Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Thực hiện xuất sắc vai trò "cầu nối"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh đã thể hiện xuất sắc vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, là đầu mối để cộng đồng DN có cơ hội đối thoại với cơ quan quản lý nhà nước. Nhân kỷ niệm 13  năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ SEN-Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh xung quanh hoạt động cũng như sự phát triển của Hiệp hội.

- P.V: Tại Diễn đàn DN  lần thứ II năm 2017 do UBND tỉnh tổ chức ngày 15-9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã nhấn mạnh vai trò cầu nối giữa Nhà nước với DN thông qua  Hiệp hội DN tỉnh. Xin bà cho biết vai trò cầu nối này được thể hiện như thế nào?

 

Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: “Các doanh nhân nên tạo lập các mối quan hệ liên kết-hợp tác với nhau”. Ảnh: H.D
Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: “Các doanh nhân nên tạo lập các mối quan hệ liên kết-hợp tác với nhau”. Ảnh: H.D

Bà NGUYỄN THỊ SEN: Hoạt động trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các DN  cần có một tổ chức để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ DN  phát triển. Đó chính là mục đích hình thành Hiệp hội DN tỉnh và cũng là nhiệm vụ hàng đầu của Hiệp hội. Trong quá trình hoạt động, vai trò cầu nối của Hiệp hội được thể hiện rõ qua các hoạt động tập trung thu thập, sàng lọc thông tin sản xuất kinh doanh của DN để kịp thời phản ánh với cơ quan Nhà nước nhằm tháo gỡ, giải quyết vướng mắc cho các DN xung quanh chính sách đất đai, tín dụng, môi trường, thủ tục hành chính, chi phí không chính thức; đồng thời đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh những giải pháp phát triển DN. Một thuận lợi cơ bản của Hiệp hội là các sở, ngành liên quan khi xây dựng chính sách, kế hoạch, đề án phát triển cho tỉnh hoặc tổ chức các hội nghị, diễn đàn có liên quan đến DN đều mời Hiệp hội tham gia phản biện, góp ý, qua đó tiếng nói của Hiệp hội ngày càng được nâng cao.

- P.V: Ngoài thực hiện vai trò cầu nối giữa Nhà nước với DN,  những hoạt động khác của Hiệp hội trong những năm qua tiến triển như thế nào, thưa bà?

Bà NGUYỄN THỊ SEN: Hiệp hội đã và đang trong tiến trình thúc đẩy hoạt động theo hướng toàn diện. Ngoài vai trò là cầu nối, Hiệp hội còn thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển DN như: phổ biến, tuyên truyền, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan; quảng bá hình ảnh, sản phẩm DN; tổ chức sự kiện chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) hàng năm; phối hợp chiêu sinh, đôn đốc DN  tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ do Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan tổ chức; làm tốt công tác thi đua-khen thưởng, tham gia các hoạt động thể thao… Qua đó, Hiệp hội đã tạo được uy tín đối với cơ quan Nhà nước và niềm tin ngày càng tăng đối với cộng đồng DN. Từ chỗ chỉ có 77 DN hội viên khi mới thành lập, đến nay, Hiệp hội đã phát triển lên trên 400 hội viên. Đặc biệt, hội viên của Hiệp hội hầu hết là các DN thuộc top đầu trong các ngành, lĩnh vực kinh tế của các địa phương trong tỉnh với giá trị chi phối chiếm 3/4 tổng số DN  trong toàn tỉnh từ việc nộp ngân sách, giải quyết việc làm, tham gia an sinh xã hội…

Đặc biệt, trong 2 năm (2016, 2017), được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh, Hiệp hội đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã tổ chức vận động thành lập được 13 Hội DN  huyện, thị xã trực thuộc Hiệp hội. Đây là lần đầu tiên tỉnh ta xây dựng được tổ chức của DN  từ tỉnh cho đến các địa phương trong tỉnh, tạo nền tảng để từng bước thúc đẩy hoạt động liên kết-hợp tác giữa các DN nhằm tăng sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập.

- P.V: Theo bà, trong thời điểm hiện nay, để phát huy vai trò của mình, Hiệp hội cần phải làm gì ?     

Bà NGUYỄN THỊ SEN: Hiệp hội DN tỉnh là tổ chức mới mẻ, ra đời vào thời điểm không thuận lợi, nhưng đã cố gắng đẩy mạnh hoạt động nhằm phục vụ lợi ích DN và Nhà nước. Mục tiêu cao nhất trong hoạt động của Hiệp hội là tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ từ tập quán làm ăn riêng lẻ tiến đến hợp tác lẫn nhau cùng phát triển trong các DN. Kết quả hoạt động trong giai đoạn vừa qua chưa được như mong muốn, xu hướng hợp tác giữa các DN, nhất là các DN  cùng ngành nghề, chưa được khai mở nhiều, dẫn đến còn nhiều hạn chế trong hoạt động và  hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tăng sức cạnh tranh.

Vì vậy, thời gian tới, các doanh nhân nên tạo lập mối quan hệ liên kết-hợp tác với nhau, DN cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực có dư địa và xu hướng phát triển như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu nông sản, thương mại điện tử, du lịch…

- P.V: Xin cảm ơn bà!

Hà Duy (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm