Những chiếc đồng hồ cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi thuê ngôi nhà 4 tầng của một bà góa chồng hiện đã ra ngoại thành ở. Tôi kéo hai thằng bạn quen trong câu lạc bộ tình nguyện từ hồi đại học về ở cùng. Có lẽ toàn đứa thích độ cao nên chui tọt lên 2 tầng trên cùng ở để phơi phóng quần áo cho tiện. Hơn nữa, tầng 4 có một ban công nhỏ, sáng dậy khua chân múa tay làm vài động tác thể dục nghe có vẻ cũng khí thế hơn. Tầng trệt để xe, còn lại tầng 2, sau khi đăng tin cho thuê lại thì có 3 ả xách đồ đạc lỉnh kỉnh đến dọn phòng. Dương bảo: “Nhà có phụ nữ có khác, trông phấn khởi hẳn lên”.

Phụ nữ trong ngôi nhà này ai cũng có một câu cửa miệng khiến đàn ông chúng tôi phát ngấy. Cứ hễ chạm mặt My điệu ở đâu, dù là cầu thang, tầng trệt để xe, thậm chí ở cửa nhà vệ sinh là thể nào cũng được nghe câu: “Hôm nay em đẹp không?”. Lan sầu thì một ngày hắn than độ mươi câu: “Ôi! Chán cái cuộc đời này quá”. Còn một nàng thì ngày này qua ngày khác đều thắc thỏm duy nhất một điều: “Ai sẽ lấy em làm vợ?”, đấy là Nhi.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

An ngồi hý hoáy sửa chiếc đồng hồ báo thức ngẩng lên nhìn Nhi cười. Dường như Nhi quá quen với hình ảnh cậu con trai có dáng người khắc khổ đang ngồi sửa đồ cũ chỗ dưới tầng trệt. Nhờ có An mà đồ đạc trong ngôi nhà không khi nào bị hư quá hai ngày, nhiều khi nó chưa kịp hư thì An đã tháo ra sửa rồi. Những lúc như thế Nhi thường nán lại, ngồi vắt vẻo trên yên xe nhìn theo An từng động tác. Đôi khi buột miệng em kể vài ba câu chuyện ơ hờ nơi công sở, chút ganh ghét đố kỵ kiểu đàn bà, cũng có khi là chuyện về mấy thằng đàn ông bám dai như đỉa. An hiền lắm, nghe xong lúc nào cũng chỉ cười. Cười cho đến khi Lan sầu về nhà rệu rã bước lên từng bậc cầu thang.

Thi thoảng tôi hay chạm mặt Nhi ở cầu thang, lần nào cũng thấy em đang nấu cháo điện thoại với một gã đàn ông nào đó. Cũng có khi cả tuần không chạm mặt Nhi lần nào, hỏi ra mới biết em nhốt mình trong phòng. Mỗi khi nhắc về Nhi hay Lan sầu thì My điệu lại xì một tiếng rõ dài bảo:

- Đời được mấy tí mà phải buồn. Buồn vì giai lại càng never. Phương châm của em là “mình đẹp mình có quyền”, trong đó có quyền làm đàn ông các anh phải khổ.

My nói những điều đó nhẹ bẫng như nó là hiển nhiên. Tôi xếp My vào tuýp phụ nữ đơn giản, ở ngoài thế nào tôi không cần biết, nhưng khi trở về thế giới chung của chúng tôi nàng đừng là con tắc kè hoa đổi màu, là được. Thế nên dù ngán ngẩm với câu cửa miệng của My nhưng hôm nào tôi cũng khen nàng đẹp. Có mất mát gì đâu, miễn My vui là được. Mà quả thật, nàng rất đẹp…

*

Lan bỏ đi đâu đó chừng nửa tháng thì trở về với nồng nặc hơi men rồi đổ ốm liệt giường. Nhi xin nghỉ làm ở nhà cặm cụi nấu cháo chăm bạn. Ba thằng lên thăm Lan, Dương hất hàm về phía Nhi hỏi:
- Sao mà đến nông nỗi này?
- Hắn mới tìm thấy bố.
- Tìm thấy bố thì phải vui chứ sao lại tiều tụy như mới vượt qua khổ ải không bằng.
Nhi thở dài, nắn bóp từng ngón tay gầy guộc của Lan mà mắt sũng buồn:
- Với hắn, đó là khổ ải.

