Cựu chiến binh làm giàu từ nuôi gà bán công nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không cam chịu đói nghèo, thương binh Vũ Văn Liên (70 tuổi,  tổ 1, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đã gầy dựng được một trang trại gà bán công nghiệp lớn nhất thị xã Ayun Pa, mỗi năm cho ra thị trường hàng chục ngàn con gà thịt.

Ông Vũ Văn Liên vốn là trắc thủ của một đơn vị tên lửa thuộc Quân chủng Phòng không Không quân trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, chiến thắng B52 của đế quốc Mỹ để bảo vệ bầu trời Hà Nội tháng 12-1972. Tháng 5-1973, ông ra quân với “chiến tích” thương binh hạng 3/4 “nhờ một mảnh bom do máy bay B52 Mỹ “tặng” cho vào trước trán trong đêm 19-12-1972, khi đơn vị tôi bố trí tên lửa SAM 2 đánh chặn B52 Mỹ ở Sân bay Kép, thị xã Bắc Giang, cách thủ đô Hà Nội non 30 cây số”-ông Liên hóm hỉnh nói.

 

Ông Vũ Văn Liên chăm sóc trang trại gà bán công nghiệp luôn có hơn 7.000 con gà thịt.                                        Ảnh: Đ.P
Ông Vũ Văn Liên chăm sóc trang trại gà bán công nghiệp luôn có hơn 7.000 con gà thịt. Ảnh: Đ.P

Năm 1980, ông Liên một mình rời quê hương (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) vào Ayun Pa làm kinh tế.  Sau đó 4 năm, ông đưa cả vợ con cùng vào lập nghiệp. Sau nhiều năm vừa làm vườn vừa nuôi gà tại mảnh đất ở tạm gần cầu Sông Bờ thường xuyên phải chạy lũ, năm 2013, ông mua được mảnh đất hơn 6 sào tại tổ 1, phường Đoàn Kết để dựng nhà và làm trại nuôi gà. Mới đây, ông Liên đã tích góp mua thêm được một đám rẫy hơn 1,2 ha ở gần đó để lập trại nuôi gà bán công nghiệp. Ở trong vườn nhà, ông nuôi dưỡng gà con, khi đến gà giò cỡ 4 lạng, ông di chuyển lên trang trại để nuôi gà thịt. Cứ thế liên tục gối đầu hết lứa này đến lứa khác,  hiện nay, trại gà của cựu chiến binh Vũ Văn Liên có gần 7.000 con gà thịt, mỗi năm nuôi được 3 lứa.

Có được trang trại gà phát triển ổn định như ngày hôm nay là cả một quá trình mày mò học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Ông Liên cho biết, xuất thân từ con nhà nông, có được chút ít kinh nghiệm nuôi gà học hỏi từ bố mẹ lúc còn nhỏ nhưng chỉ áp dụng để nuôi vài chục con gà cho vui thôi chứ nuôi cùng lúc mấy ngàn con là cả một vấn đề không đơn giản. “Phải chăm sóc thế nào, nhận biết và phòng-chống dịch bệnh ra làm sao, rồi con giống, thị trường đầu ra… đều phải nắm vững. Thực tế đã có nhiều người trắng tay vì dịch bệnh gà chết hàng loạt mà không cứu được đấy”- ông Liên nói.

Để giải quyết từng vấn đề then chốt đó, ông Liên đã phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nhiều năm từ sách báo, bạn bè. Ông cất công xuống tận các trại gà lớn ở tỉnh Bình Định học hỏi kinh nghiệm rồi lựa chọn nhập giống gà con 20 ngày tuổi từ các trại gà ở đây về nuôi. Gà được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, được nuôi trong chuồng sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, giữ ấm, tránh gió vào mùa mưa, mỗi ngày phải dọn dẹp vệ sinh chuồng gà nhiều lần để phòng-chống dịch bệnh. Bên cạnh thức ăn là cám tổng hợp, ông Liên trộn với cám bắp, lúa, rau cỏ cho gà ăn thêm để giảm chi phí. Trong trang trại hơn 1,2 ha, ngoài diện tích xây chuồng gà, ông Liên dành ra hơn 3 sào đất trồng lúa  để khi lúa chín đàn gà tự nhặt nhạnh kiếm ăn. Ông Liên đúc rút kinh nghiệm: “Nuôi gà bán công nghiệp quy mô lớn thì bên cạnh việc chăm sóc, cho ăn đầy đủ, điều quan trọng là phải bố trí đất trống đủ rộng rãi để cho gà chạy nhảy, khi đó đàn gà mới khỏe, ít bị bệnh và cho thịt săn, thơm ngon, bán được giá”. Chính vì thế mà trong trang trại gà của mình, ông Liên dành phần lớn đất trồng xen một số gốc xoài tạo bóng mát cho gà trú ẩn và để cho cỏ mọc, tạo môi trường cho đàn gà bắt các loại cào cào, sâu bọ làm thức ăn…

 

Những năm qua, vợ chồng ông Liên  đã chăm lo cho 4 người con ăn học đến nơi đến chốn (có 3 người đã tốt nghiệp đại học) và có việc làm ổn định, được biểu dương là gia đình hiếu học. Mới đây, trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), ông Liên được UBND thị xã Ayun Pa vinh danh, tặng giấy khen là Cựu chiến binh, thương binh tiêu biểu sản xuất giỏi.

Hiện nay, trang trại gà của ông Liên đã dần có “thương hiệu” ở vùng Đông Nam tỉnh. “Người dân Ayun Pa có nhu cầu ăn thịt gà chỉ cần ra cột điện bên đường đọc số điện thoại rồi gọi cho tôi, chừng 15 phút sau sẽ có gà sạch mới giết thịt mang đến tận nhà với giá gốc”-ông Liên cho hay. Ngoài chuyện xuất bán gà thịt cho các chợ và cung cấp cho các nhà hàng trong thị xã, gần đây, ông Liên đã bắt đầu mở rộng địa bàn, cung cấp gà tại một số nhà hàng do đồng đội cũ giới thiệu ở TP. Hồ Chí Minh.

Nhờ biết tính toán làm ăn và tiết kiệm chi tiêu, mỗi năm, gia đình ông Liên thu lợi trên 300 triệu đồng. Trang trại gà của gia đình ông Liên hiện lớn nhất thị xã Ayun Pa. Vợ chồng ông Liên vừa mới làm được căn nhà cấp 4 khang trang.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.