cho nhóm khách kết hợp du lịch với làm việc.

Trong đại dịch, nhiều người lựa chọn hình thức làm việc từ các điểm nghỉ dưỡng. Ảnh: CTV
Trong đại dịch, nhiều người lựa chọn hình thức làm việc từ các điểm nghỉ dưỡng. Ảnh: CTV
7. Cân nhắc trong việc lựa chọn điểm đến
Cũng như việc tạo các tour du lịch đến các điểm đến mới nổi có thể phục vụ cho các nhóm khách du lịch mới, các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đạt tỷ lệ tiêm chủng cao có thể là lựa chọn lý tưởng đối với nhiều du khách trong thời gian tới. Thí dụ, New Zealand đã nhận được sự đánh giá cao vì đã xử lý được đại dịch, hay các chương trình tiêm chủng của Canada và Anh đã đạt thành công và được công nhận bởi các tổ chức quốc tế. Điểm chung giữa những điểm đến này là họ mang đến cho du khách sự cảm nhận “an toàn hơn” so với các điểm đến khác chưa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Do đó, doanh nghiệp lữ hành cần tìm ra lời giải cho câu hỏi thường gặp của du khách là: “Tôi đi du lịch ở đâu là an toàn?” Tất nhiên, lời khuyên về sức khỏe hay an toàn không phải là nhiệm vụ chính của công ty lữ hành, nhưng doanh nghiệp và điểm đến cần chuẩn bị thực hiện các bước bổ sung để trấn an du khách.
8. Cách thức du lịch thay đổi 
Đại dịch khiến nhiều người sẽ lo lắng về việc du lịch bằng máy bay, do vậy họ sẽ chuyển qua lựa chọn các phương tiện di chuyển khác để “du lịch gần mặt đất”, chẳng hạn như ô-tô và tàu hỏa. Ngay cả những người sẵn sàng bay đến điểm đến cũng có thể muốn lựa chọn phương tiện di chuyển bằng đường bộ để có thể hạn chế tiếp xúc, hít thở bầu không khí trong lành và chủ động hành trình.
Một điểm sáng cho năm 2022 là sự gia tăng của những chuyến đi dài, khi nhiều biên giới sẽ được mở ra và du khách sẽ cảm thấy thoải mái để trải nghiệm chuyến hành trình dài ngày và xa hơn mà họ đã mơ ước hay chỉ đơn giản là với mong muốn đoàn tụ với người thân và bạn bè.
Tuy nhiên, du lịch tại nơi mình sinh sống hay tận hưởng kỳ nghỉ gần nhà (staycation) vẫn được xem là sự lựa chọn phổ biến đối với nhiều du khách. Theo đó, nhiều du khách sẽ nhận ra rằng việc khám phá các thành phố hoặc du lịch trong nước như là một phần thưởng tương đương với một chuyến du lịch ra nước ngoài. Vì thế, các doanh nghiệp đừng quên tiếp thị điểm đến địa phương cho những du khách có đam mê khám phá quê hương của họ.
9. Những thị trường ngách 
Một số thị trường du lịch ngách xuất hiện trong thời điểm đại dịch có khả năng vẫn còn phổ biến vào năm 2022 bao gồm kỳ nghỉ gần nhà (staycation), "bong bóng du lịch" (travel bubble), hay du lịch cá nhân (solo travel), du lịch có ý thức về môi trường (environmentally - conscious travel),... Hơn nữa, khi các biên giới giữa các nước được mở ra, các hạn chế được dỡ bỏ và mọi người cảm thấy đủ an toàn để đi lại, ba phân khúc thị trường ngách được đánh giá sẽ vẫn nổi trong năm 2022 là:
- Du lịch đoàn tụ (reunion travel): Do những mong muốn gặp gỡ và tương tác bị dồn nén trong khủng hoảng dịch bệnh nên nhu cầu đi du lịch để đoàn tụ với các thành viên trong gia đình và bạn bè ở nước ngoài là rất lớn. Các doanh nghiệp nên tập trung vào việc tạo ra những cơ hội để các thành viên trong gia đình và bạn bè lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ trong một chuyến du lịch đoàn tụ.
- Du lịch hoài niệm (Nostalgia travel): Một nhánh phụ của du lịch đoàn tụ là “du lịch hoài niệm” - nơi nhóm bạn cũ đoàn tụ trong một chuyến đi hoặc các cặp đôi đi du lịch đến điểm đến yêu thích của họ, chẳng hạn như những nơi mà họ đã từng gặp nhau, kết hôn hoặc hưởng tuần trăng mật.
- Tìm kiếm cuộc phiêu lưu (Quest for adventure): Một bài báo trên ấn phẩm du lịch euronews.travel đã dẫn lời các chuyên gia du lịch, những người nhận thấy sự gia tăng nhu cầu cho các chuyến du lịch mạo hiểm khám phá một lần trong đời (one-off adventurous vacations), đặc biệt là các hoạt động ngoài trời tuyệt vời. "Cuộc sống thật ngắn ngủi và  hơn bao giờ hết, tất cả chúng ta đều nên trân trọng sự hữu hạn của đời người và thật vui là chúng tôi nhận thấy điều này thông qua những gì mà nhiều người đang đặt dịch vụ du lịch”.
10. Phương thức đặt dịch vụ du lịch
Vào năm 2022 hay 2023, ngành du lịch sẽ chứng kiến một sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu du lịch sau khi tỷ lệ tiêm chủng cao tạo ra miễn dịch cộng đồng. Điều này dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu đặt dịch vụ từ những người đã lâu không thể đi du lịch trong một thời gian dài. Do đó, các doanh nghiệp lữ hành cần nâng cấp hệ thống và quy trình đặt dịch vụ trực tuyến.
Có thể thấy, mỗi xu hướng này dù mới hay không cũng đều chứa đựng những cơ hội giúp các doanh nghiệp thích ứng. Nắm bắt được những thay đổi trong nhu cầu và mong muốn của du khách, tạo ra điều chỉnh phù hợp với những quy định mới, quy trình bảo đảm an toàn và sức khỏe sẽ giúp các doanh nghiệp lữ hành đạt được sự phục hồi như trông đợi.
T.LINH (theo Rezgo.com/NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.