Đấy là khoảng thời gian khá dài chúng tôi không còn phải nghe Lan than chán đời, cũng không thấy Nhi gặp ai cũng ướm hỏi lấy làm chồng. Không khí trong ngôi nhà lắng xuống, không ai bảo ai nhưng đều cảm thấy buồn. Lan khỏe lại, tính tình có phần thay đổi. Trông nữ tính hơn qua đôi mi uốn cong, môi tươi màu hồng cánh sen, móng tay in hình 12 cái mặt cười ngộ nghĩnh. Một buổi tối nào đó trong những câu chuyện vặt vãnh về đàn bà, An bỗng nhiên bảo:

- Trông mặt Lan đẹp nhưng đôi mắt thường trang điểm đậm nhìn giả lắm.
Nhi nghe tiếng thì cười héo hắt:

- Đêm nào Lan cũng khóc sụt sùi, mắt quầng đen vì thiếu ngủ.
- Tìm được bố là tốt rồi, có nhiều người cả đời đi tìm mà đâu thấy được mặt nhau. Sao phải ôm mãi nỗi buồn?
- Vì không phải lỗi lầm nào của người lớn cũng dễ thứ tha An ạ.
- Phụ nữ các em phức tạp bỏ mẹ. Người đời bảo rồi muốn cuộc sống không phiền toái thì đừng nên bỏ đá vào túi mà đeo. Vứt đi được cái gì thì nhẹ nợ cái đấy, nặng lòng thì được chi?-Dương nói rồi thở dài, áo vắt vai khệnh khạng chui vào buồng tắm dội nước ào ào.

*
Hôm ấy, tôi được thăng chức. Dương vớ bẫm trong một hợp đồng xây dựng nên đang hí hửng rủ cả bọn đi ăn. Nhi kết thúc một cuộc hẹn hò ơ hờ nào đó trong váy vóc nhàu nhĩ, còn An ngồi giữa một đống đồ cũ không biết tha tận những xó xỉnh nào. Thì My đã ở một thế giới rất xa. Cho đến tận khi đỡ My trên tay mình, tôi vẫn không thể ngờ người tự vẫn là My chứ không phải là đứa hay than chán đời như Lan sầu. Khi phá cửa buồng tắm, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những cánh hoa hồng trải dày như thảm. My mặc bộ váy ren trắng, khuôn mặt trang điểm rất đẹp, trên môi như nở một nụ cười. Lúc ấy tôi ước gì có thể nghe thấy nàng hỏi: “Hôm nay em đẹp không?” để được khen nàng một lần thật chân thành.

Cái chết của My khiến mấy thằng đàn ông chúng tôi giật mình. Hóa ra mọi thứ không như những gì ta thường nhìn thấy. Hóa ra chúng tôi quen sống hời hợt, phán xét bừa bãi mà chẳng hiểu chuyện đời. Hóa ra những khuôn mặt tươi vui hớn hở ngoài kia có khi là giông bão trong lòng. Hóa ra hôm qua thấy người ta hát mừng sinh nhật thì cũng đừng vội vui khi nghĩ rằng người ta thiết tha lắm với đời.

Thế nên khi thấy Nhi gõ cửa mang theo nụ cười héo hắt, tôi đã không dám thờ ơ nữa. Nhi bảo em mới chia tay một gã người tình, gã này là gã thứ 8. Một con số khá tròn trĩnh cho mười năm sống ở thành phố này và cho số tuổi ba mươi. Khi tôi hỏi Nhi sao không giữ một người ở bên mình rồi lấy làm chồng thì cô ấy khóc. Rồi Nhi bất chợt nhìn chúng tôi đăm đăm và hỏi:

- Đàn ông các anh! Làm thế nào để giữ được bây giờ?

An thở dài, quăng chiếc đồng hồ cũ vào góc nhà bước ra ngồi ở cầu thang. Dương nhìn theo An khẽ cười bảo với Nhi:

- Có chăng là trách em đã trao tình cảm nhầm người. Người thương em hết lòng thì em lại không hề biết đấy thôi.

*
Lan đi. Nhi nói Lan muốn rời xa thành phố này để đến một vùng đất bình yên hơn. Cuối cùng thì thứ tha cũng không phải là một việc khó khăn đến thế đối với Lan. Tiễn Lan đi, nhà chỉ còn mình Nhi là con gái. Hai phòng vệ sinh bỗng thấy thừa thãi vì đôi khi thấy nó tồn tại như là cái cớ để nhớ thương nhau. Cũng lâu không thấy Nhi đứng ở cầu thang buôn điện thoại, giờ chăm chỉ ở nhà ngồi nhìn An sửa đống đồng hồ cũ. Nhi cứ thắc mắc hoài, rằng lấy đâu ra nhiều đồng hồ cũ đến thế. An cười bảo sẽ sửa đến khi nào cưới được một người làm vợ mới thôi.

Dương nghe xong thì cười khùng khục rồi quay sang bàn với tôi rằng sau này cả bốn đứa lấy chồng, lấy vợ cũng không cần phải chuyển nhà. Vẫn một tầng trệt để xe, tầng hai của vợ chồng Dương, tầng ba để tôi kiếm cô dâu về ở. Còn tầng thượng thôi nhường cho vợ chồng Nhi, thể nào hai đứa nó cũng sẽ có em bé sớm nhất nên nhường ở trên tầng cao còn tiện phơi đồ con nít. Nhi nghe Dương tính chuyện tương lai, Nhi cười khúc khích. Lâu lắm mới lại thấy Nhi cười…

Vũ Thị Huyền Trang

Có thể bạn quan tâm

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...