Làm bánh Trung thu cần có cái tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tọa lạc trên con phố sầm uất và đẹp bậc nhất Phố núi Pleiku, nếu không để ý kỹ, người đi đường khó có thể phát hiện ra ngôi nhà chuyên làm bánh Trung thu có tiếng này. Không biển hiệu khoa trương, cầu kỳ, cửa hàng chỉ vẻn vẹn một chiếc tủ kính nhỏ để trưng bày bánh. Và, khách đa phần là mối quen hay thấy ngon tự giới thiệu nhau tìm đến tiệm bánh này để mua cho gia đình chiếc bánh nướng, bánh dẻo ưng ý mỗi độ Tết Trung thu về.

Ba đời làm bánh Trung thu giữa lòng Phố núi

Chẳng thể đếm nổi đã biết bao lần ngang qua con phố Lê Hồng Phong xanh rợp bóng cây nhưng mãi gần đây, tôi mới phát hiện ra tiệm bánh Trung thu nhỏ ấy. Căn nhà số 38 giản dị và nếu chỉ nhìn thoáng qua, có lẽ mọi người đều nhầm nó với một quán tạp hóa nhỏ rất sơ sài…

 

Sản phẩm bánh Trung thu Tân Mỹ của gia đình ông Quang. Ảnh: Lê Hòa
Sản phẩm bánh Trung thu Tân Mỹ của gia đình ông Quang. Ảnh: Lê Hòa

Chủ nhân ngôi nhà là người Hoa, bao gồm bố mẹ và hai vợ chồng cậu con trai út. Gắn bó với Pleiku từ trước giải phóng, cả gia đình ông Trần Văn Quang (78 tuổi) rời miền đất Tây Nam bộ sông nước lên Pleiku mang theo nghề làm bánh Trung thu gia truyền. Cùng với biến thiên thăng trầm cuộc sống, có lúc khó khăn tưởng chừng phải rẽ lối nhưng rồi, nghề và nghiệp vẫn gắn bó với người mặc cuộc đời nổi lênh. “Phải khó khăn lắm mới có một Tân Mỹ (tên hiệu bánh-N.V) của ngày hôm nay. Giữa muôn nẻo mưu sinh, chỉ riêng nghề làm bánh dễ gì trụ lại với gánh gồng 4 đứa con nơi đất khách?”-ông Quang, tâm sự.

Những gian truân nơi đất lạ với cái nghề chỉ nhắm phục vụ mỗi năm một lần này khiến ông không còn muốn nhắc đến khó khăn đã bước qua trong đời. Ông chỉ muốn nói tới nghề với một niềm đam mê giữ lửa. Theo ông Quang, nghề làm bánh trung thu gia truyền có từ đời cha của ông, tới nay cả 4 người con vẫn giữ nghiệp ông cha. “Bây giờ 4 đứa đều có tiệm bánh riêng và sống nhờ nghề làm bánh Trung thu ở Pleiku. Nghề làm bánh Trung thu, không biết thì thôi, chứ đã biết là dễ mê và đã mê rồi thì khó bỏ… Cứ mỗi độ Tết Trung thu về là lại nao nức chuẩn bị cho một mùa bận rộn, mùi hương của bánh khiến mình không thể ngồi yên và dửng dưng, nó như một thứ chất kích thích để chất nghệ sĩ riêng của nghề làm bánh trỗi dậy và lăn lộn với nó”-ông Quang, trải lòng.

Người con trai út của ông Quang-anh Trần Văn Cảo mới 34 tuổi nhưng đã có ngót nghét 20 năm gắn bó với nghề làm bánh Trung thu và hiện đang cùng vợ chồng ông Quang chung sức cho tiệm bánh. “14 tuổi tôi bắt đầu học làm bánh, làm vì yêu thích và đam mê thôi và cũng chẳng thể diễn tả cho ra câu chữ cái niềm đam mê ấy ra làm sao cho nó rõ ràng, hết tứ”-anh Cảo, nói.

 

Anh Cảo cho bột vào máy để nhào. Ảnh: Lê Hòa
Anh Cảo cho bột vào máy để nhào. Ảnh: Lê Hòa

Quyết giữ nghề gia truyền


… Tiệm bánh ngoài một chiếc tủ kính nhỏ để trưng bày và bán lẻ, còn lại chủ yếu phục vụ cho khách đặt hàng. “Có người ăn quen và hợp vị, hết năm này tới năm khác chỉ ghé tới tiệm mình. Thông thường mình chỉ làm khi có khách đặt, dư thêm một chút để tiện bán lẻ luôn. Khách cần bao nhiêu làm bấy nhiêu thì bánh mới tươi ngon”-anh Cảo, chia sẻ. Với số lượng khách ngày một nhiều, có lúc cao điểm, cả nhà đều phải dậy làm bánh từ sáng sớm cho tới 10 giờ đêm mới kịp đáp ứng nhu cầu.

Làm bánh Trung thu không khó, nhưng ngon hay dở phụ thuộc vào chính cái tâm của người thợ. Càng tâm huyết, cẩn thận và kỹ lưỡng chiếc bánh càng ngon và ngược lại. ‘Bánh không chỉ đơn thuần là sự trộn lẫn các thứ nguyên liệu vào với nhau mà để lên được hồn chất của một chiếc bánh dùng trong ngày Tết phải dồn vào đó tâm huyết và cả sự tinh tế của người thợ làm bánh”-anh Cảo, bộc bạch. Theo anh Cảo, để làm ra được một chiếc bánh nướng sẽ mất khoảng 2 tiếng, từ nhào bột, làm nhân, đóng khuôn và cho vào lò nướng. Công đoạn nào cũng quan trọng và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Chỉ một chút lơ là hay quá tay, cả mẻ bánh sẽ không còn ngon ưng ý. “Ngày xưa phải nhào bột bằng tay phải mất cả tiếng đồng hồ mới xong một mẻ bột, nay có máy nhào, chỉ cần 30 phút là bột đã nhuyễn và lượng bột nhào được nhiều gấp 3 lần khi nhào bằng tay. Nướng bánh nay cũng có lò nhiệt bằng điện, đỡ vất vả rất nhiều lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Chỉ cần duy trì đều đặn ở nhiệt độ 270-300 độ C và canh thời gian chuẩn xác là được”-anh Cảo nói.

 

Tiệm làm bánh rất giản dị nhưng gia chủ đã có tới 3 đời làm bánh dẻo, bánh nướng phục vụ Tết Trung thu Ảnh: Lê Hòa
Tiệm làm bánh rất giản dị nhưng gia chủ đã có tới 3 đời làm bánh dẻo, bánh nướng phục vụ Tết Trung thu. Ảnh: Lê Hòa

Một chiếc bánh Trung thu ngon ngoài mùi vị đặc trưng, màu sắc bắt mắt phải cho cảm giác mịn nhuyễn của bột, sự thơm ngon, ngọt mát xen lẫn vị đậm đà của các loại nhân bánh. Bánh Trung thu càng ngày càng có nhiều cải tiến và biến tấu trong gia vị chế biến. Từ những loại nhân truyền thống ban đầu như đậu xanh, trứng muối, mứt, thịt… giờ còn có thêm hạt dưa, lạp xưởng và thậm chí là nhiều loại nguyên liệu đắt tiền khác: vi cá, dăm bông, rượu vang… Đời sống ngày càng cao ắt nghề làm bánh cũng phải chạy theo bắt nhịp để phục vụ ngày một tốt hơn thị hiếu người dùng.

… Nghề gia truyền ắt đi kèm với nó là cả những bí quyết không dễ gì tiết lộ. Đó là bảo vật, là thứ quyết định sự sống còn của nghề, bởi vậy, ngoài những thông tin đại khái và chung chung về làm món bánh này, ông Quang và người con trai tên Cảo không thể nói thêm. “Con cái tôi sau này nếu chúng vẫn đam mê như tôi, tôi vẫn sẽ hướng cho con giữ nghề cha ông để lại”-anh Cảo quả quyết.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.