Đánh thức tiềm lực vùng biên giới Đức Cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 3 huyện biên giới của tỉnh thì Đức Cơ có vị trí thuận lợi nhất nhờ quốc lộ 19 chạy xuyên qua địa bàn và tiếp nối với đường 78 sang Vương quốc Campuchia. Nếu đi từ TP. Pleiku thì chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ ngồi ô tô, chúng ta đã tới Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Cũng con đường này cách đây 20 năm phải đi mất gần 1 ngày.

Có người bảo, muốn biết một địa phương giàu hay nghèo không cần phải nghe báo cáo, thống kê này nọ mà chỉ cần quan sát nhà dân hoặc vào chợ là rõ. Những năm gần đây, Đức Cơ trở nên nổi tiếng bởi là địa bàn trồng cao su của Binh đoàn 15. Vùng biên giới hoang vu ngày nào giờ bát ngát rừng cao su, đi đâu cũng gặp một màu xanh miên man đến tận chân trời. Rừng cao su trải dài đến đâu lại xuất hiện các khu dân cư trù phú đến đấy.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Đó có thể là làng công nhân của Binh đoàn, cũng có thể là làng đồng bào dân tộc Jrai. Vẫn những cái tên quen thuộc năm nào: Ia Krêl, Ia Dơk, Ia Nan, Ia Pnôn... nhưng không còn những túp nhà lợp lá tranh xiêu vẹo mà giờ là những ngôi nhà sàn vững chãi lợp ngói, là những con đường trải nhựa phẳng phiu thay cho đường đất trơn trượt năm xưa… Từ thị trấn Chư Ty, mạng lưới giao thông thông suốt đến tận các xã và sang các huyện Ia Grai, Chư Prông, thông cả quốc lộ 14C, tất nhiên toàn bộ đều là đường trải nhựa.

Đức Cơ không chỉ là vùng biên giới bình yên của Tổ quốc mà còn là một địa bàn có nguồn lực kinh tế vững mạnh ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Có người cho đó là nhờ nguồn thu từ cao su, cà phê, điều, hồ tiêu... Tuy nhiên với tôi, sự giàu lên một cách vững chắc của Đức Cơ là nhờ một chính sách đúng đã và đang được thực thi nơi đây. Bên cạnh đó là thành quả của công tác xã hội được các ngành triển khai từ nhiều thập niên qua đã trở thành ý thức trong người dân, thể hiện rõ nhất là khát vọng làm giàu và nâng cao dân trí. Một người bạn vong niên của tôi là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện đã nghỉ hưu, nay lập trang trại trồng cao su, cà phê và hồ tiêu, ngoài ra còn nuôi hươu lấy nhung, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng. Nghe tôi trầm trồ về chuyện làm giàu, anh bảo: Ở Đức Cơ, những nông dân thu hàng tỷ đồng đếm các ngón trên hai bàn tay vẫn chưa đủ số, thêm chân nữa may ra...

Tháng 3 của một thời là mùa ăn năm, uống tháng, làng nào cũng giết hàng chục trâu bò cúng tế, hàng trăm ghè rượu cần uống say nghiêng ngả… Nhưng tháng 3 bây giờ, người Đức Cơ (cũng như người các làng phía Tây Trường Sơn) luôn lo toan cho vườn cà phê vào vụ tưới, sáng dậy sớm vào lô cạo mủ cao su, di chuyển đàn ong lấy mật dưới tán rừng đang mùa ra hoa. Đức Cơ với tôi còn là một vùng biên nhiều tiềm lực kinh tế đang chờ đầu tư, khai thác, đặc biệt là du lịch.

Con đường 19 được nâng cấp, mặt đường rộng, phẳng, chạy giữa khu dân cư trù phú, sâu bên trong vẫn còn những vạt rừng tự nhiên. Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ quy mô như cấp quốc gia, có lầu chuông với quả đại hồng chung bằng đồng nặng 7 tấn. Ý tưởng xây dựng đoạn đường này thành con đường du lịch không phải là viễn cảnh bởi nơi đây hội tụ đủ các yếu tố. Đức Cơ có nhiều di tích lịch sử, sáng khởi hành thì nửa buổi chiều đã đến TP. Seam Reap (Vương quốc Campuchia) chiêm ngưỡng quần thể Angkor kỳ vĩ. Đây cũng là con đường huyết mạch của khu vực Đông Bắc Campuchia-nơi có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư sản xuất. Ấy là chưa kể đến những tiềm lực khác như các ngôi làng Jrai trong huyện còn nguyên nếp nhà sàn, cây đa cổ thụ làng Ghè (xã Ia Dơk) đã hàng trăm năm tuổi luôn hấp dẫn khách tham quan…

Đức Cơ trước năm 1975 là vùng đất bom đạn ác liệt, đến những ngày sau giải phóng vẫn còn đầy khó khăn, gian khổ. Nhưng có về đây trong những ngày tháng 3 này mới cảm nhận được hết sự đổi thay của một vùng biên tràn đầy sinh lực.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.